1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tiếp tục ở lại Mỹ

Tối 14/5, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự đã về đến sân bay Nội Bài Hà Nội, trong khi Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển tiếp tục ở lại Mỹ khoảng 3-4 ngày để vận động hành lang.

Ông Lương Văn Tự dáng vẻ mệt mỏi nhưng rất vui vì được những người Việt Nam có mặt tại sân bay lúc đó chào đón ông và các thành viên trong đoàn đàm phán WTO Việt Nam-Hoa Kỳ như những người anh hùng trở về.

 

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Lương Văn Tự nói: Tôi cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của cả hai phía Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, và hai bên đã đi đến một thỏa thuận tương đối công bằng cho cả hai phía, cả hai bên đều cảm thấy thành công.

 

Trong 4 ngày và 2 đêm còn lại, tất cả những vấn đề tồn tại đã được giải quyết hết. Đây là lần kết thúc về mặt nguyên tắc, hai bên thống nhất một số vấn đề liên quan chẳng hạn như: Câu chữ sẽ được thể hiện trong các văn bản như thế nào...

 

Thời gian sắp tới, hai bên sẽ cố gắng để đi đến ký kết hiệp định chính thức đàm phán song phương WTO giữa VN và Hoa Kỳ.

 

Ông Tự cũng cho biết, trong tất cả các vòng đàm phán với Mỹ thì vòng đàm phán vừa qua là khó khăn nhất. Sắp tới VN sẽ làm việc với Ban công tác đa phương để hoàn thiện công việc (theo lịch trình, vòng đàm phán đa phương này sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6/2006).

 

Hiện nay, VN và Hoa Kỳ đang cố gắng thu xếp để có thể ký được hiệp định kết thúc đàm phán song phương trước khi diễn ra hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại TP Hồ Chí Minh (vào đầu tháng 6 tới).

 

Ông Tự nói: Kết thúc đàm phán với Mỹ đã mở ra một cơ hội lớn, cho chúng ta một niềm tin khá vững chắc rằng VN có thể gia nhập WTO trong năm nay. Về vấn đề dệt may, hai bên thỏa thuận rằng khi VN gia nhập WTO sẽ không phải chịu hạn ngạch nữa.

 

Về vấn đề công nhận VN là nền kinh tế thị trường, Ông Tự nói, đến nay ngay một số thành viên của WTO cũng vẫn chưa được công nhận. VN nằm trong những đối tượng như vậy. Ông Tự không nói rõ thời gian áp dụng (để công nhận) cho VN là bao nhiêu năm nhưng khẳng định rằng sẽ ngắn hơn so với Trung Quốc.

 

Ông cho biết: 2 đêm 11 và 12/5, cả 2 phía phải thức trắng để đàm phán. Vấn đề khó khăn nhất để đàm phán là những vấn đề nhạy cảm chẳng hạn như dệt may, vấn đề chính phủ bao cấp cho doanh nghiệp.

 

Cả 2 bên phải liên tục nghĩ ra các sáng kiến để tìm cách vượt qua khó khăn mà vẫn đáp ứng yêu cầu 2 phía. Ông Tự cho biết: Trong quá trình đàm phán gặp các vấn đề phát sinh, đoàn đàm phán luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời ở trong nước.

 

Phía Mỹ nói gì?

 

Ông Rob Portman Đại diện Thương mại Mỹ: “Đây là một thoả thuận tốt cho Mỹ".

 

Nó mở ra một thị trường đang phát triển mới cho hàng hoá nông nghiệp, dịch vụ, tài chính và các sản phẩm khác của Mỹ...

 

Thoả thuận này cũng là tín hiệu cho bước đi lịch sử trong quan hệ song phương... Việt Nam nhận ra rằng cải cách rộng rãi và tự do hoá kinh tế là cần thiết để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”.

 

Ông Thomas óDore, Chủ nhiệm Phòng Thương mại Mỹ (AmCham):

 

“Các Cty Mỹ ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam, nhưng hầu hết còn chờ xem Việt Nam có những tiến bộ gì trong tiến trình gia nhập WTO... Cộng đồng quốc tế muốn chứng kiến Việt Nam mở cửa thị trường hơn nữa, nơi các Cty nước ngoài cũng được đối xử công bằng.

 

Kết quả tiến trình gia nhập của Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho hàng triệu bạn trẻ. Người dân sẽ có thêm sự lựa chọn, chất lượng tốt hơn, giá cả thấp hơn và một hệ thống luật lệ được cải thiện sẽ giúp cho các tài năng kinh doanh người Việt phát huy khả năng cho sự phát triển của đất nước”.

 

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc AmCham tại Hà Nội:

 

“Chúng tôi rất vui mừng với việc hai bên đã có thể giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc cuối cùng. Thoả thuận này có nhiều ý nghĩa với cả hai nước. Các doanh nghiệp Mỹ háo hức trông đợi các cơ hội được tạo ra khi Việt Nam gia nhập WTO , bao gồm cả một thị trường tốt hơn cho hàng hoá và dịch vụ.

 

Khó khăn vẫn đang ở phía trước khi Việt Nam phải hoàn thành đàm phán đa phương ở Geneva, nhưng có thể chắc chắn rằng thoả thuận song phương với Mỹ đã khiến cho tiến trình gia nhập WTO trong năm nay trở nên chắc chắn hơn.

 

Với thoả thuận này, giờ đây AmCham có thể kêu gọi Quốc hội Mỹ trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam và chúng tôi sẽ làm việc với các thành viên của Quôc hội để hoàn thành quy trình quan trọng này”. (T.Đ - Tiền Phong)

 

Theo Nguyễn Đại Phượng
Tiền Phong