1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Chạy quota đã có từ lâu!

Cơ quan CSĐT vừa kết luận bổ sung về vụ nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu nhận hối lộ. Theo đó, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với việc ký thông báo cho phép doanh nghiệp được vay/nhường hạn ngạch dệt may.

Trao đổi với báo chí ngày 11/2, xung quanh kết luận này, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định: “Đã phân phối là bao giờ cũng có vấn đề. Nhu cầu thì nhiều, khả năng thì ít nên nó “đẻ” ra người đi “chạy”. Nhưng cái “chạy” này hoàn toàn không phải do chuyển nhượng (quota).

Nếu lúc bấy giờ, tôi ra quyết định cho chuyển nhượng thì về mặt hành chính là không đúng vì phó Thủ tướng - là cấp trên của tôi - cấm. Nhưng cái không đúng này không gây thiệt hại gì. Nói là vì cho chuyển nhượng mà sinh ra chuyện là không đúng! Chuyện chạy chọt này đã xảy ra rất lâu rồi.

Ở nước ta có chuyện chạy tiền, chạy tội, chạy gì đấy..., đủ thứ chạy. Rồi chạy quota cũng đã có từ lâu rồi. Cứ đã có sự phân phối là có “chạy” chứ không phải do có chuyện này (5 văn bản của Bộ Thương mại - PV) mới có chuyện “chạy”.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tái khẳng định: “Nếu không có mấy thông báo ấy thì đừng có nghĩ được kim ngạch xuất khẩu. Hệ thống phân phối của tôi làm việc rất khoa học, đều đặn, nó có chương trình, kế hoạch; tôi không thể chạy từng ông nhặt hợp đồng... Như thế khách hàng sẽ bỏ VN chạy sang Trung Quốc, Ấn Độ... Từ đó xuất hiện các doanh nghiệp yêu cầu cho chuyển nhượng, Hiệp hội Dệt may đề nghị, Bộ Công nghiệp cũng đề nghị cho chuyển nhượng.

Chủ trương này, nếu hạch toán đàng hoàng, được cái gì, mất cái gì? – Nhà nước có mất gì đâu! Nếu không cho chuyển nhượng quota sẽ đẻ ra cái gì? Quota thừa mà không dùng được thì công nhân không có việc làm. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm xuống”.

Thực tế diễn ra thì việc “chạy” cũng đã có kết quả?

Hiện nay, cá nhân tôi là không biết, Cơ quan điều tra sẽ làm việc này. Việc nếu tôi cho chuyển nhượng là vi phạm hành chính, tức là không chấp hành lệnh ông Vũ Khoan (Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng có văn bản không cho phép chuyển nhượng). Tất nhiên, có thể kỷ luật, phê bình vì không chấp hành lệnh của Thủ tướng. Nhưng tôi không nói cho “chuyển nhượng”, tôi chỉ bảo “cho vay”.

Tôi rất chặt chẽ, chỉ “vay”, “vay” phải “trả”. Bên cạnh đó, sau khi Chính phủ có ý kiến tạm dừng chuyện này thì Bộ Thương mại đã có báo cáo là cho vay được, đề nghị Chính phủ có ý kiến nhưng không có trả lời. Sau khi bắt ông Thắng (vụ phó Lê Văn Thắng), ông Dâu thì chính thức không cho làm.

Ngày 23/8/2005, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng hạn ngạch thành tích xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ. Rõ ràng, chuyển nhượng là một nhu cầu, chứ đâu phải tự nhiên cho? Đây là thực tế, các nước đều làm thế cả.

Cơ quan công an đã nói rõ, việc ra những thông báo nói trên dẫn đến rối loạn thị trường quota?

Nói thế không đúng! Tại sao lại rối loạn? Không cho chuyển nhượng, nó (các doanh nghiệp dệt may) đã chuyển nhượng.

Theo Minh Ngọc
Báo Người lao động