1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Thăng chịu trách nhiệm cùng các địa phương nếu TNGT tăng

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Mạnh Hùng cho biết như vậy khi bị “chất vấn” về vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng Đinh La Thăng sau khi nêu ý kiến kiến nghị cách chức Chủ tịch tỉnh nếu TNGT tăng 3 năm liên tiếp.

Bộ trưởng Thăng chịu trách nhiệm cùng các địa phương nếu TNGT tăng - 1
Một vụ TNGT kinh hoàng tại TPHCM hồi đầu tháng 10/2011 (ảnh: Trung Kiên)
 
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ GTVT tháng 2/2012, việc Bộ trưởng Thăng nêu ý kiến sẽ kiến nghị cách chức Chủ tịch tỉnh nếu tai nạn giao thông (TNGT) tỉnh đó tăng trong 3 năm liên tiếp được báo giới quan tâm đặc biệt và đặt nhiều câu hỏi.
 
Cũng khá bất ngờ khi người chủ trì cuộc họp là Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho biết, câu nói của Bộ trưởng Thăng là nếu TNGT tăng 3 năm liên tiếp, Bộ trưởng Thăng và Trưởng các Ban An toàn Giao thông (ATGT) địa phương là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tỉnh sẽ cùng chịu trách nhiệm. Trách nhiệm này có thể bị kỷ luật tuỳ mức nhẹ, nặng khác nhau; cao nhất là cách chức.

Sau khi báo giới tái khẳng định về phát ngôn của Bộ trưởng Thăng và việc một số lãnh đạo các tỉnh từng bị Thủ tướng phê bình vì để TNGT tăng cao nêu ý kiến tai nạn thường xảy ra trên tuyến quốc lộ, mà quốc lộ là do Bộ GTVT quản lý nên không thể nói là trách nhiệm của tỉnh, mà còn cả trách nhiệm của các cơ quan liên quan, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho rằng không nên căn vặn từng câu từng từ về vấn đề ATGT; dù là nói gì thì cũng vì hướng tới cái chung của toàn dân, của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhằm góp phần thúc đẩy xã hội phát triển và mong có sự đồng thuận, chia sẻ của các địa phương để thực hiện mục tiêu duy nhất là giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương.

Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho hay: “Thực tế, từ năm 2003, Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương đã quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về ATGT trên địa bàn quản lý. Đồng chí Bộ trưởng của chúng tôi không đùn đẩy trách nhiệm cho các địa phương mà đề xuất những ý kiến như vậy để cùng chịu trách nhiệm với các địa phương. Đó là sự thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Bộ GTVT trên cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia”.

Cũng theo Thứ trưởng Hùng: “Đồng chí Bộ trưởng không nói cụ thể là tỉnh nào, địa phương nào cả. Trong chuyến công tác miền núi vừa qua của Bộ trưởng Đinh La Thăng, một số Chủ tịch tỉnh nơi đoàn đi qua cũng rất chia sẻ với Bộ trưởng về vấn đề này”.

Thứ trưởng Hùng nói thêm về vấn đề TNNGT trong năm 2011, bình quân có tới hơn 1.000 người chết/tháng (chưa kể bị thương). Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu vấn nạn đó và gọi là “thảm họa”.

Việc xử lý cán bộ để xảy ra TNGT, Thứ trưởng Hùng cho biết đã có quy trình. Nghị quyết 22 và 88 của Chính phủ đã quy định rõ về trách nhiệm theo từng cấp. Đơn cử như cách đây 3 năm xảy ra vụ chìm đò ở Quảng Bình, qua đó đã nói đến trách nhiệm của cấp huyện, cấp tỉnh rất rõ ràng khi để xảy ra TNGT.
 
Theo thống kê của Bộ GTVT, trong tháng 1/2012 cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ TNGT, làm chết 925 người, 761 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, TNGT giảm 203 vụ, giảm 106 người chết và 168 người bị thương.
 
Riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, xảy ra 393 vụ TNGT đường bộ và 9 vụ TNGT đường sắt. Trong đó, số vụ TNGT không tăng, tăng 1 người chết và giảm 27 người bị thương so với Tết Tân Mão 2011. Công tác đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết được thực hiện tốt, an ninh trật tự tại các khu vực đầu mối giao thông được duy trì, bảo đảm an toàn; không xảy ra ùn tắc giao thông và các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc làm chết nhiều người. Trên toàn quốc không có hiện tượng đua xe trái phép.
 
Ngày 31/1/2012, Bộ GTVT đã có Công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo trật tự ATGT, phấn đấu giảm TNGT trong những tháng đầu năm 2012, đặc biệt là trong dịp Lễ hội Xuân.
 
Quỳnh Anh