1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Bão đổ bộ vào Huế, Đà Nẵng

Sáng nay, 1/11, bão số 8 đến sát vùng biển Thừa Thiên - Huế. Các đợt sóng lớn liên tục quật vào bờ. Tại thành phố Đà Nẵng, chính quyền ban bố lệnh khẩn cấp. Các trường học đóng cửa, toàn thành phố mất điện, phương tiện giao thông liên lạc bị cắt đứt.

Đêm qua, sóng và gió ở vùng bờ biển đã mạnh và một đoạn bờ biển thuộc thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, Phú Vang đã bị sạt lở. Sáng nay, sóng tiếp tục “nuốt dần” từng mảng bờ biển dài đến hơn 500m ngoạm sâu vào đất liền hàng chục mét. Đây chính là vùng cửa biển Thuận An xưa cũ đã bị bồi lấp từ hơn 100 năm trước, tiếp đó đã bị vỡ toang trong cơn lũ lịch sử 1999, rồi lại bồi lấp.  

 

Lực lượng cứu hộ của bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương Thừa Thiên - Huế cùng với dân địa phương đã có mặt từ sáng sớm để giành giật với sóng gió từng đoạn bờ biển. Hơn 15.000 bao cát loại lớn cùng với những rọ đá, rọ cát bọc vải kỹ thuật đã được huy động để hàn gắn những đoạn bờ biển bị sạt lở. Dưới mưa và gió, hàng trăm con người đang oằn mình để chống chọi. Nhưng sóng gió vẫn cứ gào thét và kéo dần những bao cát, rọ cát xuống biển.

 

Bờ biển dựng đứng và từng mảng đất đá cứ rơi tỏm dần xuống làn nước sau những đợt sóng. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đang tiếp tục huy động lực lượng của trung đoàn 178 từ Phú Bài cùng với lực lượng quân sự từ nhiều nơi trong tỉnh về ứng cứu, bởi gió và sóng sẽ còn tiếp tục mạnh hơn nữa vào chiều và tối nay.

 

10.000 bao cát nữa cũng đã được huy động về cho Hòa Duân và cửa Thuận An cũng đang có nguy cơ bị sạt lở nặng.

 

Sau khi chuyển những hình ảnh bờ biển Hòa Duân về tòa soạn, phóng viên Thái Lộc đã tìm đường lần ra cửa biển, con đường vào ra cảng Thuận An, và điện thoại về lúc 15h30.

 

Trong khi đó, phía bên trong phá Tam Giang, nước đang dâng cao lên từng giờ một. Tại khu vực rừng dương cạnh hải đăng cửa Thuận An, nước phá dâng cao tràn vào rừng cây, tràn ngập cả con đường đi ra trạm gác biên phòng cửa Thuận.

 

Phía ngoài biển, sóng từng đợt lớn cũng đánh tràn vào gần giáp với nước trong phá. Một cửa biển mới có nguy cơ mở ra ở đây. Rừng dương xanh rì hôm nào giờ gãy đổ la liệt. Làng xóm nơi đây không một bóng người vì đã được di tản hết từ đêm qua.

 

Bão đổ bộ vào Huế, Đà Nẵng - 1

Nước sông Hương dâng ngập cả đường phố ở Bao Vinh, ngoại ô thành phố Huế.

 

Lúc này, ở thành phố Huế, gió bắt đầu nổi lên từng đợt lớn và mưa quất rát mặt. Một số cây trong Thành Nội, ngoài công viên hai bờ sông Hương đã ngã đổ. Xe máy chạy trên đường Lê Lợi (cạnh bờ sông) rất vất vả mới vượt qua nổi những cơn gió lớn. Tôn ở các công trường xây dựng bắt đầu bay đổ ầm ầm. Tuy nhiên, đó chỉ mới là dấu hiệu đầu tiên của cơn bão. Đến chiều và tối nay, cơn bão sẽ dịch chuyển đến vùng bờ biển Thừa Thiên - Huế. Lúc đó, thành phố sẽ phải cúp điện.  

 

Bão tràn vào thành phố Đà Nẵng từ một giờ đêm ngày 1/11, 5h sáng gió bắt đầu chuyển mạnh, 6h sáng thành phố ban bố lệnh khẩn cấp, tất cả các trường học đều nghỉ. Toàn thành phố mất điện, các tuyến xe từ Đà Nẵng đi Quảng Nam đều bị cắt đứt.

 

"Con đường 5 sao" bị sóng đánh tràn qua, nhiều đoạn có khả năng sạt lở.

 

Từ chiều 30/10, hơn 450 tàu thuyền của ngư dân đã được đưa vào neo đậu dọc sông Hàn. Hàng ngàn tàu thuyền của các ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng được đưa vào nơi trú ẩn an toàn, riêng 20 tàu thuyền của quận Sơn Trà không nghe lệnh nên đã bị sóng đánh mất tích, có khả năng chìm. Thành phố đang huy động lực lượng cứu hộ kéo các tàu này vào sông Hàn.

 

Ông Nguyễn Sự - bí thư thị ủy Hội An vừa ra quyết định cưỡng chế 5 hộ gia đình ở nhà cổ số 11 phố Trần Phú vì không chịu di dời. Trước đó, thị uỷ đã ra lệnh di dời vì nhà có khả năng bị sập.

 

1121 hộ dân ở các phường ven biển thị xã Hội An đã được đưa đến nơi an toàn. Thị xã sẽ lo toàn bộ chi phí, ăn ở cho đến khi bão tan. 286 du khách nước ngoài đang ở các khu du lịch ven biển cũng đã được đưa đến trung tâm phố cổ.

 

Nước biển đã tràn qua các khu du lịch ven biển cửa Đại, riêng tại đây 5 căn nhà đã bị sập.

 

Tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tam Hiệp, thị xã Hội An), sóng biển dâng cao uy hiếp 400 căn hộ dọc bờ biển. Dân cư ở đây đã được đưa đi tránh bão từ đêm qua.

 

Tuyến đường sắt Bắc-Nam tại km 895-897 thuộc địa phận Dốc Sỏi, huyện Núi Thành, Quảng Nam ngập sâu hơn 30 cm so với mặt đường ray, lệnh dừng khẩn cấp các đoàn tàu đã được ban bố.

 

Lực lượng cứu hộ của ga Tam Kỳ đang khẩn trương đưa vật liệu đến hiện trường các điểm sạt lở để kè bảo vệ đường ray. Các hành khách được bố trí nghỉ ngay tại ga.

 

Cho đến cuối giờ chiều 1/11, lãnh đạo ga Tam Kỳ cho biết chưa biết đến bao giờ thông tuyến.

 

Tại Quảng Ngãi, ông Võ Trung Huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đảo Ly Sơn cho biết, từ 4 giờ sáng nay bão số 8 đã tràn vào huyện đảo với tốc độ gió cấp 10, giật trên cấp 10.

 

Hiện tại, trên đảo có 6 chiếc tàu công suất từ 30 đến 45 CV bị sóng đánh chìm và 2 chiếc bị cuốn trôi. Tuy nhiên, không có người nào bị thiệt mạng.

 

Gió bão đã làm cho nhiều nhà cửa của nhân dân, cơ quan, bệnh viện và cả kho bạc nhà nước huyện tốc mái và hư hại nặng. Nhiều cây cối trên đảo bị đổ.

 

Hiện tại gió bão đang mạnh dần lên, các lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo đã sẵn sàng giúp đỡ nhân dân đối phó với bão.

 

Theo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Bão số 8