1.076 người được phân bổ giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa mới

Phương Thảo

(Dân trí) - Qua vòng hiệp thương lần đầu, 1.076 người được phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. So với chỉ tiêu bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa này, tỷ lệ phân bổ giới thiệu ứng cử cao hơn 2 lần.

Đây là thông tin được nêu tại hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do UB Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 23/2.

1.076 người được phân bổ giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa mới - 1
Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử do UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 23/2.

Báo cáo về kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (tiến hành từ 3/2 đến hết 17/2 vừa qua), Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về bầu cử, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương và địa phương vẫn được diễn ra dân chủ, đúng luật, đảm bảo thời gian theo quy định.

Ở Trung ương, ngày 4/2 vừa qua, Đoàn Chủ tịch Mặt trận đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Còn tại địa phương, đến 17/2, tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thể hiện, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV là 2,04 lần; Quốc hội khóa XIII là 2,20 lần; Quốc hội khóa XII là 2,23 lần). Một số nơi có tỷ lệ cao nhưng một số nơi tỷ lệ khá thấp.

Số lượng người được giới thiệu ứng cử  thuộc khối Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, ở Trung ương có 29 người, ở địa phương là 41 người.

Ông Hầu A Lềnh thông tin thêm, trên cơ sở kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch chuyển đến Hội đồng bầu cử quốc gia và UB Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật.

1.076 người được phân bổ giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa mới - 2

Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh báo cáo về kết quả vòng hiệp thương lần đầu giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Về hoạt động kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực lưu ý, trong triển khai hoạt động giám sát, mặt trận các cấp cần linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo đúng luật và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhất là việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tránh hiện tượng đi bầu cử hộ. 

Nhắc tới việc tự ứng cử của đại biểu, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn mặt trận các cấp phải khách quan, công tâm, chặt chẽ trong việc kiểm tra lý lịch đại biểu để lựa chọn được những người xứng đáng tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hầu A Lềnh thì đề nghị các cấp trong quá trình tổ chức kiểm tra, giám sát bầu cử cần bảo đảm thực hiện đúng các quy  định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; bám sát các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, của Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan, tổ chức liên quan.

Bên cạnh đó, việc giám sát phải có sự phối hợp chặt chẽ với ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan. Phát huy các hình thức giám sát theo quy định của pháp luật và vai trò giám sát của nhân dân, đại diện các tổ chức cùng cơ quan báo chí.

"Việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cần tránh trùng lặp, chồng chéo về thời gian, địa điểm với các đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị được kiểm tra, giám sát.

Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cần tăng cường công tác hướng dẫn nhằm phát huy vai trò của cán bộ mặt trận ở cơ sở để lựa chọn hình thức giám sát sao cho phù hợp", Phó Chủ tịch Hầu A Lềnh yêu cầu.