1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm: Có tránh được gian dối?

Từ năm 2017, các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường mới được tuyển sinh. Vấn đề được đặt ra là ai sẽ thu thập, kiểm chứng thông tin khi mà hầu hết các trường, trong sự cạnh tranh gắt gao của mùa tuyển sinh đều rất dễ “làm đẹp” tỷ lệ có việc làm hấp dẫn…

“Làm đẹp” và cao ngất ngưởng

Trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, bắt đầu từ năm 2018, các trường bắt buộc phải công bố tổng chi phí để đào tạo một sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành).

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tới đây sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Đây cũng là căn cứ để thí sinh, phụ huynh và xã hội nhận diện và lựa chọn trường ĐH, CĐ nào đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng đào tạo ra trường rồi thất nghiệp.


Các trường thông báo tỉ lệ việc làm cao ngất để… chiêu sinh (Ảnh minh họa).

Các trường thông báo tỉ lệ việc làm cao ngất để… chiêu sinh (Ảnh minh họa).

Bà Phụng cũng thừa nhận, mặc dù yêu cầu này đã được thực hiện từ năm 2009 trong quy định về 3 công khai nhưng rất nhiều trường thực hiện chưa nghiêm túc, có tình trạng thống kê cho có hoặc không công khai. Để siết chặt quy định này, năm nay, Bộ GD-ĐT cho biết Bộ sẽ có cơ quan kiểm tra độc lập những số liệu thống kê của các trường. Trường nào không công khai đầy đủ thông tin sẽ không được thông báo tuyển sinh.

Tuy vậy, việc thống kê chính xác, đầy đủ tỷ lệ này để công khai, theo các trường cũng là một việc không hề dễ dàng. Bởi thực tế, hầu hết các trường chỉ khảo sát thời điểm sinh viên tốt nghiệp khoảng 3 tháng. Lúc này tỷ lệ có việc làm chiếm rất ít, hầu hết các em chỉ làm việc tạm thời, không đúng chuyên ngành đào tạo. Sau thời gian này rất khó để tiếp cận các em để khảo sát.

Trong khi đó, hầu hết các trường, trong sự cạnh tranh gắt gao mỗi mùa chiêu sinh, trên các website của trường luôn là 100 sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng con số đó luôn tỉ lệ nghịch với số sinh viên thất nghiệp, hoặc công việc bấp bênh. Đơn cử, có ý kiến cho rằng, chẳng hạn học xây dựng ra trường, đi các công trình theo thời vụ, hoặc làm thợ cũng được tính là… có việc làm.

Một chuyên gia giáo dục thẳng thắn cho rằng, rất nhiều trường ĐH nước ta đang đặt mục tiêu số lượng hơn chất lượng. Nhiều trường để thu hút sinh viên đông sẽ tìm cách “làm đẹp” số liệu sinh viên ra trường có việc làm. Nếu không kiểm soát được điều này, quy định công khai không có ý nghĩa gì. GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay đang có thực trạng hầu như các trường có chuẩn đầu ra giống hệt nhau.

Cũng theo thầy Minh, điều này là không thể chấp nhận được và phải có cơ chế quản lý thật chặt chẽ để đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Còn các cơ quan quản lý thì phải kiểm tra gắt gao vấn đề ba công khai này nhằm đảm bảo sự minh bạch và tránh gian dối.

Đồng quan điểm, GS. TS Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng cho rằng, số liệu 3 công khai trên trang web của các trường là rất đẹp, nhưng thực tế không phải như vậy. Theo GS Vui, đó là sự gian dối và các trường đang đánh lừa xã hội.

GS Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội cũng thẳng thắn nhận định, khi công bố các số liệu 3 công khai hay tỉ lệ SV có việc làm, nhiều trường khai báo số liệu cao ngất ngưởng. Ông cũng cho rằng các trường đang công bố số liệu 3 công khai hay tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn nhiều so với thực tế.

Tránh tác dụng ngược

Theo lộ trình kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục vừa được Bộ GD-ĐT công bố, đến hết năm 2017, sẽ có 35% số cơ sở giáo dục ĐH và 10% số trường CĐ sư phạm được kiểm định. Mục tiêu đến năm 2020 là đánh giá ngoài xong vòng 1 đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế. Bộ GD-ĐT cũng kỳ vọng sau 3 năm nữa sẽ thực hiện tốt và đi vào nền nếp việc công nhận/không công nhận đạt tiêu chuẩn và công khai kết quả KĐCL giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở đào tạo cho xã hội biết và giám sát.

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, đến nay hầu hết các trường ĐH Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, nhiều trường đã được đánh giá ngoài. Bên cạnh đánh giá nhà trường, nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước cũng như quốc tế.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ phục vụ việc bảo đảm chất lượng đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ với hơn 700 người hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong số đó gần 240 người được cấp thẻ kiểm định viên, đủ điều kiện để tham gia đoàn đánh giá ngoài, đến đánh giá ở các trường ĐH.

Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động kiểm định chất lượng trong trường ĐH còn những bất cập, cần cố gắng hơn. Do xu hướng phát triển của xã hội, bộ tiêu chuẩn hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu so với yêu cầu chung.

Bên cạnh đó, nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường ĐH hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng báo cáo tự đánh giá của nhà trường chưa đạt được yêu cầu mong muốn, có những trường tốt nhưng cũng có trường kém hơn.

Ông Mai Văn Trinh khẳng định bộ tiêu chí mới nhấn mạnh tới tính hệ thống bảo đảm chất lượng, cụ thể là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của nhà trường hoạt động thế nào để các điều kiện bảo đảm chất lượng phát huy hiệu quả, qua đó từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm lo ngại rằng mặc dù Bộ đã đưa ra chế tài cụ thể “nếu không công bố đúng sẽ dừng tuyển sinh”, nhưng để làm được điều này, Bộ GD-ĐT sẽ không phải là đơn vị kiểm tra và không can thiệp vào kết quả của người được giao kiểm tra, đồng thời phải có ngân sách để thực hiện việc này theo cơ chế độc lập.

Theo TS Phạm Thị Ly - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các số liệu công bố từ các trường nếu không có công cụ kiểm chứng tốt sẽ không chắc chắn được độ tin cậy. Không những thế nó còn tạo ra tác dụng ngược, nên cần có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan, cá nhân có lợi ích liên quan và có khả năng chất vấn nhà trường để tạo cơ chế minh bạch.

Theo Báo Pháp luật VN