Bộ LĐ-TB&XH có 23 đơn vị trực thuộc, trong đó 2 đơn vị mang tên mới

(Dân trí) - Nghị định 14/2017/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 17/2 đã quy định rõ bộ máy của Bộ LĐ-TB&XH gồm 23 đơn vị trực thuộc, trong đó 2 đơn vị có tên mới là Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Cục Quan hệ lao động và tiền lương.


Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tới thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tới thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Nghị định 14/2017/NĐ-CP đã quy định 23 đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, trong đó bổ sung tên 2 đơn vị mới là: Tổng Cục giáo dục nghề nghề và Cục Quan hệ lao động. Hai đơn vị này được điều chỉnh tên gọi và chức năng nhằm đáp ứng những thay đổi mới trong công tác quản lý chuyên môn trong ngành LĐ-TB&XH.

Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (tên cũ là Tổng Cục Dạy nghề) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề (trừ các trường sư phạm) trên toàn quốc. Trước đó, Bộ GĐ-ĐT đã chuyển giao sự quản lý nhà nước ở khoảng 500 trường CĐ-TC về cho Bộ LĐ-TB&XH.

Một đơn vị mới trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH được nhắc tới là Cục Quan hệ lao động và tiền lương.

Ngoài ra, 21 đơn vị trực thuộc còn lại của Bộ LĐ-TB&XH, gồm: Vụ Bảo hiểm xã hội; Vụ Bình đẳng giới; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Thanh tra; Văn phòng; Cục Việc làm; Cục Quản lý Lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động; Cục Người có công; Cục Trẻ em; Cục Bảo trợ xã hội; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Trung tâm Thông tin; Tạp chí Lao động và Xã hội; Tạp chí Gia đình và Trẻ em; Báo Lao động và Xã hội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội.

Chính phủ quy định trong lĩnh vực lao động và tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH có nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về tiền lương tối thiểu, định mức lao động, thang lương, bảng lương...

Đối với lĩnh vực người có công, Bộ LĐ-TB&XH được phân công nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng; quy định chế độ, định mức, phương thức trang cấp dụng cụ chỉnh hình và phương tiện trợ giúp cho người có công với cách mạng...

Nghị định 14/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 17/2/2017 và thay thế Nghị định 16/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu bộ máy của Bộ LĐ-TB&XH; bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ được Nhà nước giao trong việc kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ ((27/7/1947-27/7/2017). Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến có nhiều hoạt động như: Lễ mít tinh kỷ niệm trọng thể quy mô cấp quốc gia tại Hà Nội, tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương 700 người có công với cách mạng tiêu biểu; tổ chức cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật tại 5 điểm cầu Hà Nội, Quảng Trị, Thái Nguyên, Điện Biên, TP HCM; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại công trình ghi công liệt sĩ trên toàn quốc…

Hoàng Mạnh