1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Xôn xao thông tin ca khúc "Màu hoa đỏ" bị cấm hát

Ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến bất ngờ có tên trong danh sách 354 bài hát không được phép lưu hành và phổ biến.

Thông tin về việc cấm lưu hành phổ biến “Màu hoa đỏ” xuất hiện trong công văn số 120/SVHTTDL-Tr của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang ban hành ngày 7-2-2017 có nội dung đề nghị phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành và phổ biến theo quy định của pháp luật.

Đáng nói là trong danh mục các bài hát được chú thích là “chưa được phê duyệt nội dung và cho phép lưu hành, cấm phổ biến” đi kèm với công văn trên có ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Sáng tác này còn được ghi rõ là nhạc đỏ.

Màu hoa đỏ có tên trong danh sách các ca khúc mà lãnh đạo Sở VHTTDL Tiền Giang cấm lưu hành và phổ biến
"Màu hoa đỏ" có tên trong danh sách các ca khúc mà lãnh đạo Sở VHTTDL Tiền Giang cấm lưu hành và phổ biến

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Đức Đảm - Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang cho biết nguyên nhân của việc cấm lưu hành và phổ biến “Mùa hoa đỏ” là bởi ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung (!?).

Tuy nhiên câu trả lời này được cho là không thỏa đáng và gây xôn xao dư luận. Theo lý giải của một số người, phần lớn những ca khúc được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke từ trước tới nay đều do chủ cơ sở mua lại từ các công ty sản xuất băng đĩa.

Chương trình Giai điệu tự hào 2015 phát trên sóng VTV từng tôn vinh ca khúc Màu hoa đỏ là sáng tác đi cùng năm tháng
Chương trình "Giai điệu tự hào 2015" phát trên sóng VTV từng tôn vinh ca khúc "Màu hoa đỏ" là sáng tác đi cùng năm tháng

Hơn nữa sự chưa phù hợp mà lãnh đạo Sở VHTTDL Tiền Giang nhắc đến (nếu có) cũng không thể là lý do để cấm lưu hành và phổ biến một sáng tác nhạc Cách mạng từng giành giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng (1994) như “Màu hoa đỏ”. Ca khúc này cũng từng được trình diễn trong chương trình “Giai điệu tự hào” (2015) tôn vinh các bài ca đi cùng năm tháng, phát trên sóng đài truyền hình quốc gia VTV.

Trước sự việc trên, ông Phạm Văn Trọng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc Sở VHTTDL Tiền Giang cấm lưu hành và phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” là không đúng, vì mọi người đều biết đây là một bài hát truyền thống Cách mạng nổi tiếng.

Đó là hình ảnh của người chiến sĩ từ giã mái tranh nghèo ra đi theo tiếng gọi của non sông và mãi mãi hóa thân thành “đá núi”, “mây ngàn” “bóng cây tre”… Màu hoa ấy còn là màu của chiều biên cương trắng trời sương núi, nơi có người mẹ già tóc bạc mỏi mắt chờ con…


Ca khúc “Màu hoa đỏ” được cố nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác vào năm 1991, phổ nhạc từ bài thơ “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Ca khúc “Màu hoa đỏ” được cố nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác vào năm 1991, phổ nhạc từ bài thơ “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Khi còn sống, nhạc sĩ Thuận Yến từng chia sẻ ông sáng tác ca khúc này khi hồi tưởng lại những kỷ niệm về một thời bom đạn ngoài trận mạc, để trả món nợ tinh thần với những người đồng đội đã hy sinh và chính tay ông chôn cất nhưng sau này vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Sau khi hoàn thành ca khúc này, nhạc sĩ Thuận Yến đã bàn với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lấy tên là “Màu hoa đỏ” vì những năm tháng chiến tranh, suốt dọc đường hành quân là màu rực đỏ của hoa chuối rừng, gợi không khí hào hùng chiến thắng.

Bài hát này đã từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện như: Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương… Tuy nhiên, người thực sự làm rực lên được cái “màu hoa đỏ” của bài hát được cho là ca sĩ Thanh Lam - con gái nhạc sĩ Thuận Yến.

Theo Dũ Cát

An Ninh Thủ Đô