Phim Kong bị quay trộm, tung lên mạng… vẫn đạt doanh thu 104 tỷ

(Dân trí) - Chỉ sau một ngày sau công chiếu tại Việt Nam, bộ phim bom tấn Kong: Skull Island đã bị quay trộm và tung lên mạng. Tuy nhiên, bộ phim này vẫn đạt doanh thu 104 tỷ.

Thông tin từ nhà phát hành phim Kong tại Việt Nam, trong tuần công chiếu đầu tiên, bộ phim đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt khán giả đến rạp xem phim với doanh thu 104 tỷ.

Doanh thu toàn cầu của phim này hiện là 162,496,700 USD (trong đó 77,396,700 USD là doanh thu Bắc Mỹ, 85,100,000 USD là doanh thu ở các thị trường khác).

Không chỉ phá vỡ kỉ lục phòng vé rạp Việt, Kong: Skull Island còn trở thành phim có doanh thu tuần đầu tiên cao nhất trong lịch sử phát hành phim tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ sau một ngày sau công chiếu tại Việt Nam, bộ phim bom tấn này đã bị quay trộm và tung lên mạng. Chính vì thế, tại buổi họp giữa Bộ TT&TT với các doanh nghiệp (DN) có sản phẩm quảng cáo trên YouTube và các DN kinh doanh dịch vụ quảng cáo, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng vi phạm này.

Theo vị đại diện trên, ở Việt Nam đã bắt đầu cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng. Tuy nhiên, nhiều phim của Việt Nam và quốc tế đã bị đưa lên các trang web này một cách bất hợp pháp. Gần đây nhất là phim “Kong: Skull Island”, dù mới được công chiếu ngày đầu tiên nhưng đã ngay lập tức bị quay và tung lên một số trang web. Các trang web này sống được là nhờ vào quảng cáo và từ những vi phạm kiểu này, họ lại nhận thêm được rất nhiều quảng cáo từ các công ty lớn, nổi tiếng.

Phim Kong đã bị quay lén và tung lên mạng ngay từ ngày đầu công chiếu. Ảnh: TL.
Phim Kong đã bị quay lén và tung lên mạng ngay từ ngày đầu công chiếu. Ảnh: TL.

“Chúng tôi trông chờ Bộ TTTT sẽ có biện pháp xử lý các trang web vi phạm, khuyến khích các tổ chức, công ty có tên tuổi ngừng quảng cáo trên các trang web này”, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ đề nghị.

Câu chuyện phim Việt và phim ngoại vừa ra rạp đã bị tung lên mạng không mới. Từng có rất nhiều nhà sản xuất than phiền và phản ứng quyết liệt với hành động vi phạm bản quyền trên. Cách đây không lâu, Ngô Thanh Vẫn đã phải “mời” một cô gái ra khỏi rạp vì livestream phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” trên trang cá nhân.

Ở Việt Nam, theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, thì các chủ thể có hành vi xâm phạm trái phép bản quyền bộ phim có thể chịu phạt tiền đến 250 triệu đồng (cá nhân), đến 500 triệu đồng (tổ chức), đối với các hành vi sao chép tác phẩm/bản ghi âm, ghi hình hay phân phối bằng bất cứ phương tiện nào.

Như vậy, chỉ cần tổ chức, cá nhân bị phát hiện thực hiện hành vi quay lén phim trong rạp là đủ cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính bất kể mục đích là gì, có đăng tải trên mạng xã hội hay không… Nếu chủ thể sử dụng bản quay lén nhằm vào mục đích thương mại thì có thể bị phạt tiền 50 triệu đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm; phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hà Tùng Long