"Phải có lý do thì Trịnh Công Sơn, Khánh Ly mới chọn Đà Lạt để làm nhạc"

Phương Bảo

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật - khi nói về đề xuất Đà Lạt sẽ là thành phố phát triển âm nhạc trong tương lai.

Ngày 20/10, trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa 2023, Hội thảo quốc tế Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai đã được diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều diễn giả nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Hội thảo gồm 4 phiên họp, thảo luận nhiều vấn đề về âm nhạc hiện nay như: Chính sách về văn hóa, nghệ thuật, Trình diễn nhạc sống từ góc độ của các nhà tổ chức và nghệ sĩ, Tổng quan ngành âm nhạc Việt Nam, Xu hướng âm nhạc Việt Nam và thế giới…

Với tư cách là cơ quan phối hợp tổ chức, bà Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL) - nhấn mạnh, tại Việt Nam, ngành âm nhạc nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung được coi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, âm nhạc cũng được nhiều thành phố của Việt Nam lựa chọn là một trong những thế mạnh sáng tạo góp phần vào quá trình phát triển bền vững của địa phương.

Phải có lý do thì Trịnh Công Sơn, Khánh Ly mới chọn Đà Lạt để làm nhạc - 1
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật - cho biết, Đà Lạt đang được đề xuất để phát triển thành phố âm nhạc ở Việt Nam (Ảnh: Ban Tổ chức).

Nói về phát triển các thành phố âm nhạc ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật - cho biết, từ năm 2004 đến nay đã có hơn 300 thành phố của các nước tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN).

Năm 2021, Bộ VH,TT&DL đã triển khai kế hoạch xây dựng đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam, và đã đề xuất Đà Lạt là thành phố có tiềm năng về âm nhạc.

"Vì sao lại phải ra nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo? Vì như thế chúng ta có thể tiếp cận được xu thế toàn cầu. 130 năm về trước, người Pháp đã xây dựng Đà Lạt thành một đô thị sôi động, có nhiều loại hình âm nhạc. Phải có lý do thì Trịnh Công Sơn, Khánh Ly… mới chọn Đà Lạt để làm nhạc, phát triển sự nghiệp. Ở đây phong cảnh hữu tình nên có tới hơn 300 bài hát viết về thành phố "thông reo" này.

Âm nhạc trở thành sinh kế của người dân Đà Lạt, nhiều đơn vị tổ chức sự kiện làm các chương trình âm nhạc. Các "sô" diễn ở đây được tổ chức từ chiều đến tối (17h-19h30) vì ở thành phố núi này, hoàng hôn vô cùng đẹp và lộng lẫy. Bên cạnh đó, các quán cà phê cũng có nhiều chương trình âm nhạc, mời ca sĩ về biểu diễn", bà Phương chia sẻ.

Bà Phương cho hay, nếu phát triển về âm nhạc, phim ảnh, ẩm thực và du lịch… cùng với sự đảm bảo về môi trường thì Đà Lạt sẽ trở thành một thành phố công nghiệp âm nhạc tương lai.

Bên cạnh vấn đề sự phát triển của thành phố âm nhạc, các khách mời tại hội thảo cũng nói về xu hướng của âm nhạc Việt Nam.

Phải có lý do thì Trịnh Công Sơn, Khánh Ly mới chọn Đà Lạt để làm nhạc - 2
Các khách mời tại hội thảo "Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Khách mời Võ Đức Anh - một trong những người đồng sáng lập của Hanoi Rock city cho biết, xu hướng âm nhạc ở Việt Nam đã thay đổi so với 10 năm trước, số lượng ban nhạc ở Việt Nam chơi các thể loại nhạc nhiều hơn, nhờ internet mà sự phát triển này rất phong phú. Anh cũng nói về số lượng người bỏ tiền đi nghe nhạc tại Việt Nam.

"Tôi sang Băng - Cốc (Thái Lan) xem "sô" diễn có tới 20.000 khán giả, nhưng nếu mang "sô" này về Việt Nam thì rất ít khán giả, vì nếu không phải là nghệ sĩ họ quen biết thì khán giả Việt sẽ không mua vé đi xem.

Tuy nhiên, dù nhiều hay ít thì khi khán giả chịu bỏ tiền mua vé xem một nghệ sĩ quốc tế biểu diễn là một tín hiệu vui. Đến nghe nhạc "sống" là một trải nghiệm khó quên của khán giả mà khi ngồi ở nhà, bạn không có được", anh Đức Anh thông tin.

Khách mời Thành Chu thì cho hay, Việt Nam có dân số trẻ, việc tiếp cận công nghệ thông tin rất nhanh vì thế, khán giả sử dụng nhiều công cụ để tìm kiếm âm nhạc. Nghệ sĩ ở Việt Nam hiện nay làm nhạc "sống" nhiều, kể cả những dòng nhạc cho là khó như: Rap, Hiphop… thì bây giờ cũng diễn live (trực tiếp) rất nhiều.

"Tuy nhiên, cách thưởng thức âm nhạc của người dân ở các miền là khác nhau: Như ở Hà Nội thì âm nhạc mang tính thể nghiệm, ở miền Nam thì khán giả nghe âm nhạc cởi mở hơn, không quá gay gắt về chất lượng đêm diễn. Theo đó, những người làm âm nhạc cũng phải lựa theo "gu" âm nhạc của khán giả mà làm các chương trình", anh Thành Chu thông tin.

Phải có lý do thì Trịnh Công Sơn, Khánh Ly mới chọn Đà Lạt để làm nhạc - 3
Diễn giả âm nhạc Thảo Nghiêm (Ảnh: Ban Tổ chức).

Nói về bản quyền âm nhạc, Thảo Nghiêm - người đồng sáng lập, Giám đốc điều hành The OMAs, giải thưởng âm nhạc thường niên được tổ chức tại Durham Region, Canada - cho biết, khi sáng tác, các nhạc sĩ cần xác định rõ, phong cách của mình là thế nào: Muốn viết nhạc một mình hay là viết cùng một nhóm bạn.

"Ở nước ngoài có một mô hình gọi là trại sáng tác, là nơi để các nhạc sĩ đến và ở cùng nhau vài ngày để viết nhạc, chia sẻ ý tưởng. Sau khoảng 3-4 ngày thì có thể có 1 bài hát chung ra đời.

Khi sáng tác cùng nhau, các nhạc sĩ ở Canada thường có một bản ghi nhớ: viết ngày tháng, ai đóng góp vào phần lời, phần nhạc, viết thế nào, bao nhiêu phần trăm của bài hát… đến khi nào hoàn thiện bài hát thì thôi. Như vậy, sau này việc phân quyền tác giả sẽ dễ dàng hơn", Thảo Nghiêm cho biết.

Thảo Nghiêm cũng chia sẻ, cô hy vọng các nghệ sĩ hay những người đứng sau sân khấu nước nhà sẽ không phải đi một mình mà họ sẽ có một cộng đồng để cùng nhau làm việc, khuyến khích ngành âm nhạc Việt Nam phát triển.