1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Những uẩn khúc khiến ban nhạc Bức Tường tan rã bị giấu kín bấy lâu

(Dân trí) - Các thành viên trong ban nhạc Bức Tường đã lần đầu chia sẻ lí do thực sự khiến ban nhạc tan rã rồi lại tái hợp. Câu chuyện này được lồng ghép trong những thước phim đầy cảm động về cố nhạc sĩ Trần Lập và Bức Tường trong “Chuyện ngày hôm qua”.

Tối qua (17/3), bộ phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua” ra mắt đúng vào dịp tròn một năm cố nhạc sĩ Trần Lập ra đi. Vợ con, người thân, các thành viên ban nhạc Bức Tường trong nhiều thời kỳ, giới điện ảnh và khán giả hâm mộ đã đến rất đông để được xem bộ phim đầu tiên về Bức Tường và Trần Lập.

Bức Tường (tức The Wall) là một trong những ban nhạc rock đầu tiên của Việt Nam thành lập ngày 26/3/1995. Ban nhạc trưởng thành từ phong trào ca nhạc sinh viên từ Trường Đại học Xây dựng và đã chuyên nghiệp hóa sự nghiệp âm nhạc vào năm 1998 với dấu mốc là đêm nhạc Khoảnh khắc giao thời. Năm 2000 , ban nhạc chính thức lấy tên là Bức Tường. Trưởng nhóm của ban nhạc thời bấy giờ ca, nhạc sĩ Trần Lập,

Các thành viên Bức Tường trong những ngày mới thành lập. Ảnh: ĐLP.
Các thành viên Bức Tường trong những ngày mới thành lập. Ảnh: ĐLP.

MC Lại Văn sâm chia sẻ rằng: “Thời đó, Bức Tường thường thể hiện những bản ballda, bản nhạc rock mà trong đó chứa đựng những nội dung có ý nghĩa xã hội rất lớn khi người ta nghe nó. Tôi nghĩ rằng, sức lan toả của những bài hát nằm ở chính điều đó. Và điều quan trọng nhất là người ta tìm thấy sự trân quý ở ban nhạc này bởi những con người tinh tế và luôn gắn bó với cộng đồng”.

“Chuyện ngày hôm qua” do Đặng Linh và Hồng Thăng đạo diễn đã tái hiện lại những bước thăng trầm của Bức Tường kể từ ngày thành lập cho đến lúc “thủ lĩnh” Trần Lập ra đi. Trong phim, các thành viên đã lần đầu tiên hé lộ lí do thực sự khiến ban nhạc này từng phải nói lời tan rã nhưng sau đó lại tái hợp và duy trì cho đến tận hôm nay.

Guitar Tuấn Hùng chia sẻ, sau liveshow “Những hoàn đá lăn” diễn ra vào năm 2005, ban nhạc bắt tay vào thu âm một số sản phẩm âm nhạc mới. Nhưng cứ thu xong lại xoá, xoá xong lại thu… mãi vẫn không thể cho ra lò một sản phẩm âm nhạc nào cả. Và bắt đầu từ đó, giữa các thành viên bắt đầu có những mâu thuẫn nội bộ.

Tấm ảnh còn lại của ban nhạc chụp năm 1998. Ảnh: ĐLP.
Tấm ảnh còn lại của ban nhạc chụp năm 1998. Ảnh: ĐLP.

“Những việc xảy ra vào cuối năm 2006 như một giọt nước tràn ly, ai cũng cảm thấy mệt mỏi. Lúc đấy, mọi người quyết định sẽ dừng lại, không đi tiếp cùng nhau nữa. Để đưa ra được quyết định đó, tất cả các thành viên đều rất khó khăn và đau đớn”, Tuấn Hùng nói.

Guitar Nhất Hoàng (chơi trong ban nhạc từ 1995 – 2005) kể lại: “Năm 2006, ban nhạc quyết định chia tay. Tôi còn nhớ, thời đó anh Lập có rủ tôi về chơi ngày thứ Bảy cuối cùng với cả ban nhạc. Và tôi đã thu xếp công việc về chơi với ban nhạc. Vì rất thân với anh Tuấn Hùng nên tôi đã tìm hiểu thực sự nguyên nhân khiến ban nhạc tan rã là cái gì. Tất nhiên, có rất nhiều khó khăn ở thời điểm đó khiến ban nhạc có sự trì trệ nhất định. Nhưng sau này tôi có biết rằng, giữa anh Hùng và anh Lập có sự bất đồng, có sự không hiểu nhau trong những câu chuyện có liên quan đến lịch sử ban nhạc. Và ở trong phần ghi chép của anh Lập về những năm tháng đẹp nhất thì anh Lập có nói đến một chi tiết mà xuất phát từ đó hai anh thường không đồng tình với nhau. Tất nhiên, đó chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly”.

Guiter Tuấn Hùng phân khẳng định, việc ban nhạc Bức Tường quyết định dừng lại là một quyết định của những người đàn ông chín chắn, không phải là quyết định bột phát. Thời điểm đấy cũng có khá nhiều lời dị nghị xung quanh việc tan rã của Bức Tường như là do ăn chia không đều, do mâu thuẫn thế này thế kia… nên ban nhạc mới tan rã. “Lúc đó, tôi bảo, chúng ta rất đàng hoàng nên không sợ gì hết. Và trước khi chia tay chúng ta nên có một buổi nhạc để tri ân khán giả của mình.

Cảm xúc của ngày buổi biểu diễn cuối cùng rất bùng nổ, phấn khích và vui vẻ. Khi mà Trần Lập hét lên trong mic đoạn nhạc cuối cùng của bài Cây bàng, kết thúc chương trình thì tôi cảm giác như trái tim mình bị bóp nghẹt lại. Chúng tôi đứng trước biển người đang khoác vai nhau, nhảy, hát và khóc… khi nghe Trần Lập tuyên bố “Đây là đêm nhạc cuối cùng của Bức Tường”. Chương trình kết thúc từ lâu, ban tổ chức tắt hết đèn rồi mà không ai chịu ra về. Họ cứ đứng trong bóng đêm rồi hô vang tên ban nhạc, cùng hát những bài hát của ban nhạc. Ngay trong thời điểm đó, bản thân tôi có những suy nghĩ rằng “Chúng ta quyết định như thế có sai lầm hay không?”.

Trần Lập và Tuấn Hùng sau khi tái hợp ban nhạc. Ảnh: ĐLP.
Trần Lập và Tuấn Hùng sau khi tái hợp ban nhạc. Ảnh: ĐLP.

Sau buổi đó, mỗi khi gặp nhau chúng tôi không nhắc lại câu chuyện về ban nhạc. Dường như ai cũng muốn tránh nó đi hay sao ấy. Bản thân tôi luôn có cảm giác hụt hẫng đeo bám. Nhất là những buổi tôi đi tập nhạc hoặc những khi sờ vào cây đàn tôi cảm thấy rất nhớ anh em, nhớ sân khấu. Nếu ai còn nhớ thì thời điểm đó tôi đã quyết định cắt béng đi mái tóc dài mà tôi đã giữ từ lâu, mái tóc dài đã làm nên “thương hiệu” Tuấn Hùng. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi cắt trọc”, Tuấn Hùng xúc động kể.

Thực ra, lúc sinh thời, cố nhạc sĩ Trần Lập cũng đã từng chia sẻ rằng, khi ban nhạc có quyết định chia tay, cả ban nhạc đã không đủ can đảm để tuyên bố với khán giả. Họ sợ phải chứng kiến những phản ứng trái ngược của khán giả.

“Thực ra, nhóm đã có thể tuyên bố tan rã trong tour diễn 9+ khoảng 2004 nhưng mỗi một lần diễn chung là cả nhóm lại thêm một lần gắn bó, lại hừng hực khí thế muốn được cống hiến, được chơi nhạc với tất cả đam mê”, Trần Lập nói.

Tuấn Hùng thừa nhận mình và Trần Lập "như lửa với nước" nhưng không bao giờ bỏ được nhau. Bạn bè hay trêu họ là "vợ chồng già" vì thường xuyên cãi cọ nhưng nhanh chóng làm lành. Sau mỗi buổi tranh luận căng thẳng, bộ đôi lại nhắn tin hỏi han, rủ nhau đi cà phê. Đến lúc gặp gỡ, mọi mâu thuẫn, căng thẳng lại biến mất. Theo Tuấn Hùng đến khoảng năm 2009 thì các thành viên manh nhanh nói về việc tái hợp trở lại.


Các thành viên ban nhạc Bức Tường qua các thời kỳ chụp với Trần Lập. Ảnh: ĐLP.

Các thành viên ban nhạc Bức Tường qua các thời kỳ chụp với Trần Lập. Ảnh: ĐLP.

Nhạc sĩ Nghiêm Mạnh Tuấn (Drums 2003 – 2013) kể, thời điểm đó anh cũng chán. Và vì chơi nhạc không đủ kiếm sống nên anh đã chuyển sang làm xây dựng với nhạc sĩ Nguyễn Hoàng (Guitar 1995 – 2006) trong vòng một năm.

“Thời gian đầu tôi nghĩ, tôi sẽ chịu đựng được nghề này nhưng về sau thấy không có âm nhạc tôi không còn là mình nữa. Thời điểm đó, thỉnh thoảng anh Lập lại có những lời nói ý như muốn quay lại nhưng tôi, anh Nguyễn Hoàng và Quốc Khánh thường trêu lại anh Lập là “Anh để bọn em yên”,

Bản thân Guitar Nhất Hoàng cho rằng, trong thời gian đó nhạc sĩ Trần Lập đã làm rất nhiều việc và cũng thay đổi rất nhiều. Trần Lập đã từng hát một mình hoặc hát với ban nhạc khác. Thậm chí, Trần Lập đảm nhận vai trò dẫn chương trình nữa.

“Chúng tôi nói với nhau rằng, ở vai trò nào thì anh Lập cũng không thể tốt bằng hát với ban nhạc Bức Tường được. Và anh ấy đồng ý về điều đó. Bởi mỗi khi anh ấy bước lên sân khấu mà phía sau là anh em ban nhạc Bức Tường thì anh ấy như lên đồng. Đó là lí do mà sau khi anh em nói chuyện với nhau thì quyết định tái hợp trở lại. Thời điểm đó anh Tuấn Hùng có nói rằng: “Thôi, có lẽ, chúng ta không bao giờ chia tay nhau nữa”, Guitar Nhất Hoàng cho biết thêm. Nhạc sĩ Nghiêm Mạnh Tuấn gọi việc “rã đám” của ban nhạc đã khiến các thành viên có cảm giác mình đã đánh mất đi điều gì đó.

Hà Tùng Long