“Cha đẻ” bài thơ “Màu hoa đỏ” hoang mang trước việc ca khúc bị cấm hát

(Dân trí) - Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu – “cha đẻ” của bài thơ “Màu hoa đỏ” do nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc cho rằng, nghe tin bài hát này bị cấm lưu hành phổ biến ở Tiền Giang mà ông cứ nghĩ đó là sự nhầm lẫn.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chia sẻ, từ tối hôm qua đến giờ ông nhận được khá nhiều điện thoại của giới văn nghệ sĩ, đồng đội và bạn bè về chuyện này. Ông cũng khá hoang mang khi hay biết thông tin ca khúc “Màu hoa đỏ” do nhạc sỹ Thuận Yến phổ thơ bài thơ “Thời hoa đỏ” của ông bị cấm lưu hành và phổ biến ở Tiền Giang.

“Thời hoa đỏ” là tên bài thơ tôi viết về người lính năm 1990. Sau này, khi anh Thuận Yến phổ nhạc bài thơ thì mới đổi thành “Màu hoa đỏ”. Tôi rất thích cái tựa đề này bởi cái tên này nó gợi hơn.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho biết, khi phổ nhạc xong bài Màu hoa đỏ, nhạc sỹ Thuận Yến đã qua phòng làm việc của ông và hát lại cho ông nghe ca khúc này khiến ông rất xúc động. Ảnh: TL.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho biết, khi phổ nhạc xong bài "Màu hoa đỏ", nhạc sỹ Thuận Yến đã qua phòng làm việc của ông và hát lại cho ông nghe ca khúc này khiến ông rất xúc động. Ảnh: TL.

Tôi viết bài thơ này bằng tâm thế của một người lính đã đi qua cuộc chiến với những chiêm nghiệm của riêng mình. Nhưng phải thú thật là tôi rất tâm huyết với ca khúc “Màu hoa đỏ” vì đó là cảm xúc, suy nghĩ và trăn trở của hai người lính đã đi qua cuộc chiến như chúng tôi. Tôi và anh Thuận Yến đã từng trải qua chiến tranh, đã từng nếm trải cả đau thương và mất mát nên thấu hiểu sự hy sinh của đồng đội mình. Từ thực tế đã đi qua nên trong bài thơ tôi mới có sự khái quát: “Việt Nam ơi! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con…”. Khi anh Thuận Yến viết xong ca khúc này có quay lại số 4 Lý Nam Đế hát cho tôi nghe. Tôi nghe mà xúc động lắm.

Tôi nghe tin ông Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang ra văn bản cấm lưu hành và phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” mà cứ nghĩ đó là một sự nhầm lẫn. Vì nhắc đến ca khúc là ai cũng biết ca khúc này viết về người lính nào, ca ngợi cái gì… Không phải bỗng dưng một bài hát cách mạng lại có sức sống mãnh liệt như thế trong 26 năm qua.

Tôi nghĩ, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang nên xem xét lại việc cấm này, bởi làm như thế là đi ngược với ý nguyện của nhân dân, làm phai mờ lịch sử. Bài hát đâu chỉ đơn thuần là nhắc nhở thế hệ sau nhớ về một thời rực lửa của cha ông, nó còn khơi dậy niềm tự hào cách mạng nữa chứ. Cứ cấm đoán cảm tính thế này là không được”, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói.

Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội bức xúc nói: “Tôi không hiểu những người ra văn bản cấm lưu hành phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” này hiểu gì về văn hoá, về âm nhạc không mà lại làm như thế. Cái “lệnh” này nó gây bất bình không chỉ với chúng tôi, những người lính mà cả người dân Việt.

Tôi là người đã cộng tác với anh Thuận Yến từ nhiều năm trước nên biết, anh Thuận Yến rất trăn trở với những đề tài về người lính. Anh ấy phổ nhạc ca khúc này là để nói về sự hy sinh – mất mát của người lính cụ Hồ chứ không phải người lính cộng hoà. Vậy nên ca khúc mới được xếp vào hàng những ca khúc cách mạng.

Tôi nghĩ, ông Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang nên xem lại mình đi. Anh đứng đầu một cơ quan văn hoá của một tỉnh mà không hiểu biết gì thế thì lãnh đạo và quản lý ngành làm sao được.

Theo nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh thì Giám đốc Sở VHTT&DL tình Tiền Giang ra văn bản cấm Màu hoa đỏ là phạm luật. Ảnh: TL.
Theo nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh thì Giám đốc Sở VHTT&DL tình Tiền Giang ra văn bản cấm "Màu hoa đỏ" là phạm luật. Ảnh: TL.

Tôi nói luôn là ông Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang mà làm thế là phạm luật. Nếu bài hát thực sự có vấn đề thì chỉ có Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới đủ thẩm quyền cấp phép hoặc không cấp phép cho lưu hành chứ tất cả các Sở VHTT&DL không đủ quyền”.

Khi phổ nhạc xong ca khúc này anh Thuận Yến cũng có mang qua hát cho tôi nghe và tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi và anh Thuận Yến đã từng trải qua chiến tranh các thứ, có đến phòng Lý Nam Đế hát cho tôi nghe, tâm đắc với bài này.

Sáng tác ở tâm thế người lính trải qua chiến tranh, nhìn lại sự mất mát, sự hy sinh của đồng đội mình trong chiến tranh. Từ thực tế đã đi qua nên mới có sự khái quát: “Việt Nam ơi! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con…”.

Hà Tùng Long