“Bông hồng thuỷ tinh”, nhạc sĩ Trần Lập viết dành tặng cho người con gái nào?

(Dân trí) - Trong bộ phim “Chuyện ngày hôm qua” của đạo diễn Đặng Linh - Hồng Thăng có chi tiết người thân và hàng xóm kể về chuyện tình có thật gắn với bài hát “Bông hồng thuỷ tinh” do anh sáng tác.

Chị gái của cố nhạc sĩ Trần Lập kể rằng, hồi bé nam nhạc sĩ rất nhút nhát. Những khi các thành viên trong gia đình đi làm, anh thường bị “nhốt” trong nhà một mình. Bị nhốt trong căn nhà cũ kỹ, âm u, ít ánh sáng nên Trần Lập thường rất hay sợ. Mỗi khi như thế anh lại tìm cách mở cánh cửa gỗ trước nhà ra (phía ngoài cửa gỗ là cửa sắt) để hò hét. Lúc đầu hò hét cho đỡ sợ sau chuyển qua hát hết bài này qua bài khác. Anh lấy ống bơ cũ làm Mic và hát thật to để xua đi nỗi sợ của mình. Bởi lẽ đó mà hồi nhỏ Trần Lập hay bị các chị gái trêu là “giọng ống bơ rỉ”.

Nhạc sỹ Trần Lập thời niên thiếu. Ảnh: VH.
Nhạc sỹ Trần Lập thời niên thiếu. Ảnh: VH.

“Có lần, Lập khoe với mọi người trong gia đình là sắp tới sẽ tham gia các phong trào văn nghệ thì liền bị mọi người nói: “Cậu “giọng ống bơ rỉ “thì hát cái gì. Họ hàng ra ăn cơm, hỏi “Lập làm nghề gì?”, em nó trả lời “Em làm văn nghệ” liền bị nói làm văn nghệ là xướng ca vô loài, chẳng ai thích đâu. Mọi người cứ nói vào nói ra để cậu từ bỏ cái niềm đam mê này nhưng Lập vẫn cứ âm thầm thôi. Vì thế, dù là chị em ruột nhưng nhiều khi tôi cứ ân hận là đã từng không hiểu được nỗi đam mê cháy bỏng trong lòng em mình.

Buổi đầu tiên, Lập được biểu diễn trên sân khấu lớn ở Giảng Võ ấy, Lập có khoe với tôi. Lập bảo: “Chị Liên ơi, mai em được diễn ở Giảng Võ. Nó nói nhưng tôi không tin nhưng hôm sau vẫn đến xem em mình diễn. Nhìn thấy em mình bước lên sân khấu khác hẳn ở nhà, tôi chắc chắn em mình sẽ đi theo con đường này rồi. Từ đó về sau, không có đêm diễn nào Lập diễn mà tôi không có mặt để ủng hộ em”, chị gái cố nhạc sỹ Trần Lập xúc động nhớ lại.

Ông Hà, một người hàng xóm ở khu tập thể Nam Đồng với Trần Lập thời còn bé kể, hồi đó Trần Lập là một người rất chăm chỉ. Buổi trưa đi học, buổi chiều về xách nước, buổi tối đi hát ở các quán cà phê. Quãng thời gian năm 1994 – 1995, tối nào Trần Lập cũng đi hát đến 11h30 mới về. Thời đó, vì khó khăn nên anh thường đi hát bằng chiếc xe đạp cũ.

“Có lần, tôi thấy 11h khuya nó mới lóc cóc đạp xe về, tôi hỏi: “Mày đi hát như vậy mỗi tối được bao nhiêu tiền?”, Lập bảo: “Em được người ta trả cho 50.000 anh ạ. 50.000 một tối nhưng vẫn phải đi, vẫn phải sống, vẫn phải làm. Thấy thương nên có những hôm tôi rủ nó đi làm điện để kiếm thêm”, ông Hà chia sẻ.

Trần Lâoj từng có một chuyện tình rất đẹp với cô bé hàng xóm. Ảnh: VH.
Trần Lâoj từng có một chuyện tình rất đẹp với cô bé hàng xóm. Ảnh: VH.

Theo ông Hà, thời thanh niên, Trần Lập yêu say đắm một cô gái và chuyện tình yêu này tan vỡ đã khiến anh cảm thán viết nên ca khúc “Bông hồng thuỷ tinh”.

“Bông hồng thuỷ tinh là nói về một tình yêu thật của Lập với một cô bé hàng xóm. Thời đó, Lập rất nghèo nên một ngày lễ nọ nó mua một bông hồng thuỷ tinh đến tặng người yêu. Trong suy nghĩ của Lập, bông hồng thuỷ tinh rất trong sáng, không bao giờ phai màu nhưng không ngờ lại rất dễ vỡ. Khi hai đứa giận nhau, Lập vừa đi ra ngoài, cô gái kia liền ném bông hồng thuỷ tinh theo. Bông hồng rơi xuống đất vỡ toang. Lập thấy thế quay lại nhặt từng mảnh thuỷ tinh về ghép lại, sau đó viết bài “Bông hồng thuỷ tinh”. Ca từ của Bông hồng thuỷ tinh rất giống với mối tình có thật của Lập”, ông Hà kể lại.

Chị Mai Hoa, vợ của Trần Lập tâm sự rằng, chị biết rõ chuyện tình này của chồng khi cả hai mới quen biết: "Một người bạn của anh có kể rằng anh yêu cô hàng xóm cạnh nhà. Và khi nghe bài “Bông hồng thuỷ tinh”, tôi đã cảm nhận được anh ấy viết về người cũ. Hồi đó, tôi hay trêu anh rằng: “Em biết bông hồng thủy tinh của anh rồi nhé!”. Anh Lập giật mình hỏi tại sao tôi biết. Tôi không hề ghen tuông với mối tình đầu của anh bởi khi yêu anh, tôi chỉ quan tâm anh đối xử với mình thế nào và tôi chấp nhận con người hiện tại của anh, quá khứ chỉ là kỷ niệm". Chị còn kể, có một lần tình cờ đi chơi ở Lạng Sơn, chị đã gặp người cũ của chồng.

Nhà báo Lại Văn Sâm kể, thời ban nhạc Bức Tưởng nổi danh, những ca khúc của họ rất được yêu thích trong giới sinh viên. Bài nổi nhất thời đó là “We are The Wall” (Chúng tôi là ban nhạc Bức Tường). Bài hát này, Bức Tường hát ở đâu cũng được hưởng ứng nồng nhiệt. Sau đó, nhà báo Lại Văn Sâm có mời họ tham gia cùng anh trong chương trình “SV 96".

MC Lại Văn Sâm nói về Trần Lập. Ảnh: VH.
MC Lại Văn Sâm nói về Trần Lập. Ảnh: VH.

“Khi thấy ban nhạc Bức Tường ăn mặc rất là bụi bặm thì bên sản xuất yêu cầu phải ăn mặc cho nghiêm chỉnh, lên truyền hình không thể ăn mặc như thế được. Nhưng lúc đó các bạn ấy không chịu. Các bạn ấy muốn là các bạn ấy chứ không phải là người khác. Một số có hỏi ý kiến tôi và tôi thấy rất là phù hợp. Vì một ban nhạc rock với cách ăn mặc như thế còn quá hiền nữa là khác nếu so với các ban nhạc rock trên thế giới. Các cụ mình có câu “Nhìn mặt mà bắt hình dong” nhưng trông các bạn ấy ăn mặc như thế chưa chắc đã có thể khẳng định họ ngổ ngáo hay gì đó. Với tôi họ là những con người rất khiêm tốn, ham học hỏi và có tính vươn lên”, nhà báo Lại Văn Sâm nhìn nhận.

Nhìn nhận về “thủ lĩnh” Trần Lập, nhà báo Lại Văn Sâm cho rằng, cố nhạc sỹ Trần Lập là một người có cá tính khá mạnh.

"Tôi còn nhớ, khi chương trình Giọng hát Việt mùa đầu tiên lên sóng VTV3, tôi chịu trách nhiệm chỉ đạo và giám sát. Trong buổi đầu tiên ghi hình, ông Nguyễn Quang Minh - TGĐ Cát Tiên Sa gọi cho tôi bảo: “Anh Sâm ơi, bây giờ sắp bước vào ghi hình số đầu tiên nhưng có một vấn đề nhờ anh giải quyết. Trần Lập không chịu mặc áo dài tay mà hình xăm trổ của nó ở cánh tay kinh quá. Bây giờ làm sao cho nó bớt đi chứ không thì nguy hiểm vì chương trình lên sóng số đầu tiên”. Tôi mới bảo: “Anh đưa tôi nói chuyện với Trần Lập”. Tôi nói với Lập rằng: “Anh có ý kiến thế này. Cá nhân anh rất thích những hình xăm của em và em rất hợp với những hình xăm nhưng mà hôm nay lại là ngày đầu tiên ghi hình nên theo anh là em hãy để cho khán giả để ý tới Trần Lập chứ đừng để ý tới hình xăm.

Sau này, khi khán giả quen với Trần Lập rồi thì em mặc như thế nào thoải mái. Tôi nói thế và bạn ấy nghe. Tôi nghĩ, Lập không phải là con người cứng đầu, cứng cổ không biết nghe là gì cả”, nhà báo Lại Văn Sâm nhớ lại.

Bông hồng thủy tinh

Hà Tùng Long