Ngành mỏ: Cơ hội làm việc ở nước ngoài với thu nhập "khủng"

Theo kết quả điều tra mới nhất của CareerBuilder - Mạng việc làm và tuyển dụng lớn nhất thế giới, về 20 công việc có mức lương tốt nhất thế kỷ 21 thì Kỹ sư hóa dầu nắm giữ vị trí thứ 11 với mức thu nhập trung bình thuộc “hàng khủng” là 114.080USD/năm.

Những kỹ sư “ngàn đô” này thực sự là niềm mơ ước, ngưỡng mộ của nhiều người lao động khác, là động lực mục tiêu nghề nghiệp của nhiều học sinh, sinh viên đang trong quá trình chọn nghề.

Mức lương hậu hĩnh là điều kiện tiên quyết của các kỹ sư mỏ

Ông John Hadjigeorgiou, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ sư mỏ địa chất Lassonde của trường Đại học Toronto-Canada chia sẻ: “Với thông điệp nhiều cơ hội việc làm và được trả lương cao đã thu hút rất đông học sinh, sinh viên tham gia. Sinh viên tốt nghiệp ngành này như mặt hàng nóng vậy. Thậm chí, lương còn được trả cao hơn nữa nếu làm việc tại nước ngoài.

Ví dụ như, một kỹ sư sang làm việc ở Úc có thể đạt mức lương hơn $200.000/ năm. Nhu cầu việc làm cao đến mức Úc phải nới lỏng điều kiện visa ngắn hạn cho đối tượng này. Và Canada cũng đang xem xét lại để cải cách hơn nữa nhằm thu hút thêm nhân lực cho ngành khai thác mỏ ở đây.”

Cựu sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất, TS. Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết, tiềm năng và trữ lượng khai thác của các mỏ dầu ở Việt Nam là vô cùng lớn, có thể kéo dài tới 100 năm nữa, trong khi nhiều nơi ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu thăm dò. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các sinh viên dầu khí trẻ. Trên thực tế, nguồn nhân lực cung ứng đang khá dồi dào, nhưng cũng có thể thiếu, bởi ngành dầu khí luôn cần những người giỏi - trung thực - cầu thị - quyết tâm và luôn vững niềm tin.

Chủ tịch SPE Việt Nam, ông Tony Roche trao học bổng cho các sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất
Chủ tịch SPE Việt Nam, ông Tony Roche trao học bổng cho các sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất

Ông Tony Roche, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư dầu khí quốc tế tại Việt Nam (SPE) cho biết: SPE luôn dành những suất học bổng trao cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập xuất sắc của trường ĐH Mỏ - Địa chất, “Thông qua học bổng SPE, các bạn sinh viên sẽ tiếp tục cố gắng học tập tiếp cận công nghệ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí có hiệu quả nhất. Chúng tôi mong muốn trong tương lai, những sinh viên giỏi từng nhận học bổng của SPE sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc trong ngành dầu khí”.

Bạn biết gì về ngành Mỏ?

Ngành Mỏ là một tổ hợp đa ngành kỹ thuật - công nghệ liên quan tới các công tác tìm kiếm thăm dò khoáng sản, xây dựng mỏ, khai thác mỏ, làm giàu, chế biến khoáng sản phục vụ cho nền kinh tế quốc dân như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải v.v… Khoáng sản có thể được khai thác dưới lòng đất và đại dương.

Hiện nay, ngành mỏ đang tiến hành khai thác các loại khoáng sản dạng rắn (than, quặng, vật liệu xây dựng), dạng khí (khí đốt) và dạng lỏng (dầu mỏ, nước khoáng, nước nóng, nước ngầm). Tại một số nước, người ta đã bắt đầu khai thác nhiệt năng trong lòng đất.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Làm việc trong các lĩnh vực ngành mỏ, bạn sẽ được tiếp cận với những công nghệ tìm kiếm, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản tiên tiến. Thông qua quá trình khai thác tài nguyên, tự bạn có thể khám phá thêm những bí ẩn và thú vị về khoa học trái đất.

Kỹ sư tốt nghiệp ngành mỏ có thể đảm nhiệm các công việc nghiên cứu, thiết kế, điều hành, tổ chức thi công các loại công trình, công tác sản xuất mỏ… Sau khi tốt nghiệp ngành mỏ, bạn có thể làm việc ở các viện, trung tâm nghiên cứu về mỏ, các công ty tư vấn - khảo sát - thiết kế mỏ, các xí nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản. Bạn cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực có liên quan như: xây dựng, giao thông, thủy lợi, thủy điện… Ngoài ra, các kỹ sư mỏ còn có cơ hội làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về khai thác, quản lý tài nguyên khoáng sản và các lĩnh vực liên quan.

Mức lương hậu hĩnh là một trong những điều kiện tiên quyết giữ chân kỹ sư mỏ với nghề. Song đó chưa phải là tất cả. Công việc thực địa, tìm hiểu địa hình cho phép các kỹ sư mỏ được đi nhiều nơi, được trải nghiệm và tiếp xúc với các nền văn hóa, có cơ hội học tập, nâng cao trình độ ở các quốc gia ngành công nghiệp dầu khí phát triển như Úc, Mỹ.


Trong ngành khai thác mỏ, dầu khí, các công nhân lành nghề được trả mức lương thấp nhất là $77.751 và cao nhất là $240.000

Trong ngành khai thác mỏ, dầu khí, các công nhân lành nghề được trả mức lương thấp nhất là $77.751 và cao nhất là $240.000

Vì thế, ngành này sẽ không phụ “kỳ vọng” của những ai chí lớn, muốn tìm tòi, học hỏi công nghệ tiên tiến và ứng dụng ở Việt Nam. Nhiều người đam mê công nghệ đã có cơ hội thỏa sức nghiên cứu, tìm tòi nhờ chế độ ưu đãi, giáo dục đào tạo chuyên sâu.

Trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn chăm lo tốt “đầu ra” cho sinh viên hiện tại

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất, PGS. TS Bùi Xuân Nam cho biết: “Công tác hướng nghiệp và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn được Ban Giám hiệu Nhà trường đặc biệt quan tâm, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Nhà trường.

Chương trình “Tham quan trường Đại học tương lai của em” dành cho các em học sinh các trường THPT; các khóa tập huấn đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên; các hội thảo tuyển dụng, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên… thường xuyên được tổ chức với sự hỗ trợ đắc lực của các tổ chức, doanh nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo của Nhà trường, đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu thực tế của xã hội. “Ngày hội hướng nghiệp và việc làm sinh viên” được Nhà trường tổ chức hàng năm có hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn chính là một trong những minh chứng cụ thể nhất cho định hướng này”.

Để đảm bảo được mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, Nhà trường luôn đảm bảo duy trì các hoạt động hỗ trợ, định hướng cho sinh viên. Tiêu biểu là các hoạt động tiên phong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT, các thí sinh vừa tốt nghiệp THPT có nhu cầu lựa chọn ngành nghề học tập tại Trường cũng đều được hỗ trợ nhiệt tình.

Trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn nhấn mạnh quan điểm “lấy người học làm trung tâm”, các yếu tố từ cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, phương pháp học tập, cố vấn học tập đều được Nhà trường quản lý chặt chẽ, tạo dựng một cơ chế hoạt động hiệu quả. Các hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học, các kỳ thi Olympic được tổ chức định kỳ hằng năm một cách thiết thực và hiệu quả.

Ngày 29/7 vừa qua, Webometrics đã công bố kết quả xếp hạng thường niên đợt 2 năm 2016. Theo đó Việt Nam có 8 trường đại học lọt top 100 Trường Đại học Đông Nam Á, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã vinh dự xếp ở vị trí thứ 5 của Việt Nam và thứ 83 của khu vực Đông Nam Á. Kết quả trên thể hiện mức độ đóng góp và ảnh hưởng của Nhà trường đối với xã hội. Các thông tin của nhà trường, đặc biệt là các công bố khoa học đã được người dùng quan tâm và đón nhận.

Webometrics là một bảng xếp hạng học thuật các trường Đại học lớn nhất thế giới được thực hiện bởi Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha từ năm 2004. Webometrics xếp hạng các trường đại học dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó chú trọng các tiêu chí nghiêng về học thuật như tính chỉ số trích dẫn trên hệ thống dữ liệu Scopus hay mới đây là dữ liệu từ Google Scholar.