Kỳ 3: “Vũ khí” loại trừ bệnh tăng huyết áp

Các chuyên gia y tế ví tăng huyết áp (THA) như một kẻ “giết người thầm lặng” bởi nó không chỉ phổ biến mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây các biến chứng tim mạch nhưng lại ít có dấu hiệu cảnh báo trước.

Điều may mắn là chúng ta hoàn toàn có thể “loại trừ” được nó.

Kinh hoàng những con số

Theo định nghĩa được thừa nhận rộng rãi về tăng huyết áp (là khi người từ 18 tuổi trở lên có ít nhất một trong hai số huyết áp sau: (1) huyết áp tối đa >/= (lớn hơn hoặc bằng) 140 mm Hg và (2) huyết áp tối thiểu >/= 90 mm Hg sau nhiều lần đo), tỉ lệ tăng huyết áp ở người lớn trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, hiện có khoảng hơn 1 tỉ người trên thế giới bị THA. Còn tại Việt Nam, số liệu thống kê mới nhất (năm 2007) cho thấy tỉ lệ này chiếm 27,4% số người trưởng thành.

Trên thực tế THA đã xuất hiện ở cả trẻ em và đang có xu hướng trẻ hóa dần. Người từ 25 tuổi trở lên, nguy cơ THA là 25%; 50 - 60 tuổi, nguy cơ THA là 50 - 60%

Và ở nhóm người này, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần so với những người không bị THA. Đây là những biến chứng đáng sợ nhất của THA.

Và hậu quả là tỉ lệ tử vong do bệnh này 1/50, cao khủng khiếp so với với tỉ lệ tử vong do đi máy bay (1/1.000.000) hay lái xe ô tô (1/5.000), hút thuốc lá (1/250)… theo số liệu thống kê tại Đức cuối những năm 80 của thế kỷ 20.

Vậy nhưng người mắc bệnh không khác người bình thường, chẳng biết mình bị bệnh từ bao giờ do không có dấu hiệu cảnh báo trước (những biểu hiện như đau đầu có thể là sự kết thúc của người bệnh THA do đã bị tai biến mạch não rồi) và không có căn nguyên cụ thể.

Vậy nên khống chế THA là tối quan trọng.

Xử trí rất đơn giản

Biến chứng do THA đáng sợ là vậy nhưng lại hoàn toàn có ngăn chặn và như GS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, nói: “Vấn đề phụ thuộc vào bạn rất nhiều”.

Trước hết, ngoài 20 tuổi trở ra, mỗi người đều phải có ý thức kiểm tra huyết áp định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Lưu ý là không sử dụng các thiết bị đo huyết áp tay (vì số liệu thường không chính xác). Còn đối với người thuộc nhóm nguy cơ cao (lười vận động, chế độ ăn không hợp lý với quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá, gia đình có tiền sử THA…) thì cần kiểm tra huyết áp thường xuyên trong năm và kiểm tra các nguy cơ khác như rối loạn đường máu, lipid máu… Lưu ý, trước khi kiểm tra huyết áp cần tránh uống các chất kích thích.
 
Kỳ 3: “Vũ khí” loại trừ bệnh tăng huyết áp - 1
Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, không ăn mặn, tập thể dục đều đặn, hạn chế rượu bia, tránh căng thẳng… nhằm giảm nguy cơ tăng huyết áp

Và dù huyết áp có tăng hay không thì cũng cần giảm nếu thừa cân (cứ giảm mỗi 1kg cân nặng thừa thì giảm trung bình 1,5mmHg)), tránh xa khói thuốc (bỏ thuốc nếu hút), ăn uống hợp lý (không ăn nhiều chất béo bão hòa sẽ giúp giảm được 11mm Hg), không ăn mặn (cứ giảm 1.800mg muối/ngày sẽ giảm trung bình là 5,5mmHg huyết áp), tập thể dục đều đặn (tập ít nhất là 60 phút mỗi ngày và tập cả tuần sẽ giảm được trung bình 5,5mm Hg), uống rượu bia có chừng mực (nếu đã có thói quen), tránh căng thẳng, tự tạo cho mình cuộc sống hài hòa…

Nếu mắc THA thì cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, thường xuyên tái khám để huyết áp về mức dưới 140/90mm Hg - tức là mức an toàn, khi mà mối nguy biến chứng đã giảm nhiều.

Riêng với người bị đái tháo đường, bệnh thận, việc điều trị càng phải thận trọng, đòi hòi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ chuyên mục “Giáo dục sức khỏe cộng đồng về bệnh tim mạch” trên website của Hội tim mạch Việt Nam http://vnha.org.vn/100faq.asp do AstraZeneca tài trợ.

Phương Uyên