BV Ung bướu Đà Nẵng công bố quy trình xét nghiệm đột biến gen EGFR trong ung thư phổi

(Dân trí) - Ngày 22/3, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã công bố xây dựng quy trình xét nghiệm sinh học phân tử tìm đột biến thụ thể yếu tố tăng trường biểu bì (EGFR) trong ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Theo đó, đột biến EGFR là một chỉ dấu sinh học thể hiện sự đáp ứng điều trị hiệu quả với phác đồ điều trị đích bằng thuốc ức chế men tyrosine kinase (TKI) đường uống nhờ vào cơ chế ngăn chặn sự tăng sinh của tế bào ung thư. Vì vậy việc tiến hành làm xét nghiệm tìm đột biến sẽ giúp bác sĩ có thể xác định bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR và quyết định phác đồ điều trị thích hợp cho bệnh nhân được nhanh hơn và chính xác hơn.

Với quy trình xét nghiệm đột biến gen EGFR sẽ có kết quả trong 24 giờ
Với quy trình xét nghiệm đột biến gen EGFR sẽ có kết quả trong 24 giờ

Phác đồ điều trị thuốc TKI mang lại nhiều lợi ích điều trị hơn so với hóa trị khi được áp dụng điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa hoặc di căn có đột biến EGFR, thuốc dùng đường uống, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt, kéo dài thời gian sống không bệnh tiến triển với tỉ lệ bệnh nhân sống thêm 1 năm lên đến trên 50-%-60% và 2 năm lên đến 25%-50% so với các phác đồ hóa trị. Chính các lợi ích này đã giúp giải quyết một phần gánh nặng về tổng chi phí điều trị ung thư phổi.

Theo Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, trong năm đầu mới triển khai, bệnh nhân điều trị tại bệnh viện sẽ được xét nghiệm miễn phí EGFR bằng hệ thống xét nghiệm tự động 100% và nhận kết quả trong vòng 24 giờ.

Theo thống kê, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới, đặc biệt là ung thư phổi với tỉ lệ mắc mới là 25,2 trường hợp/100.000 dân. Tỉ lệ tử vong của ung thư phổi cao nhất trong tổng tử vong do bệnh ung thư, cứ 5 bệnh nhân tử vong vì ung thư thì sẽ có 1 bệnh nhân bị ung thư phổi. Ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổi thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 80% tổng số ung thư phổi. Trong đó có hơn 60% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thụ thể tăng trưởng biểu bì EGFR.

Khánh Hồng