Truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Phát huy vai trò cô đỡ thôn bản hướng tới bình đẳng giới trong y tế

Hà An

(Dân trí) - Một trong các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Vì thế, vai trò của cô đỡ thôn bản càng trở nên rất quan trọng.

So với phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa, phụ nữ dân tộc thiểu số còn gặp một số vấn đề về bất bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, theo số liệu điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất. Tỷ lệ này rất cao ở dân tộc La Hủ gần 55%, La Ha hơn 36%, Mảng 34%. 

Ngoài ra, vẫn còn khoảng 14% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ đẻ. Một số dân tộc như Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là gần 51%, 39%, 37% và 36,5%. 

Phát huy vai trò cô đỡ thôn bản hướng tới bình đẳng giới trong y tế - 1

Mô hình cô đỡ thôn bản góp phần cải thiện vấn đề chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: T.L).

Bên cạnh đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn hơn 16% trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia. Số nhân viên nữ hộ sinh chỉ chiếm 15%, 16,5% thôn chưa có nhân viên y tế thôn bản.

Bộ Y tế cho biết, đến nay có 1.549 cô đỡ thôn, bản được đào tạo đang hoạt động trong tổng số 5.111 thôn bản đặc biệt khó khăn (chiếm 30,31%).

Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời. 

Đội ngũ cô đỡ thôn, bản chính là cánh tay nối dài không thể thiếu của trạm y tế xã ở các vùng khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), sức khỏe và sự sống còn của bà mẹ luôn cần là ưu tiên hàng đầu, cấp bách trong Chương trình Chăm sóc sức khỏe và phát triển của Việt Nam.

Một trong các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được quy định trong pháp luật Việt Nam là chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

Vì thế, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm và có chính sách phù hợp đối với mô hình cô đỡ thôn bản để góp phần đạt được mục tiêu lĩnh vực y tế trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.

Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 có một mục tiêu gồm 4 chỉ tiêu về lĩnh vực y tế. Trong đó, chỉ tiêu số 2 là về tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030. 

Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong ngành y tế giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu tiếp tục tăng cường bình đẳng giữa nam và nữ trong cung cấp và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần cải thiện chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Trong đó, nhóm các mục tiêu quốc gia nhằm bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe gồm có 5 mục tiêu. Trong đó mục tiêu số 1 là bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.