Nâng cao kiến thức bình đẳng giới, quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Tiến Thành

(Dân trí) - Hội Phụ nữ Quảng Bình đã tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ thôn/bản; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Để triển khai hiệu quả hoạt động thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ thôn/bản và truyền thông nâng cao năng lực cho thành viên tổ truyền thông cộng đồng.

Nâng cao kiến thức bình đẳng giới, quyền năng kinh tế cho phụ nữ - 1

Phụ nữ tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tham gia buổi truyền thông nhận diện những vấn đề giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh: Phương Nguyễn).

Tham gia lớp tập huấn gồm có 65 học viên là bí thư, trưởng thôn/bản, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác mặt trận, người uy tín. Qua đó đưa đến những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trang bị các kỹ năng tiếp xúc, tham vấn người bị bạo lực gia đình.

Song song với tập huấn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình cũng đã triển khai 2 cuộc truyền thông nhận diện những vấn đề giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho 200 người là ban chấp hành hội phụ nữ, các thành viên tổ truyền thông cộng đồng.

Bên cạnh nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình còn triển khai lớp tập huấn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nâng cao kiến thức bình đẳng giới, quyền năng kinh tế cho phụ nữ - 2

Tập huấn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (Ảnh: Phương Nguyễn).

Chương trình có sự tham gia của 44 học viên là thành viên các nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ của 4 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh và Lệ Thủy. 

Qua lớp tập huấn này, phụ nữ được tiếp thu những kiến thức về hợp tác xã kiểu mới; xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm hoàn thiện... Đồng thời, thảo luận, chia sẻ và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong phát triển mô hình kinh tế tại địa phương.

Thông qua lớp tập huấn đã giúp các học viên nắm bắt được chuyển đổi số, gắn với phát triển xã hội, kinh tế số; mở ra cơ hội kinh doanh, quảng bá, bán các sản phẩm từ các cơ sở kinh doanh do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi.