Chủ tịch Hội phụ nữ xã người dân tộc Sán Dìu tâm sự về bình đẳng giới

Xuân Hải Nguyễn Hải

(Dân trí) - Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh Lý Thị Ba Mùi cho biết do địa phương làm tốt công tác bình đẳng giới nên chị và nhiều phụ nữ khác trong xã đã phát huy được những thế mạnh của mình.

Chủ tịch hội phụ nữ xã chia sẻ bí quyết "giữ lửa"

Những ngày trung tuần tháng 11, có dịp đến thăm xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên), điều mà chúng tôi cảm nhận được đó là sự sầm uất ở một xã vùng núi của tỉnh Vĩnh Phúc. 

Đi một vòng trên tuyến đường bao quanh hồ Đại Lải, hai bên đường có khá nhiều những ngôi biệt thự mái đỏ, xanh thẫm rất hiện đại, thậm chí không ít tòa nhà xây dựng theo kiểu lâu đài ở ven hồ rất đẹp.

Gắn bó với chức Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Thanh gần 6 năm nay nên chị Lý Thị Ba Mùi (32 tuổi) hiểu rõ sự "thay da đổi thịt" của mảnh đất nơi đây.

Chị tâm sự, Ngọc Thanh có gần 40% người dân tộc Sán Dìu sinh sống, một số thôn như Lập Đinh tỉ lệ người dân tộc Sán Dìu chiếm tới gần 80%.

"Hiện nay tôi thấy công tác bình đẳng giới trên địa bàn xã luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm do vậy phụ nữ trên địa bàn Ngọc Thanh đã phát huy được những thế mạnh của mình trong mọi công việc ở cơ quan cũng như trong gia đình", chị Mùi tâm sự.

Lập gia đình hơn 10 năm nay, chị Mùi được mọi người biết đến ngoài cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh còn là một trong những gia đình tiêu biểu phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con giỏi, dạy con ngoan của địa phương. 

Chị bộc bạch, để có thể làm tốt công tác xã hội cũng như chăm sóc gia đình, chị  nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chồng và gia đình đôi bên nội, ngoại.

Chị Mùi tâm sự, là người trong cuộc chị càng hiểu rõ sự quan trọng trong việc giữ gìn, xây dựng gia đình hạnh phúc và làm thế nào để "đảm việc nước, giỏi việc nhà"

"Để tôi có thể hoàn thành tốt công việc xã hội thì chồng tôi là hậu phương vững chắc, thấu hiểu và luôn chia sẻ công việc cùng vợ. Những ngày bận, có công việc đột xuất thì chồng tôi luôn chủ động chăm lo việc gia đình giúp tôi như đưa, đón con, nấu cơm. Đó là nhờ vào bình đẳng giới đấy", chị Mùi cười nói.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã người dân tộc Sán Dìu tâm sự về bình đẳng giới - 1

Chị Lý Thị Ba Mùi giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh đến nay được gần 6 năm (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo chị, bí kíp để chị "giữ lửa" gia đình đó không chỉ là người vợ mà còn trở thành người bạn tri kỉ của chồng, vợ chồng tôn trọng nhau.

Đặc biệt, mỗi khi có công việc đột xuất hay công tác xã hội chị đều thông báo, chia sẻ để chồng, gia đình nắm được.

Chị luôn tâm niệm dù có chuyện gì thì hai vợ chồng đều có thể chia sẻ để cùng nhau giải tỏa, giải quyết.

Đối với nhiều người câu nói "đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ" là đúng nhưng với chị Ba Mùi thì hoàn toàn ngược lại. 

Để có được những thành công trong công tác xã hội, nhiều năm giữ chức Chủ tịch hội LHPN xã và hoàn thành tốt công việc được giao là chị Mùi nhờ vào sự hậu thuẫn, lo toan công việc gia đình cũng như động viên lớn từ người chồng. 

"Chồng tôi quá tuyệt vời, con cái thì anh ấy đưa đón, cơm nước đều chủ động nấu khi tôi có việc đột xuất. 

Ngoài ra, trong công tác xã hội tôi cũng được hai gia đình bên nội, ngoại ủng hộ", chị tỏ vẻ phấn khởi chia sẻ. 

Vợ chồng chị cũng luôn ý thức được rằng, nền tảng để xây dựng được một gia đình hạnh phúc bền vững, trước tiên phải có kinh tế ổn định. Vì vậy hai vợ chồng chị đã bảo ban nhau, chăm chỉ làm ăn.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã trẻ nhất tỉnh Vĩnh Phúc

Trong gần 6 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh, chị Mùi đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, có nhiều sáng kiến, cách làm hay đưa phong trào phụ nữ của địa phương đi lên.

Qua đó, góp phần cùng chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hội LHPN xã Ngọc Thanh đang phát triển mô hình trồng bưởi, với giống bưởi từ huyện Tân Lạc (Hòa Bình) và ở Hà Nội. 

Chủ tịch Hội phụ nữ xã người dân tộc Sán Dìu tâm sự về bình đẳng giới - 2

Chị Lý Thị Ba Mùi thăm câu lạc bộ hát Soọng Cô của người đồng bào Sán Dìu (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong đó, phải kể đến vườn bưởi của gia đình chị Đỗ Thị Oanh với hơn 700 gốc, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Để giúp các hội viên ổn định kinh tế, Hội LHPN xã Ngọc Thanh đã hỗ trợ về con giống, kỹ thuật chăm sóc và vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội,...

Chị đánh giá, mặc dù là xã có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống nhưng số hộ nghèo và cận nghèo là người Sán Dìu có tỷ lệ rất thấp.

"Hầu hết các chị em người Sán Dìu làm kinh tế tốt, gia đình khá giả", chị Mùi nhận xét.

Nhớ lại những ngày đầu mới về công tác Hội phụ nữ xã Ngọc Thanh, chị kể sau khi học xong chuyên ngành kế toán, chị về làm cho một công ty của người thân. 

Đến khi lấy chồng, sinh con cảm thấy công việc nhàn hạ, có nhiều thời gian rảnh rỗi nên chị tham gia công tác xã hội ở địa phương, giữ chức Chi hội trưởng phụ nữ thôn Ngọc Quang nay là thôn Đại Quang (xã Ngọc Thanh). 

Từ năm 2016-2017, chị giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh. Đến tháng 12/2017, chị giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh cho đến nay.

Ngày nhận chức chị mới bước sang tuổi 26 và là nữ Chủ tịch Hội phụ nữ xã trẻ nhất của tỉnh Vĩnh Phúc.

Những ngày đầu mới về nhận chức do chưa quen công việc, chị gặp nhiều khó khăn nhưng được sự động viên của chồng và gia đình nên chị luôn cố gắng để hoàn thành mọi công việc được giao. 

Chủ tịch Hội phụ nữ xã người dân tộc Sán Dìu tâm sự về bình đẳng giới - 3

Xã Ngọc Thanh những năm gần đây phát triển vượt bậc, nhà cao tầng mọc lên san sát (Ảnh: Nguyễn Hải).

Chị Mùi cho biết, ngày mới về làm ở hội phụ nữ xã nhiều người cũng xì xào, thắc mắc bảo tại sao đang làm doanh nghiệp tư nhân lại tham gia công tác xã hội, làm phó chủ tịch hội phụ nữ. 

"Trong quá trình công tác ngoài sự chia sẻ, động viên của chồng, gia đình tôi còn nhận được sự quan tâm, bảo ban của các cô, bác đi trước và sự đồng hành của các cô, chị cán bộ, hội viên trong thực hiện phong trào của hội nên mới có thể hoạt động được đến bây giờ", chị tâm sự.

Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh đánh giá, những năm gần đây, nhiều hộ tại Ngọc Thanh kinh tế ổn định nhờ vào kinh doanh dịch vụ, khi có tiền nhiều người xây dựng nhà cửa khang trang.

"Mặc dù đời sống người dân không còn khó khăn như trước đây nhưng công tác hội phụ nữ vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tập hợp, thu hút hội viên. Hiện xã Ngọc Thanh có hơn 5.000 phụ nữ trên 18 tuổi nhưng mới chỉ có hơn 2.000 người vào hội phụ nữ xã, chiếm khoảng 60%", chị Mùi tâm sự.

Chị mong muốn phụ nữ trên địa bàn khi đủ tuổi sẽ tham gia vào tổ chức hội, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế địa phương để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương một cách bền vững.