Nỗi đau xé lòng khi có con "dị tật"

Thường thì họ phải một mình chống chọi với những cơn đau vật vã của con. Nhà khá giả, con bệnh, vợ chồng còn cùng nhau đối mặt; nhưng hễ nhà nào quá khổ, chỉ thấy mỗi người mẹ hay bà cặm cụi với cháu con.

Nỗi đau nhân đôi

 

Chị Thiên Kim ở Q.Gò Vấp, TPHCM là một ví dụ. Vợ chồng chị đều là phụ hồ. Khi chị mang thai đến tháng thứ năm, phát hiện thai nhi bị não úng thủy. Hay tin, anh Huy Dũng, chồng chị giao toàn quyền cho vợ lựa chọn giải pháp giữ hay bỏ thai nhi. Chị chưa sinh lần nào, nghe nhiều người nói lần đầu mà bỏ sẽ khó khăn cho việc sinh nở sau này, lại thêm tình mẫu tử thiêng liêng thôi thúc, chị quyết định giữ con.

 

Sau khi sinh, chị phải nghỉ làm để ở nhà chăm con vì không nhà trẻ nào nhận. Cuộc sống ngày càng khó khăn. Cuối cùng, chồng chị cho biết phải đi theo công trình xa và... không về nữa. Chị Kim ôm con về nương tựa nhà mẹ ruột và BV trở thành ngôi nhà thứ hai.

 

Cùng chạy ra chạy vào BV Nhi Đồng 1 với chị Thiên Kim còn có một cô bạn hàng xóm cũng đơn thân từ khi con trai bị phát hiện ung thư tuyến thận. Chị Kiều Trang - người mẹ bất hạnh ấy kể: “Sau những ngày tháng yêu nhau nồng nàn, chúng tôi trở thành vợ chồng. Sau bao năm yên ấm thì phát hiện đứa con duy nhất bị ung thư. Anh ấy đau khổ thế nào không biết mà luôn vùi đầu vào rượu, cho đến ngày bỏ mẹ con tôi đi luôn.

 

Mẹ chồng tôi cũng vào viện nuôi cháu. Bà bắt tôi đi tìm anh. Nhưng tôi nghe tin anh ở phòng trọ, tìm đến thì anh đã chuyển sang chỗ khác... Một năm trời lo bệnh của con, cũng là một năm rong ruổi tìm chồng. Giờ mẹ chồng tôi cũng kiệt sức vì hết tiền lo cho cháu nội. Tôi cũng đã bán hết tài sản trong nhà. Con bệnh tật nằm đó, còn chồng vẫn biệt tăm”.

 

Đoạn tuyệt một sinh linh...

 

Rời bệnh viện sau đợt điều trị do buộc phải chấm dứt thai kỳ, chị Hoài Thu đến thẳng trung tâm tư vấn tâm lý.

 

Chị không phải là một bà mẹ “can đảm” cá biệt. Trong 3.925 ca phát hiện bất thường, dị tật từ bào thai được các bác sĩ ở BV Từ Dũ tư vấn năm 2007, có 1.168 ca chấm dứt thai kỳ.

 

Việc quyết định không cho ra đời một đứa con, một mầm sống đã lớn dần trong cơ thể của mình nhiều tuần (theo các chuyên gia y tế thai từ 21- 23 tuần tuổi mới phát hiện rõ những bất thường), thật không đơn giản chút nào với những người mẹ, người cha tương lai.

 

Trong nỗi đau, chị Thu kể: “Tôi lập gia đình năm 21 tuổi. Chồng tôi là con một, thừa kế một công ty thức ăn gia súc lớn tại Bình Dương. Cha mẹ chồng chỉ mong tôi sinh được con trai. Nên khi đứa bé thứ hai chào đời là trai, cả nhà vui lắm. Lúc lên ba, khi đã biết đi, bi bô tập nói... con tôi từ từ không đi được nữa. Chúng tôi mang con chạy chữa khắp nơi, kể cả những BV lớn ở Thái Lan, Trung Quốc. Nhưng ở đâu bác sĩ cũng lắc đầu... nói là bệnh di truyền, không chữa khỏi. Ba năm sau đó tôi mất con.

 

Đầu năm 2008, tôi lại có thai. Nhà chồng tôi vui mừng khôn xiết khi biết tôi siêu âm con trai. Thế nhưng bác sĩ yêu cầu tôi đến BV Từ Dũ để chẩn đoán thai kỳ kỹ hơn. Tại đây, khi biết chồng tôi từng có người chú ruột đã mất vì teo cơ Ducchen, các bác sĩ đề nghị chúng tôi làm các xét nghiệm di truyền. Kết quả, bào thai của tôi mang mầm bệnh của cả bố lẫn mẹ.

 

Tôi hoang mang một, chồng tôi hoang mang mười và má chồng tôi thì gần như mất hết lý trí. Bà cho rằng lỗi tại tôi làm hư nòi giống nhà bà. Thậm chí, bà còn tìm đến nhà vị bác sĩ đáng kính kia la mắng, chửi rủa... Bà bắt tôi ra nước ngoài làm lại xét nghiệm... Và kết quả không gì khác hơn. Tôi quyết định bỏ con, bà như phát điên. Chồng tôi không có ý kiến, nhưng không giấu được buồn đau. Tôi rơi vào tận cùng tuyệt vọng, vừa mất hai con, hạnh phúc còn bị lung lay...”.

 

Không dám có con nữa!

 

Chị Thu Kiều và anh Hoàng Tấn - nhà ở xã Phạm Văn Hai, - huyện Bình Chánh đã và đang rơi vào hoàn cảnh như vậy. Năm 2004, lần lượt hai đứa con thơ dại của anh chị bị phát hiện triệu chứng của bệnh Thelassamie - thiếu máu bẩm sinh và liên tục. Một cháu đã vĩnh viễn ra đi. Cháu còn lại mới lên ba, bụng trướng to như cái trống, tay chân khẳng khiu, lỏng khỏng. Với số tiền ít ỏi, cháu chỉ được vào máu vài lần rồi mất, cha mẹ cháu lo ma chay cho hai con xong, trả nợ cũng hết tiền.

 

Chị Kiều cho biết: “Các bác sĩ ở BV Nhi Đồng khuyên chúng em muốn sinh con nữa thì phải làm thụ tinh gì đó, để lựa chọn phôi thai tốt nhất. Vì gene của tụi em có bệnh...”.

 

Nhưng với cách điều trị đó, phải tốn hơn 20 triệu đồng, một món tiền mà họ làm cả đời chưa chắc dành dụm được. Từ đó, họ khép lại giấc mơ có con. Mất con, Kiều như người mất hồn, chị không thể gần gũi chồng được nữa. Anh Tấn buồn bã nói: “Không có con, cuộc sống thật buồn tẻ. Đi đâu, làm gì, cũng chẳng muốn về nhà sớm như trước. Cái nhà tiện nghi hơn, do không phải dành dụm tiền mua sữa hay đưa con đi BV. Nhưng giá như nghèo đi một chút mà có con cái thủ thỉ cũng đỡ buồn...”.

 

Ai cũng biết đứa con là cầu nối hạnh phúc. Đứa con thật sự như một phép mầu, làm tình yêu chồng vợ thăng hoa, giúp vợ chồng tạo dựng nên một gia đình với đầy đủ những thành phần của nó. Nhưng sẽ là bi kịch nếu đứa con - chiếc cầu nối của tình yêu - bệnh tật, đau yếu... Đặc biệt là với những căn bệnh di truyền hoặc ung thư không thể chữa trị.

 

Thực tế, có không ít phụ nữ lâm vào cảnh ngộ như chị Thiên Kim. Khi sinh ra đứa con bệnh tật, chẳng những người phụ nữ chịu đựng nỗi đau đớn, khổ sở cùng con mà có nguy cơ sẽ đánh mất luôn hạnh phúc riêng mình.

 

Theo chuyên gia tư vấn Lý Thị Mai (Giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng): "Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, cặp vợ chồng nào cũng mong mình sẽ có được những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Nhờ vào tiến bộ của y học, các bậc cha mẹ ngày nay có thể phát hiện sớm những bất thường hoặc dị tật của bào thai để có một quyết định đúng đắn.

 

Đây quả là một chọn lựa rất khó khăn, không chỉ đối với ông bố, bà mẹ mà còn cho cả hai gia đình, hai họ tộc... Nếu chẳng may rơi vào trường hợp này, hai vợ chồng và các thành viên của gia đình cần chuẩn bị tâm lý kỹ càng để có thể bàn bạc và thống nhất một quyết định chung.

 

Chính sự đồng thuận này sẽ giúp cho bà mẹ trẻ bớt đau đớn, hụt hẫng và có thể tránh được hội chứng trầm cảm hoặc ám ảnh tội lỗi sau khi buộc phải chấm dứt thai kỳ. Vì thế, hai vợ chồng, đặc biệt là người vợ, rất cần nhận được sự nâng đỡ, hỗ trợ về tinh thần của người thân, của các chuyên gia tâm lý để họ chấp nhận sự mất mát và sớm lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống". 

 

Theo Phụ Nữ