DMagazine

"Nhà dột từ nóc" và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd

(Dân trí) - Trận đấu giữa Man Utd và Arsenal ngày 12/5 ở Old Trafford chứng kiến một sự cố hy hữu. Cơn mưa lớn ở hiệp 2 khiến phần mái khán đài gần cột cờ góc bị hỏng, hệ quả là nước mưa chảy xuống như thác lũ.

3 giờ sau khi trận đấu kết thúc, các nhân viên dọn vệ sinh vẫn chưa thể dọn dẹp vì ngập nặng. "Thật khó tin đây là sân vận động của đội bóng giàu có nhất hành tinh", một tài khoản bình luận trên mạng xã hội. Sự cố này là biếm họa sống động về thực trạng của Man Utd, như một tài khoản khác bình luận: "Nhà dột từ nóc".

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 1

Sự cố hy hữu tại Old Trafford không hề là tai nạn. Phần mái bị vỡ do sân bóng của Man Utd từ nhiều năm nay không được duy tu, bảo dưỡng đúng mức và bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều người hâm mộ đến sân cổ vũ cũng than phiền hàng ghế trên khán đài quá bẩn và cũ kỹ. Theo báo giới Anh, Old Trafford còn bị gạt ra khỏi hồ sơ đăng cai Euro 2028 do không đảm bảo chất lượng.

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 3

Không chỉ mái che khán đài, đội hình Man Utd cũng "thủng lỗ chỗ". Quỷ đỏ thành Manchester sau khi đánh bại Newcastle, đang đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng Premier League, chỉ có 57 điểm sau 37 vòng đấu, kém top 4 tới tận 11 điểm và không còn hy vọng giành vé dự Champions League mùa tới.

Kết quả tệ hại như vậy không còn lạ lẫm với đội chủ sân Old Trafford. Từ khi Sir Alex Ferguson về hưu, Quỷ đỏ thành Manchester không còn giữ được vị thế ông lớn. Vô địch Premier League hay Champions League chỉ còn trong giấc mơ.

Mùa giải 2023-24 này, những "lỗ thủng" trong đội hình Man Utd càng lộ rõ, đặc biệt nơi hàng phòng ngự. Sau hai trận đấu với Arsenal và Newcastle trên sân nhà, Man Utd đã nhận tổng cộng 84 bàn thua trên mọi đấu trường, nhiều nhất kể từ mùa 1970-71.

So sánh với chính đối thủ Arsenal để thấy rõ sự chênh lệch. "Pháo thủ" thành London mới chỉ nhận 28 bàn thua tại Ngoại hạng Anh, ít hơn phân nửa "Quỷ đỏ" thành Manchester (58 bàn). Trong đó, số bàn thua của thầy trò HLV Ten Hag trong năm 2024 đã nhiều hơn thầy trò Arteta tới 16 bàn. Số liệu này cho thấy hàng thủ Man Utd càng ngày càng tệ.

Không chỉ là bàn thua, hệ thống phòng ngự của Man Utd phải hứng chịu số pha dứt điểm nhiều gấp ba lần so với Arsenal (328 so với 146), nếu chỉ tính số pha dứt điểm trúng đích là 102-32.

Tổng quát hơn, xét về chỉ số phòng ngự, Man Utd thuộc nhóm yếu kém nhất Premier League, với bàn thua dự kiến lên tới 64.48xG (đứng thứ 16), trong khi bàn thua dự kiến của Arsenal chỉ có 27,29 (thấp nhất giải).

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 5

Man Utd nhận nhiều bàn thua do sự yếu kém của toàn đội, từ khâu gây áp lực lên đối phương, kiểm soát thế trận cho đến phòng ngự từ xa. Song, trách nhiệm chính phải thuộc về các trung vệ. Không vị trí nào phản ánh sự hỗn loạn của Man Utd hơn trung tâm hàng phòng ngự.

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 7

Cụ thể, HLV Ten Hag đã sử dụng tới 14 cặp trung vệ khác nhau trong mùa giải này. Tất cả đều là tạm bợ và có thể thủng bất cứ lúc nào như mái che sân Old Trafford. Đơn cử trong trận đại bại 0-4 trước Crystal Palace hay ở trận thua Arsenal, bộ đôi trung vệ của Quỷ đỏ là Jonny Evans và Casemiro.

Cái tên đầu tiên đã 36 tuổi, cả sự nghiệp chưa từng sắm vai chính tại Man Utd. Evans mới chỉ trở lại vào mùa hè năm ngoái theo diện chuyển nhượng tự do, một bản hợp đồng "dự phòng của dự phòng". Thế nhưng mùa này chỉ có Harry Maguire (18 trận) và Raphael Varane (16 trận) đá chính nhiều trận hơn Evans (14 trận) ở vị trí trung vệ.

Cái tên thứ hai càng ngày càng là thảm họa. 3 trong 4 bàn thua trong trận đấu với Crystal Palace và bàn thua ở cuộc tiếp đón Arsenal đều có lỗi của Casemiro. Nếu không bị qua mặt dễ dàng thì máy quét lừng lẫy một thời của Real Madrid di chuyển lóng ngóng đến khó tin.

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 10

Chưa dừng lại, cầu thủ kỳ cựu người Brazil không chỉ sa sút về chuyên môn mà cả tinh thần. Casemiro không còn là chiến binh máu lửa, lọc lõi, lão luyện như đã thể hiện ở mùa trước.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, vị trí sở trường của Casemiro là tiền vệ phòng ngự và đã 32 tuổi. Cảm quan về không gian lẫn thể chất của cầu thủ này không phù hợp để thi đấu ở vị trí trung vệ tại Premier League.

HLV Ten Hag không thể không biết điều đó, nhất là sau trận thua Crystal Palace. Tuy nhiên, nếu không dùng Casemiro có thể nhà cầm quân người Hà Lan phải sử dụng trung vệ khác còn tạm bợ hơn.

Ngoài Casemiro, những trung vệ tạm bợ khác mà HLV Ten Hag đã phải bất đắc dĩ sử dụng trong mùa giải này là Willy Kambwala và Luke Shaw. Lại tiếp tục so sánh, Arsenal mùa này chỉ sử dụng 3 cặp trung vệ khác nhau, với cốt cán là Gabriel (37 trận) và William Saliba (31 trận).

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 12

Tại sao lại lấy Arsenal làm mẫu so sánh để phản ánh sự tệ hại của Man Utd. Câu trả lời là cả hai đội có nhiều điểm tương đồng, với ưu thế vượt trội thuộc về "Quỷ đỏ" chứ không phải "Pháo thủ".

Họ đều là những thế lực cũ bị lớp sóng sau xô lấp. Nhưng bằng nền tảng tài chính bền vững và lực lượng người hâm mộ đông đảo, Man Utd lẫn Arsenal vẫn có sẵn tiềm lực để tái sinh, như Liverpool đã làm được.

Cả hai đội vẫn chưa giành được chức vô địch Premier League lẫn Champions League theo đơn vị thập niên. Song, hình ảnh hiện tại rất trái ngược. Arsenal trẻ trung, căng tràn sinh khí phát triển còn Man Utd ủ dột từ nóc.

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 14

"Pháo thủ" cho dù yếu thế hơn Man City trong cuộc đua vô địch Premier League nhưng ít nhất họ sẽ có mùa giải thứ hai về nhì. Man Utd cũng về nhì ở mùa 2017-18, cách đây 6 mùa, nhưng khoảng cách với nhà vô địch Man City lên tới 19 điểm.

Nói cách khác, về mặt thành tích chưa có nhiều khác biệt, nhưng trình độ và tiềm năng đội hình giữa hai đội có sự chênh lệch lớn, dù mức đầu tư Man Utd vượt trội.

Dẫn chứng từ vị trí trung vệ, bộ đôi Saliba và Gabriel của Arsenal có tổng phí chuyển nhượng chưa đầy 60 triệu bảng, tức kém xa số tiền Man Utd chi ra chiêu mộ Maguire, chỉ nhỉnh hơn mức giá của Casemiro hay Lisandro Martinez tầm chục triệu bảng.

Không chỉ nơi hàng thủ, Man Utd thực hiện hàng tá bom xịt khác ở mọi vị trí, nhiều thương vụ lưu danh sử sách về độ thảm họa. Đến vị trí huấn luyện viên cũng liên tục thay đổi vì Man Utd không tìm được người phù hợp như Arsenal tìm thấy HLV Arteta.

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 15

Dù vậy, có lẽ Man Utd tìm được Arteta đi chăng nữa cũng khó lòng vực dậy đội bóng này một cách mau lẹ, mặc cho tiền không thiếu. Vấn đề nằm từ thượng tầng, như đã đề cập là "dột từ nóc" và ăn sâu vào văn hóa của đội chủ sân Old Trafford trong thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson.

Rất nhiều "người mới" gia nhập Man Utd trong sự hào hứng thậm chí thăng hoa. Người hâm mộ đặt vào họ nhiều hy vọng để rồi rốt cuộc vẫn phải thất vọng. Casemiro vẫn là minh chứng sống động nhất lúc này.

Mùa trước, tiền vệ kỳ cựu này thực hiện thành công 1,44 tình huống đánh chặn mỗi trận. Mùa này, thông số ấy chỉ còn 0,84. Nếu cần thêm thông số, Casemiro mất bóng 0,59 lần/trận mùa trước, tăng lên 0,79 mùa này, đoạt bóng 4,61 lần/trận mùa trước, giảm còn 2,52, thế nên những khoảng trống nơi tuyến giữa "Quỷ đỏ" lộ ra mênh mông.

Tại sao lại có sự sa sút như vậy, phải chăng những người mới đến cũng dần chán ngán văn hóa ơ hờ tại Old Trafford. Sân bóng từng là "Nhà hát của những giấc mơ" bởi những điều kỳ diệu xảy ra hàng tuần trên sân cỏ giờ đây trở thành "bến đỗ trong mơ" cho người lười.

Không cần nỗ lực, chẳng cần cống hiến, áp lực cực ít và lòng tự trọng trở thành thứ xa xỉ, ký hợp đồng với Man Utd xứng đáng được gọi là "việc nhẹ lương cao" cho mọi cầu thủ. Người này thờ ơ, hẳn nhiên người khác lười biếng theo. Nguồn năng lượng tiêu cực và bầu không khí trì trệ ấy cứ thế lớn dần.

Tất nhiên, nếu ban lãnh đạo Man Utd, cụ thể gia đình Glazers không xem đội bóng này chỉ như công cụ làm tiền, môi trường quái gở ấy đã không thể tồn tại.

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 17

Sự xuất hiện của tập đoàn INEOS như nắng hạn gặp mưa. Tuy nhiên, lưu lượng "cơn mưa" này tới đâu vẫn cần thời gian. Dù vậy, họ đang có những nỗ lực để cải thiện văn hóa tại Old Trafford.

Theo tờ The Athletic, một số nhân viên văn phòng tại Man Utd đang cảm thấy khó chịu vì bị cắt đặc quyền có thể đưa "đối tác/khách hàng" đến theo dõi trận chung kết FA Cup như một phần thưởng. Điều này có thể giúp các nhân viên có thêm quan hệ, tiền bạc hoặc sự tự hào, song chẳng đem đến bất kỳ lợi lộc gì cho đội bóng hay người hâm mộ.

Nhà dột từ nóc và những bi kịch chưa hồi kết ở Man Utd - 19

INEOS hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cải thiện khác. Tập đoàn này muốn bổ nhiệm một Giám đốc điều hành xuất sắc nhất có thể cho đội bóng. Bóng đá được ưu tiên hàng đầu và không phải cuộc họp chỉ xoay quanh vấn đề hoạt động thương mại hoặc doanh thu.

Các thành viên trước đây của Ban lãnh đạo Man Utd đều phải rời đi, ngoại trừ HLV Ten Hag. Cho đến nay, chuyện đi hay ở của nhà cầm quân người Hà Lan vẫn là dấu hỏi lớn.

Nhưng giống như một mảnh đất lâu ngày hoang hóa, Old Trafford cần được đào sâu cải tạo và cày xới trước khi gieo trồng. Việc này mất vài năm, trong trường hợp đi đúng hướng.

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Patrick Nguyễn