Cái dớp khó lý giải về bảng tử thần ở World Cup

H. Long

(Dân trí) - Không còn đại diện nào của "bảng tử thần" ở World Cup 2022 còn sót lại sau khi Tây Ban Nha và Nhật Bản bị loại ở vòng 1/8. Điều đó khiến cho cái dớp "bảng tử thần" trở nên huyền bí hơn.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, bảng E chính là bảng tử thần ở World Cup 2022 với sự xuất hiện của Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản và Costa Rica. Mặc dù vậy, tới thời điểm hiện tại, những đội bóng ở bảng này đều phải chia tay World Cup 2022.

Cái dớp khó lý giải về bảng tử thần ở World Cup - 1

Tây Ban Nha bị loại sau thất bại trước Morocco ở vòng 1/8 World Cup 2022 (ảnh: Getty).

Nhật Bản và Tây Ban Nha là hai đội bóng đi tiếp ở bảng E nhưng họ đều dừng bước ở vòng 1/8. Họ đã hòa Croatia và Morocco sau 120 phút thi đấu, trước khi gục ngã ở loạt sút luân lưu định mệnh.

Thất bại của hai đội bóng này càng khiến cho người ta tin rằng có cái dớp về bảng tử thần đang tồn tại ở World Cup. Trong những năm qua, những đội tuyển được xếp vào bảng đấu khó khăn đều sớm dừng bước ở giải đấu này.

Tại World Cup 2018, có hai bảng đấu khó khăn là bảng B (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Iran, Morocco) và bảng F (Đức, Thụy Điển, Mexico và Hàn Quốc). Số phận của những đội bóng này cũng bi thảm. Đức bị loại ngay ở vòng bảng. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều dừng bước ở vòng 1/8. Tiến sâu nhất là Thụy Điển nhưng họ cũng chỉ lọt vào vòng tứ kết trước khi để thua trước đội tuyển Anh.

Cái dớp khó lý giải về bảng tử thần ở World Cup - 2

Nhật Bản tạo nên câu chuyện thần kỳ ở vòng bảng World Cup 2022 nhưng vẫn phải dừng bước Croatia tại vòng 1/8.

Vòng tứ kết cũng là giới hạn lớn nhất của các đội bóng nằm ở bảng tử thần ở các kỳ World Cup trước. Ở World Cup 2014, bảng D được xem là tử thần với sự xuất hiện của Italia, Anh, Uruguay và Costa Rica. Trong đó, Italia và Anh đã bị loại ngay từ vòng bảng. Uruguay ra về ở vòng 1/8, còn Costa Rica lọt vào tứ kết và thua Hà Lan.

Ở World Cup 2010, bảng tử thần có sự góp mặt của Brazil, Bồ Đào Nha, Bờ Biển Ngà và Triều Tiên. Trong đó, Bồ Đào Nha đã thua Tây Ban Nha ở vòng 1/8, còn Brazil cũng không vượt qua nổi cái dớp này khi gục ngã trước Hà Lan ở tứ kết.

Tại World Cup 2006, Hà Lan và Argentina dắt tay nhau đi tiếp ở bảng đấu gồm Serbia và Bờ Biển Ngà. Tương tự, Hà Lan "rụng" ngay ở vòng 1/8, còn Argentina cũng chỉ lọt vào vòng tứ kết.

Cái dớp khó lý giải về bảng tử thần ở World Cup - 3

Dù sở hữu đội hình gồm nhiều ngôi sao ở World Cup 2010 nhưng Brazil và Bồ Đào Nha cũng không thoát khỏi cái dớp bảng tử thần.

Giải đấu năm 2002 chứng kiến bảng đấu vô cùng khó khăn với sự góp mặt của Argentina, Nigeria, Thụy Điển và Anh. Thậm chí, Argentina dừng bước ngay ở vòng bảng dù sở hữu đội hình toàn ngôi sao. Thụy Điển bị loại ở vòng 1/8 bởi Senegal, còn Anh thua Brazil ở tứ kết.

Bảng tử thần ở World Cup 1998 chứng kiến sự xuất hiện của các đội bóng Nigeria, Paraguay, Bulgaria và Tây Ban Nha. Trong đó, hai đội bóng được đánh giá cao hơn là Tây Ban Nha và Bulgaria đã bị loại ngay từ vòng bảng. Nigeria và Paraguay đều dừng bước ở vòng 1/8.

Đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên, cái dớp bảng tử thần xuất hiện. Còn trước đó, tính từ kỳ World Cup 1970 đến 1994, các đội bóng ở bảng đấu khó khăn đều có thành tích rất tốt (ít nhất cũng vào tới bán kết).

Theo thống kê, trong thời gian này, có 2 đội bóng nằm ở bảng tử thần lên ngôi vô địch (World Cup 1970 và World Cup 1978) và 4 đội về nhì.

Cái dớp khó lý giải về bảng tử thần ở World Cup - 4