1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ khí Nga điều chỉnh cách nhìn của giới quân sự Mỹ

Với lý do tiến bộ trong việc phát triển vũ khí của Nga có thể khiến Mỹ phải trả giá, Washington đang tích cực mở rộng hệ thống phòng thủ của mình.

Xuyên thủng phòng thủ Mỹ

Hôm 19/2, trong chương trình truyền hình Rossiya-1, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã bất ngờ tuyên bố rằng năng lực phòng thủ hạt nhân của Nga gồm nhiều loại tên lửa khác nhau hoàn toàn có thể chọc thủng lá chắn tên lửa ở Mỹ.

"Chúng tôi hoàn toàn có thể khoan thủng hệ thống này", Phó Thủ tướng Rogozin tự tin tuyên bố và khẳng định hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ không phải là đe dọa với Nga.

Những tiến bộ về phát triển vũ khí của Nga trong những năm gần đây theo nhận định của tờ Washington Free Beacon có thể khiến phòng thủ Mỹ phải trả giá. Báo Mỹ cho rằng, nước này đang ngày càng tụt hậu so với Nga trong cuộc chạy đua công nghệ để phát triển tên lửa, đặc biệt là vũ khí siêu thanh.

"Trung Quốc và Nga đã tiến hành thử nghiệm các trang bị cơ động tốc độ cao hiện thân là mối đe dọa với lực lượng Mỹ ở các căn cứ tiền tiêu và thậm chí cả tại phần lục địa Mỹ", tờ Washington Free Beacon dẫn thông tin từ nghiên cứu của Không lực Mỹ.

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Các cuộc đua tranh xoay quanh sáng chế tên lửa siêu thanh, rất thích hợp để giáng đòn tấn công hạt nhân và thông thường, báo nhận xét. Những đầu đạn như vậy có khả năng bay ở vận tốc Mach 5 và có thể cơ động chọc thủng những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Chuyên viên Mark Lewis nhận xét rằng các vũ khí mới của Moskva có khả năng điều chỉnh cả cái nhìn của giới quân sự Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Channel News Asia của Singapore hồi cuối năm 2016, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước này có mọi khả năng để khoan thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD).

Nga không tham vọng lao vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ nhưng có đủ khả năng cần thiết đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa này. Những loại tên lửa hiện đại hóa của Nga có thừa khả năng bắt bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào phải im tiếng.

Trong khi đó, tờ RIA Novosti trích lời ông Lavrov nói rằng, Moskva không muốn và sẽ không lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nga có đủ các phương tiện kỹ thuật để đáp lại bằng phản ứng không quá đắt, trước nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Sau khi vấn đề chương trình hạt nhân Iran đã được giải quyết, Mỹ đã tiếp tục nâng cấp mạnh các hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền và có kế hoạch triển khai chúng ở quốc gia Đông Âu Ba Lan, đồng thời nâng cấp mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển (Aegis BMD hay ABMD-Ballistic Missile Defense System).

Aegis là bộ phận hợp nhất thông tin cảnh báo sớm đường không trên mặt đất, là thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ, thường được triển khai trên các chiến hạm hạng nặng như khu trục hạm và tuần dương hạm.

Vừa qua, Mỹ đã công bố kế hoạch đến năm 2020 sẽ nâng cấp 48-49 tàu được trang bị hệ thống Aegis. Đây là một phần trong chương trình hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, nâng số lượng lá chắn tên lửa hiện đại lên trên 200 đơn vị.

Ngoài ra, Mỹ còn công khai ý định tăng cường các chiến hạm Aegis đến Biển Đen nhằm đối phó với hệ thống tên lửa đạn đạo của Nga, đồng thời còn triển khai những cuộc tập trận chung với NATO nhằm tăng cường khả năng phối hợp với đồng minh đánh chặn tên lửa Nga.

Đáp trả lại tuyên bố này, Thủ trưởng Phân ban 4 - Viện Nghiên cứu trung ương thuộc Bộ Quốc phòng Nga - Đại tá Oleg Pyshnyi tuyên bố rằng, Nga đủ khả năng đáp trả công cuộc hiện đại hóa 50 tàu chiến trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

RIA Novosti dẫn nhận định của ông Pyshnyi cho biết, Nga sẽ thi hành những biện pháp kỹ thuật thích hợp chống lại mối đe dọa này và sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho thách thức đặt ra từ Mỹ.

Mở rộng triển khai

Cuối tháng 7/2016, ông John Heffern, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề châu Âu và Âu-Á nói với tờ báo quốc gia Ba Lan Rzeczpospolita rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ sẽ được triển khai tại Ba Lan, bất chấp các thỏa thuận đạt được về chương trình hạt nhân Iran.

Vị thứ trưởng này cho rằng, các điều khoản trong thỏa thuận với Tehran không bao gồm tên lửa, do đó, các mối đe dọa vẫn còn. Bởi vậy, Mỹ đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Redzikovo gần Slupsk của Ba Lan. Công việc xây dựng sẽ được hoàn thành vào năm 2018.

Chiến hạm Aegis của Mỹ.
Chiến hạm Aegis của Mỹ.

Trong những năm gần đây, chủ đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu với lý do “chống các mối đe dọa từ Iran” là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa Washington và Moskva.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhắc lại rằng "tháng 4/2009, khi phát biểu tại Prague, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã nói rằng nếu giải quyết được chương trình hạt nhân của Iran, việc lập ra một bộ phận phòng thủ chống tên lửa châu Âu sẽ không cần thiết nữa".

Khi đó, Mỹ tuyên bố rằng lá chắn tên lửa sẽ không hướng vào Nga, nhưng từ chối cung cấp sự bảo đảm pháp lý. Đến nay, vấn đề hạt nhân Iran đã được giải quyết nhưng Lầu Năm Góc vẫn không ngừng việc mở rộng NMD. Điều này đã nói lên rằng Mỹ lại triển khai các hệ thống này ở Đông Âu là nhằm vào ai.

Hệ thống NMD toàn cầu của Mỹ ở châu Á chạy dài từ Alaska đến Australia, qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và sẽ triển khai rộng rãi khắp châu Âu, đặc biệt là các nước như Ba Lan, Romania… chứa đựng nguy cơ phá hoại nền tảng cân bằng chiến lược trong khu vực.

Vừa qua, Mỹ cũng đã bóng gió nêu ý định triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa ở quốc gia nằm bên sườn phía tây của Nga và Ukraine đã tỏ ra “vồ vập” với ý tưởng này. Đây là một điều không thể chấp nhận được đối với Nga. Các quan chức Moskva đã lên tiếng đe dọa là sẽ có "hành động đáp trả xứng đáng".

Ông Nikolai Patrushev - Thư ký Hội đồng An ninh Nga tuyên bố: "Mỗi quốc gia phản ứng với mối đe dọa theo cách riêng, dựa trên cơ sở hệ thống vũ khí chiến lược của nước mình". Và Nga sẽ tăng cường khả năng xuyên phá qua mọi lá chắn cho những vũ khí hạt nhân của mình.

Tổng thống Nga Putin cũng đã tuyên bố hồi năm 2016 rằng, ngay trong năm nay lực lượng tên lửa chiến lược của nước này sẽ nhận tới 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới, có khả năng xuyên phá qua mọi hệ thống phòng thủ dù hiện đại đến đâu.

Theo Đan Nguyên

Đất Việt