1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine đòi bãi bỏ quyền phủ quyết của Nga tại Liên Hợp Quốc

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin ngày 21/2 đã kêu gọi bãi bỏ quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong bối cảnh Moscow bị cáo buộc là một bên trong cuộc xung đột hiện nay ở Donbass.

Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin (Ảnh: Liên Hợp Quốc)
Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin (Ảnh: Liên Hợp Quốc)

Theo Tass, Ngoại trưởng Pavel Klimkin đã kêu gọi bãi bỏ quyền phủ quyết của Nga, 1 trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong việc đưa ra các quyết định liên quan tới tình hình hiện nay ở Ukraine. Tuyên bố của Ngoại trưởng Klimkin được đưa ra trong bối cảnh Nga đang bị cáo buộc là một bên tham gia vào cuộc xung đột ở khu vực Donbass, phía đông Ukraine.

“Chúng ta cần nhanh chóng cải tổ Hội đồng Bảo an để loại bỏ nguy cơ lạm dụng quyền phủ quyết. Hội đồng Bảo an phải có khả năng giải quyết hiệu quả các “cuộc xung đột đẫm máu” mà không cần có sự hiện diện của một bên trong cuộc xung đột, nhưng cũng đồng thời là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an”, Ngoại trưởng Klimkin phát biểu trong cuộc họp tại Hội đồng Bảo an hôm 21/2.

Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine, việc các bên ngang nhiên lờ đi quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu một bên trong tranh chấp không bỏ phiếu về các vấn đề liên quan đến tranh chấp đó, là không thể chấp nhận được. “Bắt buộc phải có các quy định rõ ràng để (các bên) thực hiện đúng theo quy định này”, Ngoại trưởng Klimkin nhấn mạnh.

Ông Klimkin cho biết thêm rằng sự “hung hăng của Nga nhằm chống lại Ukraine” cũng là nhằm vào châu Âu và sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương, vốn được xem là những nhân tố cơ bản của trật tự an ninh toàn cầu.

Trước đó, cố Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết đối với Moscow, bất kỳ sáng kiến nào nhằm xâm phạm quyền phủ quyết của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (gồm Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ và Pháp) là không thể chấp nhận được.

Thành Đạt

Theo TASS