1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tại sao cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc chỉ bị tuyên chung thân?

Diễn ra trong phòng kín, lại không tuyên bố chính thức ngày khai đình xét xử, hơn nữa từng bị hoãn nhiều lần nên bản án chung thân của cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang vẫn đang là chủ đề bàn luận tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ông Chu Vĩnh Khang nhận bản án chung thân sau khi thừa nhận mọi tội trạng
Ông Chu Vĩnh Khang nhận bản án chung thân sau khi thừa nhận mọi tội trạng
 
Giới truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin ngắn gọn về chủ đề này và theo Tân Hoa xã và kênh truyền hình CCTV13, ngày 11/6 (khai đình từ 22/5), TAND TP.Thiên Tân đã tuyên mức án tù chung thân đối với ông Chu Vĩnh Khang.
Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, Bộ trưởng Công an đã phạm các tội nhận hối lộ, lạm quyền và làm lộ bí mật quốc gia. Ông Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc cùng thuộc cấp thu lợi bất chính hơn 2,1 tỉ NDT (khoảng 338 triệu USD) từ những hoạt động kinh doanh trái phép và bản thân cựu Bộ trưởng Công an đã nhận hối lộ 130 triệu NDT (gần 21 triệu USD).
Sau khi bị tòa tuyên mức án chung thân, ông Chu Vĩnh Khang nói: “Tôi phục tùng quyết định của toà và không kháng cáo”. Kể từ sau “bè lũ 4 tên”, ông Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị đưa ra xét xử.
Ông Chu Vĩnh Khang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận
Ông Chu Vĩnh Khang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận

Từ những tin đồn

Nhưng, giới truyền thông phương Tây, Hongkong, Đài Loan và Macao đã đưa khá nhiều thông tin xung quanh phiên xét xử, cùng những tội trạng của cựu Bộ trưởng Công an. Tờ Đa Chiều, tờ South China Morning Post cho rằng, nếu ông Chu Vĩnh Khang phải chết thì sẽ có người “khó sống”. Bởi riêng hình phạt của tội nhận hối lộ đã có thể là tử hình, chưa kể tội làm lộ bí mật nhà nước và lạm quyền. Và bản án chung thân của ông Chu Vĩnh Khang chỉ tương đồng với mức án chung thân mà cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai bị tuyên trước đó.
Tờ Đa Chiều từng bình luận, việc chọn lúc 0 giờ ngày 6/12/2014 để công bố tội danh “tiết lộ bí mật của Đảng và Nhà nước” của ông Chu Vĩnh Khang (nghỉ hưu tháng 11/2012) ẩn chứa nhiều huyền cơ. Và giới truyền thông Hongkong đặt câu hỏi, ông Chu Vĩnh Khang đã tiết lộ bí mật gì của Đảng và cho ai?
Theo tờ South China Morning Post, ông Tập Cận Bình đã thành lập một đơn vị đặc biệt do ông Phó Chánh Hoa, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Giám đốc Công an thành phố Bắc Kinh đứng đầu để điều tra vụ án của ông Chu Vĩnh Khang.
Cho tới nay, ông Phó Chánh Hoa là người đầu tiên trong lịch sử vừa là Thứ trưởng Bộ Công an, vừa là Giám đốc Công an thủ đô, lãnh đạo lực lượng cảnh sát vũ trang Bắc Kinh, vừa là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bắc Kinh, nhưng lại đứng đầu đơn vị đặc biệt điều tra nguyên Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang.
Còn theo tờ Đại Công báo, Thứ trưởng Bộ Công an Lưu Kim Quốc, người từng điều cảnh sát phòng cháy chữa cháy bắt ông Chu Vĩnh Khang, đã được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, kiêm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương, Chủ nhiệm Tổ công tác 610 của Trung ương, thay thế vị trí của cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, thân tín của cựu Bộ trưởng Công an trước đây.
Ông Lưu Kim Quốc từng là Phó ban Thường trực chuyên án Chu Vĩnh Khang và việc điều lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để bắt cựu Bộ trưởng Công an nhằm đảm bảo yếu tố bất ngờ đến phút cuối cùng.
Cuối thập niên 1990, ông Chu Vĩnh Khang đã mời một thầy tướng giúp sửa sang phần mộ của gia đình và từ đó con đường công danh của cựu Bộ trưởng Công an rộng mở. Nhưng mùa thu năm 2009, mộ tổ nhà ông Chu Vĩnh Khang bị đào trộm và cho đến nay vụ án này vẫn chưa tìm ra hung thủ. Ngay sau khi ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra, giới truyền thông Trung Quốc bắt đầu đưa tin về số phận người vợ đầu tiên của cựu Bộ trưởng Công an, bà Vương Thục Hoa, người phụ nữ sống cởi mở, đơn giản. Nhưng bà Vương Thục Hoa đã chết vì “tai nạn giao thông” năm 2000.
Hai tài xế (đều là cảnh sát) gây ra vụ tai nạn tuy bị xử 10 năm tù nhưng họ đều được thả sau 3 năm thụ án. Sau đó, cả 2 người này được cất nhắc lên chức vụ quan trọng trong các công ty dầu khí nhà nước.
 
Sau khi ông Chu Vĩnh Khang bị bắt, bà Giả Hiểu Diệp (vợ hiện tại, kết hôn năm 2001) cũng bị bắt vì có liên quan đến các vụ làm ăn phi pháp nhờ thế lực của chồng. Bà Margaret Giả, em gái bà Giả Hiểu Diệp cũng phải từ chức tại Liên doanh dầu khí Trung Quốc - Canada để phục vụ điều tra.

Dư luận nói rằng, Tần Thành (được xây dựng năm 1958 với sự hỗ trợ của Liên Xô) là nhà tù duy nhất thuộc Bộ Công an bởi các nhà tù còn lại do Bộ Tư pháp quản lý, là nơi đón tiếp phạm nhân Chu Vĩnh Khang. Bởi hơn nửa thế kỷ qua, Tần Thành luôn là nơi giam giữ các yếu nhân bị “ngã ngựa” ở Trung Quốc như “bè lũ 4 tên”, cựu Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng, cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ…
Ông Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức
Ông Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức
 
Tới các con số

Dư luận cho rằng, ông Chu Vĩnh Khang có quan hệ với hơn 400 phụ nữ tại 6 căn nhà riêng, trong đó đa phần là mỹ nhân và không ít trong số này từng là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng như Thẩm Băng, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Đài CCTV; Lưu Phương Phi, từng là con cưng của CCTV; Lý Tiểu Manh, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng CCTV...
Ngoài ra còn phải kể tới ca sĩ Thang Xán, người được mệnh danh là “Nữ hoàng dân ca” của Trung Quốc. Vụ gây chấn động nhất của ông Chu Vĩnh Khang là với MC kênh CCTV-4 Diệp Nghênh Xuân tại hầm để xe siêu thị Parson Bắc Kinh hôm 29/11/2013 (2 ngày trước khi bị bắt tạm giam). Bởi toàn bộ quá trình làm tình của họ đều bị nhân viên điều tra của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương bí mật ghi hình.
Theo giới truyền thông Hongkong, ông Chu Vĩnh Khang cùng vợ con, anh em sở hữu tổng cộng 326 căn nhà với tổng trị giá khoảng 1,7 tỉ NDT ở 12 thành phố; sở hữu hơn 47kg vàng cùng số tiền mặt trị giá gần 3 triệu USD, hơn 660.000 euro, 110.000 bảng Anh, 550.000 franc Thụy Sĩ… cùng 27 khẩu súng các loại.
Cơ quan chức năng đã phong tỏa 947 tài khoản nội tệ và 117 tài khoản ngoại tệ ở 133 ngân hàng với tổng trị giá hơn 37,7 tỉ NDT; cùng cổ phiếu các ngành dầu khí, hàng không, ngân hàng, sản xuất rượu trị giá 51,3 tỉ NDT và cổ phiếu nước ngoài trị giá 170 triệu NDT. Hãng Reuters từng cho rằng, tổng tài sản nhà họ Chu nắm giữ khoảng 90 tỷ NDT (hơn 14,5 tỷ USD).
Nhiều thông tin nói rằng, gia đình họ Chu sở hữu hoặc có mối liên kết với ít nhất 37 công ty, tại nhiều nơi ở Trung Quốc và nước ngoài với nhiều ngành nghề như sản xuất dầu mỏ, phát triển bất động sản, thủy điện...
Theo giới truyền thông Hongkong, tối 1/12/2013, ông Lệnh Chiến Thư, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đã tới nhà ông Chu Vĩnh Khang đọc lệnh bắt của Trung ương. Sau khi nghe lệnh bắt, ông Chu Vĩnh Khang đã ngất tại chỗ.
Hãng Reuters từng đưa tin, nếu không nhận được sự cho phép của 2 người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân thì ông Tập Cận Bình khó mở cuộc điều tra chống lại ông Chu Vĩnh Khang. Có nhiều tin đồn khác nhau (và không có bất cứ bằng chứng xác đáng nào để chứng minh) xung quanh chủ đề “ngã ngựa” của ông Chu Vĩnh Khang.
Có người cho rằng, ông Tập Cận Bình đang tìm cách gạt bỏ đối thủ chính trị lớn nhất để củng cố quyền lực. Bởi ông Tập Cận Bình luôn có ác cảm với ông Chu Vĩnh Khang, đặc biệt là khi cựu Bộ trưởng Công an thể hiện sự ủng hộ ra mặt đối với ông Bạc Hy Lai. Cũng có tin đồn, ông Chu Vĩnh Khang bị trừng phạt vì đã 2 lần tìm cách ám sát ông Tập Cận Bình.
Ông Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, người tỉnh Giang Tô, đã tốt nghiệp ngành hóa dầu tại Viện Dầu khí Bắc Kinh (nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc) và bắt đầu sự nghiệp trong ngành dầu khí (18 năm) tại tỉnh Liêu Ninh.
Sau đó, ông Chu Vĩnh Khang lần lượt đảm trách ghế Thứ trưởng Bộ Dầu khí, Bộ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999-2002).
 
Từ năm 2002, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và từ năm 2007 tới khi nghỉ hưu, ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp.
 
Theo Phù Lưu - Bắc Ninh
Pháp luật Việt Nam