1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nỗi lo chiến tranh tại thành phố tiền tuyến lớn nhất miền đông Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Mariupol, nơi sinh sống của 500.000 người, từng do quân ly khai ở miền Đông nắm giữ trong thời gian ngắn vào năm 2014 và đã phải hứng chịu nhiều tổn thất do xung đột.

Nỗi lo chiến tranh tại thành phố tiền tuyến lớn nhất miền đông Ukraine - 1

Ông Volodymyr Guzhviy, 77 tuổi, một cư dân của thành phố (Ảnh: Al Jazeera).

Bảy năm trước, vào tháng 1/2015, đạn pháo bắn trúng khu dân cư nơi Liudmyla Skoroboatyh sinh sống ở ngoại ô thành phố Mariupol, thành phố tiền tuyến lớn nhất miền đông Ukraine.

Qua ô cửa sổ, cô nhìn thấy người hàng xóm đang uống cà phê. Nhưng cô không thể ngờ cửa sổ nhà mình bị trúng đạn pháo. Cô bị thương nặng đến mức xe cấp cứu từ chối đưa đến bệnh viện vì cho rằng trường hợp của cô không thể cứu chữa.

Một người hàng xóm khác đã cố chở cô đến bệnh viện nhưng Skoroboatyh đã chết trên đường đi vì vết thương quá nặng.

Con gái của nạn nhân, Anechka, lúc đó mới 3 tuổi, đã được cứu sống nhờ con gấu bông mà cô bé đang ôm bên mình. 

"Đó là cách con bé bị bỏ lại một mình", Skoroboatyh, 69 tuổi, một cựu quản lý nhân sự, nói với hãng tin Al Jazeera. "Không nên để có thêm những bé gái 3 tuổi mất mẹ. Hòa bình vẫn luôn tốt hơn một cuộc chiến như vậy ".

Khi mối căng thẳng Nga - Ukraine leo thang và hàng chục nghìn quân Nga được tăng cường ở biên giới Ukraine, Mariupol càng rơi vào tình trạng bấp bênh hơn bao giờ hết. Thành phố tiền tuyến lớn nhất miền đông Ukraine từng là nơi chứng kiến xung đột đẫm máu vào năm 2014.

Là một thành phố cảng, nó dễ bị tổn thương từ 3 phía: ở phía đông là Biển Azov, nơi các tàu hải quân Nga tuần tra, và ở phía bắc và phía tây hiện do lực lượng ly khai kiểm soát.

Trong khi phương Tây tin rằng Nga sắp tấn công Ukraine, chính quyền Tổng thống Nga Vladamir Putin mạnh mẽ bác bỏ một kế hoạch như vậy.

Mục tiêu tiềm tàng nhất

Nỗi lo chiến tranh tại thành phố tiền tuyến lớn nhất miền đông Ukraine - 2

Mariupol là một thành phố quan trọng ở miền Đông Ukraine (Đồ họa: BBC).

Nhưng theo các chuyên gia, nếu xảy ra chiến tranh, Mariupol - thành phố có 500.000 người và nằm ở một vị trí chiến lược cao - là mục tiêu tiềm tàng nhất. Nếu kiểm soát Mariupol, Nga sẽ có thể tạo ra một hành lang trên bộ giữa nước này, các lãnh thổ ly khai của Ukraine và bán đảo Crimea đã sáp nhập.

Là nơi đặt trụ sở của một số nhà máy lớn nhất ở châu Âu, Mariupol thời Liên Xô cũ rất thịnh vượng. Nhưng Mariupol ngày nay đang đối mặt tỷ lệ tội phạm cao, nền kinh tế khó khăn và mức sống thấp hơn các khu vực khác của Ukraine.

Các khu du lịch giàu có một thời gần đó nằm trong đống đổ nát. Tại ngôi làng Sopyne, một chiếc đu quay bị rỉ sét do chiến tranh đã khiến những ngôi nhà nghỉ mát và khu nhà trẻ không thể sử dụng được. Và nếu chiến tranh xảy ra, mọi thứ ở đây sẽ bị phá hủy hoàn toàn.

Sau cuộc xung đột bạo lực năm 2014 và những ngày đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến hơn 14.000 người thiệt mạng, Mariupol đã chứng kiến một trong những cuộc tấn công đơn lẻ tồi tệ nhất trong cuộc chiến.

Năm 2015, tên lửa đã bắn trúng các khu dân cư ở quận Vostochnyi khiến ít nhất 30 dân thường thiệt mạng. Những vết sẹo vẫn còn hiện rõ mồn một, trên tấm ốp kim loại bao phủ một dãy cửa hàng. Những ngôi sao bằng nhựa che đi những lỗ do đạn bom gây ra.

Những ô cửa sổ vỡ vụn của các căn hộ được giữ nguyên bằng những đường băng đan chéo nhau. Một bức tranh tường của Milana, cô bé đã mất gia đình và cả đôi chân của mình trong vụ tấn công tên lửa khi mới lên 6, được treo ở một trong những tòa nhà cao nhất để nhắc nhở cư dân về những gì đã xảy ra.

Ở chợ Kyivskiy, gần nơi xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa năm 2015, những người bán hàng cho biết khu chợ cũng bị hư hại nghiêm trọng, và các lối đi rải đầy mảnh vỡ, máu và xác chết.

Một số người dân địa phương trong khu chợ chia sẻ những ý kiến trái chiều về một khu vực bị chia cắt giữa hai thế giới: miền đông Ukraine chủ yếu nói tiếng Nga và nhiều người ở đây có quan hệ gia đình tổ tiên với nước Nga ngày nay.

Một số người cho rằng họ đã bị chính quyền trung ương ở Kiev bỏ rơi.

Đối với ông Volodymyr Guzhviy, 77 tuổi, một công nhân đã nghỉ hưu vốn sống trong các khu dân cư bị ảnh hưởng vào năm 2015, tương lai của 7 đứa cháu và 2 chắt là điều khiến ông lo lắng nhất.

"Cuộc chiến mới này sẽ không giống như năm 2014. Nếu xảy ra chiến tranh lần nữa, mọi thứ ở đây sẽ bị phá hủy hoàn toàn", ông nói.