1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nội các tân Tổng thống Mỹ bất ổn vì "yếu tố Nga"

Có thể nói “nước Nga” là cụm từ được dùng nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông Mỹ từ gần hai năm qua. “Nước Nga” không chỉ khuynh đảo chính trường Mỹ trước bầu cử mà nó còn đang làm "náo loạn" nội các của tân Tổng thống Donald Trump.

Nước Nga hay Putin tiếp tục là đề tài “nóng” trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ. Việc ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ, ngoài dự đoán của giới truyền thông và các tổ chức thăm dò quốc tế, đã khiến đảng Dân chủ của bà Hillary Clinton không khuất phục và tìm mọi cách để lý giải cho thất bại này.

Nga là cái tên dễ được tìm thấy nhất, đặc biệt là khi ông Trump trong chiến dịch tranh cử và sau khi trúng cử đều công khai nói rằng Mỹ nên làm lành với Nga, quốc gia đang chịu nhiều sự trừng phạt của chính quyền Obama.

Điều mà truyền thông Mỹ nhắc đến đầu tiên khi cuộc bầu cử Mỹ chưa bắt đầu chính là khả năng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ thông qua hoạt động tin tặc. Người ta nói nhiều đến mức mà mọi người cứ nghĩ đó là điều thực sự đã xảy ra. Và khi bà Hillary Clinton thất cử “không rõ lý do” thì cũng là lúc phe Cộng hòa huy động toàn lực để “tìm cho ra” sự thật về hành động của Nga. Trong suốt mấy tuần qua, không chỉ giới truyền thông mà cả giới chính chính trị, tình báo Mỹ đã vào cuộc.

Tổng thống tân cử Donald Trump đã tỏ ra hoài nghi về những đánh giá cho rằng Nga nhắm mục tiêu cuộc bầu cử. Về phía mình, Nga nhiều lần tuyên bố họ không liên quan đến cuộc tấn công mạng vào cuộc bầu cử của Mỹ. Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump đã bác luận điểm của DHS và FBI, nói rằng: “Những người đưa ra kết luận trên cũng giống những người nói ông Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cuộc bầu cử đã kết thúc từ lâu. Đã đến lúc bước tiếp”.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn từ chức ngày 14-2 do liên quan đến “yếu tố Nga”.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn từ chức ngày 14-2 do liên quan đến “yếu tố Nga”.

Truyền thông và phe đối lập của ông Trump cho rằng việc ông thân thiện với Nga là điều “không thể chấp nhận được”. Trong lúc ông Trump đang thành lập nội các, họ cũng không tha, nhất là khi tân Tổng thống Mỹ chọn cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Exxol, ông Rex Tillerson là ngoại trưởng. Ông Rex Tillerson được báo chí Mỹ cho là người “cực kỳ thân Nga”. Và họ tiếp tục “đánh” ngay cả khi chính quyền Trump vừa thành lập xong.

Ngày 14-2, Michael Flynn, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ dưới trướng của Tổng thống Donald Trump, đã đệ đơn xin từ chức vì những tiết lộ của báo chí về việc ông này “đi đêm” với Nga. Trong đơn từ chức (đề ngày 13-2 theo giờ Mỹ), ông Michael Flynn thừa nhận rằng ông đã “vô tình” lừa dối Phó Tổng thống Mike Pence và một số người khác về cuộc điện đàm bí mật giữa ông và Đại sứ Nga tại Mỹ vào những ngày cuối của chính quyền Tổng thống Obama.

“Với tư cách là Cố vấn An ninh quốc gia, tôi có rất nhiều cuộc điện đàm với đồng nghiệp, bộ trưởng và đại sứ. Những cuộc nói chuyện này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao chính quyền ở Mỹ và bắt đầu đặt nền móng quan hệ cho tân chính quyền. Những cuộc điện đàm nói trên là việc làm thường thấy trong một cuộc chuyển giao quyền lực. Nhưng do mọi chuyện diễn biến nhanh chóng, tôi đã trình lên ngài tổng thống và phó tổng thống những thông tin chưa đầy đủ về cuộc điện đàm giữa tôi và Đại sứ Nga. Tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc tới ngài tổng thống, phó tổng thống và mong rằng đơn từ chức của tôi được chấp thuận” - ông Flynn viết.

Vụ bê bối liên quan tới Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ bắt đầu từ ngày 10-2 sau tiết lộ của hai báo Washington Post và New York Times về các cuộc điện đàm giữa ông với đại sứ Nga tại Washington, ông Serguei Kisliak. Theo các tiết lộ, vào cuối tháng 12-2016, khi chính quyền Tổng thống Obama tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga với cớ là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Michael Flynn khi đó chưa chính thức trở thành Cố vấn An ninh quốc gia cho chính quyền Tổng thống Trump, đã nói với Đại sứ Nga rằng ông Donald Trump có thể sẽ không “hà khắc” với Nga như thời Tổng thống Obama. Theo hai tờ báo Mỹ, những cuộc điện đàm như thế là bất hợp pháp.

Ông Michael Flynn là quan chức đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chức. Việc ông Flynn ra đi chưa đầy một tháng sau khi chính quyền ông Trump lên nắm quyền cho thấy sự xáo trộn xảy ra vô cùng sớm trong đội ngũ cố vấn cao cấp của tổng thống. Ông Flynn là người ủng hộ trung thành của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử.

Cứ cho là chính quyền Trump thân thiện với Nga hơn các đời Tổng thống Mỹ trước như giới truyền thông nước này nói ra rả trong mấy năm qua, vậy ông Trump đã có những cử chỉ và hành động “đẹp” gì với nước Nga? Chưa hề! Thậm chí trong tuyên bố mới nhất, trước tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine, ông Trump cứng rắn với Nga bằng cách nói Crimea là của Ukraine đồng thời nêu điều kiện để Moscow trả lại bán đảo này về vị trí của nó.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer ngày 14-2 nói: ''Tổng thống Trump đã bày tỏ rõ ràng ông hy vọng Chính phủ Nga sẽ giảm tình trạng bạo lực đang leo thang ở Ukraine và trả lại Crimea''.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng cho rằng: "Cách duy nhất để Mỹ công nhận điều này là có một thỏa thuận mở rộng, trong đó sẽ tôn trọng lợi ích của người dân Ukraine. Nếu không có thỏa thuận như vậy chúng ta không bao giờ thừa nhận (Crimea là một phần của Nga)".

Sau đó, phía Nga cũng thẳng thắn đáp trả. "Crimea là vùng lãnh thổ của Liên bang Nga, vì vậy chúng tôi sẽ không trao trả đất đai của chúng tôi cho ai cả" - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova khảng khái nói.

Dự kiến Tổng thống Putin sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump lần đầu tại Slovenia trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra vào tháng 7 tới.
Dự kiến Tổng thống Putin sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump lần đầu tại Slovenia trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra vào tháng 7 tới.

Về phía Nga cũng chưa vội cả tin. Quan hệ Nga-Mỹ chỉ được định hình lại sau các cuộc gặp chính thức. Thư ký báo chí Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 15-2 nhận định rằng, trong bối cảnh hiện nay không nên vội vàng đưa ra những phán quyết bởi quan hệ Nga - Mỹ chưa được định hình cụ thể mà mới chỉ bắt đầu từ những tuyên bố qua lại về ý định xây dựng mối quan hệ.

Theo ông Peskov, đến nay quan hệ Nga-Mỹ chưa bắt đầu định hình lại, chỉ đơn giản là hai bên trao đổi những tuyên bố về ý định xây dựng mối quan hệ mà hiện dường như đang rơi vào tình trạng không mấy sáng sủa. Ông cho rằng trong bối cảnh này không nên vội vàng. Hơn nữa, hiện nay Tổng thống Trump đang hoàn thiện chính quyền, vì vậy nên đợi đến khi bộ máy chính quyền mới của vị tỷ phú này được thành lập đầy đủ và khi Moscow và Washington bắt đầu các cuộc gặp chính thức đầu tiên sắp tới.

Nhưng mọi lời nói chỉ mang tính ước lệ. Thực tế, người Nga thừa hiểu những gì mà ông Trump và chính quyền ông Putin đã và đang làm. Họ chỉ tạo cho nhau điều kiện để thế giới không trở nên quá nhạy cảm về mối quan hệ thân thiết này. Chính sách ngoại giao của Mỹ dù dưới bất kỳ chính quyền nào đều không vượt ra khỏi bản chất của chủ nghĩa tư bản. Và nước Nga của Tổng thống Putin cũng không đặt cược quá nhiều vào những tuyên bố của ông Trump.

Ngày 15-2, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng, mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ sẽ sớm được khôi phục. Chúng tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian để làm điều này trong khi lẽ ra phải dành thời gian đó cho những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, những vấn đề toàn cầu này không thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác giữa Nga và Mỹ”.

Ông Peskov cũng lên tiếng bác bỏ những thông tin cho rằng, giới tình báo Nga thường xuyên liên lạc với các thành viên trong nhóm vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump và cho rằng, những thông tin này là “vô căn cứ”. “Chúng ta đừng quá tin vào những gì truyền thông nói vì ở thời điểm hiện tại rất khó để phân biệt giữa những thông tin thứ thiệt và những tin đồn nhảm”, ông Peskov nói.

Khi được cho biết rằng, những thông tin này được các hãng truyền thông phương Tây có uy tín đưa ra, ông Peskov nói: “Nhưng họ không hề công bố danh tính của những người cung cấp thông tin. Điều này thật lố bịch. Đừng tin vào những nguồn tin không được xác định rõ ràng. Những thông tin đó là vô căn cứ và không dựa trên sự thật nào hết”.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới