1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga lên tiếng về dự luật "đặc vụ nước ngoài" của Gruzia

Thanh Thành

(Dân trí) - Điện Kremlin ngày 17/4 cho biết, dự luật về "đặc vụ nước ngoài" hiện được các nghị sĩ quốc hội Gruzia thảo luận đang bị "các tác nhân bên ngoài" sử dụng để thúc đẩy tâm lý chống Nga.

Nga lên tiếng về dự luật đặc vụ nước ngoài của Gruzia - 1

Người dân biểu tình phản đối dự luật "đặc vụ nước ngoài" ở Tbilisi hôm 17/4 (Ảnh: Reuters).

Người Gruzia đã tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Tbilisi trong tuần này để phản đối dự luật "đặc vụ nước ngoài" mà họ gọi là "luật pháp Nga".

Những người biểu tình cho rằng, dự luật này nếu được thông qua sẽ gắn kết quốc gia Nam Caucasus này chặt chẽ hơn với Nga và kéo đất nước họ ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Dự luật này yêu cầu các cá nhân và tổ chức, trong đó có các hãng truyền thông, nhận trên 20% tài trợ nước ngoài phải đăng ký là "bên chịu ảnh hưởng từ nước ngoài". Người ủng hộ nói dự luật làm tăng tính minh bạch của truyền thông, trong khi những người chỉ trích so sánh nó với một đạo luật tương tự của Nga.

Một liên minh gồm các nhóm đối lập, xã hội dân sự, người nổi tiếng và cả Tổng thống nước này là Salome Zourabichvili đã tập hợp lại đảng cầm quyền để phản đối động thái này.

Tổng thống Zourabichvili tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật nếu quốc hội thông qua. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của bà sẽ kết thúc vào cuối năm nay và quốc hội Gruzia sẽ chọn ra tổng thống mới.

Phía Mỹ cũng cho rằng, dự luật này sẽ làm suy yếu quyền tự do ngôn luận và gây tổn hại mối quan hệ của Gruzia với phương Tây

Nói về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các đối tượng chống đối đang lợi dụng dự luật này để "kích động tình cảm chống Nga" và "không chắc những việc này được thúc đẩy từ bên trong Gruzia". "Có lẽ các tác nhân tác động đến từ bên ngoài", ông Peskov nói với các phóng viên.

Ông cho biết Điện Kremlin đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình này.

Theo ông Peskov, chính Mỹ, chứ không phải Nga, là quốc gia đi tiên phong trong việc ban hành luật như vậy, đề cập đến Đạo luật Đăng ký Đại diện nước ngoài (FARA) của Mỹ năm 1938, trong đó yêu cầu một số cá nhân và tổ chức phải đăng ký là "đại diện nước ngoài". 

Theo Reuters