1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga dùng chiến thuật phục kích đặc biệt gây thiệt hại nặng cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia giải mã chiến thuật Nga áp dụng trong hơn 2 tháng qua khiến Ukraine thiệt hại nặng khi tìm cách xuyên phá các phòng tuyến của Moscow.

Nga dùng chiến thuật phục kích đặc biệt gây thiệt hại nặng cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở Donetsk (Ảnh minh họa: AP).

Chiến dịch phản công của Ukraine đã diễn ra trong 2 tháng qua với mục tiêu xuyên qua phòng tuyến kiên cố mà Moscow dựng lên.

Các cuộc giao tranh diễn ra quyết liệt nhưng Ukraine vẫn chưa đạt được những bước tiến đáng kể do Nga đã áp dụng chiến thuật phục kích đặc biệt, theo chuyên gia Jack Watling từ Viện Rusi (Anh).

Ukraine đang giành được lợi thế ở một số mũi phản công, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể đạt đến điểm đột phá trong thời gian tới hay không. Ông Walting cho biết, Nga đã thiết lập ra khu vực phòng thủ sâu hàng chục km, kéo dài từ mặt trận phía Nam Zaporizhia cho tới Donetsk ở phía Đông.

Hệ thống phòng thủ của Nga thực chất là 3 tuyến hào kiên cố, mỗi tuyến được che chắn bởi các bãi mìn dày đặc, hào chống tăng, bẫy xe tăng và dây thép gai. Nga cũng củng cố thêm hỏa lực vào các vị trí chiến đấu trên chiến trường.

Trong 2 tháng qua, Nga đã áp dụng chiến thuật phục kích khiến Ukraine tổn thất không nhỏ về vũ khí, khí tài và nhân lực. Theo ông Watling, Nga thường để cho phía Ukraine di chuyển vào gần khu vực bãi mìn, rồi phóng hỏa lực dữ dội về phía Kiev bằng xe tăng và tên lửa chống tăng từ 2 bên cánh.

Một số đoạn video trên hiện trường cho thấy khi bị trúng hỏa lực dồn dập, đội tăng, thiết giáp của Ukraine có thể bị mất phương hướng và tìm cách thoát ra.

Lúc này, các phương tiện sẽ gặp phải rủi ro cao cán phải bãi mìn khi tình hình trở nên hỗn loạn. Hình ảnh các nhóm tăng, thiết giáp của Ukraine bị vô hiệu với số lượng lớn đã xuất hiện trong thời gian qua.

Khi tăng, thiết giáp của Ukraine bị phá hủy, Nga sẽ triển khai đạn cối và pháo nhằm vào lực lượng bộ binh thoát ra bên ngoài. Trong kịch bản phía Kiev vượt qua được bãi mìn và tiến vào khu vực chiến hào, lực lượng Nga thường rời bỏ vị trí chiến đấu.

Sau đó, Nga sẽ kích nổ từ xa mìn từ trong các đường chiến hào để loại bỏ mũi tấn công lớp đầu tiên của Ukraine.  

Xe tăng, thiết giáp Ukraine bị phá hủy trên hướng Zaporizhia (Video: RVvoenkory).

Để đối phó với tính toán của Nga, Ukraine buộc phải thay đổi chiến thuật. Theo ông Watling, Ukraine phải tìm cách thâm nhập vào vị trí của Nga bằng cách tấn công vào 2 bên sườn trước, rồi mới tìm cách để đột phá.

Tuy điều này giúp Ukraine giảm thương vong, nhưng việc lập kế hoạch và trinh sát đã khiến nhiệm vụ trở nên mất thời gian, dẫn tới Kiev không thể tiến xa cho một lần tấn công. Thời gian đột phá chậm mang lại cơ hội cho Nga tái triển khai đội hình để đối phó với làn sóng tấn công từ Kiev.

Ngoài ra, Ukraine cũng đang tăng cường sử dụng đạn dẫn đường chính xác tấn công radar phản pháo của Nga. Thiếu khí tài này, Moscow gặp khó trong việc định vị và phá hủy hệ thống pháo của Ukraine. Trong khi đó, Kiev dùng đạn pháo chính xác để tấn công hệ thống hỏa lực của Nga.

Ukraine đồng thời tìm cách tấn công vào kho đạn dược, tuyến tiếp tế của Nga trên tiền tuyến. Mục tiêu của Ukraine là làm giảm cường độ tấn công phủ đầu bằng pháo của Nga với bộ binh Kiev. Từ đó, lực lượng Ukraine có thể tiến lên để giành các vị trí từ Nga dù họ bị mất tăng, thiết giáp trong nỗ lực xuyên phá ban đầu.

Mặt khác, Nga cũng tăng cường nỗ lực phá hủy vũ khí của Ukraine, sử dụng các trực thăng tấn công bắn tên lửa từ khoảng cách 8-10km. Điều này đảm bảo vũ khí Nga nằm ngoài tầm đánh chặn của tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng của đối phương.

Theo ông Watling, cuộc phản công của Ukraine giờ đây có xu hướng biến thành nỗ lực của 2 phía nhằm tiêu hao năng lực quân sự của đối phương. Bên nào có đủ khả năng chống chọi lâu hơn sẽ có ưu thế hơn trước phía còn lại.

Theo Financial Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine