1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lần đầu Trump đưa tàu sân bay trở lại Trung Đông

Theo Reuters, lần đầu tiên dưới thời của Tổng thống Donald Trump, Hải quân Mỹ đã điều tàu sân bay trở lại Trung Đông.

Iran tiếp đón

Theo nguồn tin này, trên hành trình trở lại Trung Đông của mình, tàu sân bay USS George H. W. Bush đã được hộ tống bởi một khu trục hạm của Đan Mạch, một chiến hạm của Hải quân Pháp cùng với một phi đội trực thăng tấn công ở trên không.

Tuy nhiên, khi đội tàu sân bay Mỹ từ Eo biển Hormuz vào Vịnh Ba Tư hôm 21/3, đã có khoảng 20 tàu chiến các loại của Iran tiếp cận. Phía tàu USS George H. W. Bush đã cố liên lạc với tàu Iran nhưng chưa rõ đã có cuộc trao đổi nào giữa hai bên được thực hiện hay không.

Đại úy Ian McConnaughey - phát ngôn của Hải quân Mỹ tuyên bố: "Dù những tàu Iran có thể không mang thuốc nổ, nhưng hành vi này có thể dẫn tới sự hiểu lầm vì chúng tôi không hiểu rõ mục đích của họ. Chúng tôi không bao giờ muốn bắt đầu điều gì, nhưng nếu tình thế phát sinh, chúng tôi có quyền phòng vệ".

Tàu sân bay USS George H. W. Bush.
Tàu sân bay USS George H. W. Bush.

Ngay trước khi tàu sân bay Mỹ trở lại Trung Đông, Iran tuyên bố rằng nước này có thể phong tỏa Eo biển Hormuz để ngăn chặn tàu chiến Mỹ nếu tiếp tục tiến hành các hoạt động mà Tehran cho là "đe dọa" sự lưu thông của tuyến đường biển chiến lược này.

Hãng thông tấn Sputnik cho rằng, đây được xem là thông điệp của Iran nhằm đáp trả lại cuộc tập trận quy mô lớn mà Mỹ và 30 quốc gia khác tiến hành, trong đó cũng có điểm diễn ra gần Eo biển Hormuz hồi cuối năm 2016.

Ngoài Eo biển Hormuz, Mỹ và các đồng minh và đối tác của mình cũng tiến hành diễn tập ở một số địa điểm chiến lược khác như Eo Bab Al-Mandeb, kênh đào Suez.

"Chúng tôi sẽ phản ứng lại bất cứ các cản trở nào xảy ra ở Eo biển Hormuz. Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh của nước này chớ có tiến hành các hoạt động gây cản trở và mất an toàn cho Eo biển. Nếu điều đó xảy ra, Iran sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài các hành động bảo vệ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982", Tư lệnh tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố.

Kế hoạch với Trung Đông

Việc lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump điều tàu sân bay đến Trung Đông cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang từng bước thực hiện kế hoạch của mình với khu vực chiến lược này.

Được biết, từ trước khi nước Mỹ chuyển giao từ chính quyền Obama sang Trump, rất nhiều người đặt ra câu hỏi về sự thay đổi này sẽ tác động ra sao đến Trung Đông, đặc biệt là khi Tổng thống Trump dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tiến sĩ Simon Mabon, giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH Lancaster, cho Sputnik biết rằng thái độ khắt khe của ông Trump với Iran có thể sẽ làm hài lòng các đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ ở vùng Vịnh, như Saudi Arab và Bahrain.

"Đây là những lời đường mật đối với rất nhiều quốc gia vùng Vịnh, những nước xem thỏa thuận hạt nhân là cơ hội khuyến khích Iran cũng như tăng cường khả năng hỗ trợ tài chính cho nhiều nhóm tôn giáo khác nhau trong khu vực. Các nhóm như Hezbollah ở Lebanon và một số nhóm khác ở Iraq thường bị nhiều quốc gia Ả Rập Sunni coi là khủng bố. Vì vậy, tôi nghĩ rằng quan điểm chống Iran của ông Trump sẽ được coi là có lợi cho các chính quyền vùng Vịnh này", ông Mabon phân tích.

Trong thời gian ông Obama ở Nhà trắng, những mối lo ngại ở vùng Vịnh là Washington có thể rút lui khỏi khu vực, cùng với mối quan hệ cải thiện giữa Mỹ và Iran sẽ khiến cho các quốc gia này bị cô lập và chịu tác động bởi sức ảnh hưởng của Tehran.

Tuy nhiên, tiến sĩ Mabon cho rằng với chính quyền hiện tại, Mỹ sẽ tái củng cố lại quyền lực ở Trung Đông. "Tôi cho rằng ông Trump sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực, phản đối Iran và hỗ trợ cho các đồng minh của Mỹ như Ả rập Saudi, Bahrain, Qatar, UAE… ", chuyên gia cho biết.

​Mặc dù theo ông Mabon, các nước vùng Vịnh sẽ thích chính quyền ông Trump hơn ông Obama, nhưng ông cũng lưu ý rằng còn khá nhiều vấn đề có thể nảy sinh căng thẳng giữa Washington và các quốc gia Ả Rập.

Theo Mỹ Đức

Đất Việt