1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng Ai Cập: Khi mùa Xuân mang theo giông bão

(Dân trí) - Hai năm sau “Mùa xuân Arập”, giấc mơ về tự do và dân chủ theo kiểu phương Tây chưa bao giờ trở thành hiện thực. Người dân đất nước Kim tự tháp luôn đứng trước nguy cơ bị vùi dập trong các cơn giông bão của bất ổn, chia rẽ và xung đột.

Ai Cập chưa một ngày bình yên kể từ khi “mùa Xuân Arập” tràn về.
Ai Cập chưa một ngày bình yên kể từ khi “mùa Xuân Arập” tràn về.


Tháng 2/2012, hàng triệu người dân Ai Cập đổ ra đường ăn mừng thắng lợi rực rỡ trong sự kiện đánh dấu sự kết thúc 32 năm cầm quyền liên tục của Tổng thống Hosni Mubarak.

Trong men say chiến thắng, người dân đất nước Kim tự tháp mơ về “mùa Xuân” với tương lai tự do và dân chủ như những lời hứa hẹn của phương Tây. Họ đã đặt giấc mơ ấy lên vai nhà lãnh đạo Mohamed Morsi – vị Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử 6.000 năm của đất nước Ai Cập.

Thế nhưng, ông Morsi cùng tổ chức Anh em Hồi giáo đã không thể đưa Ai Cập đến với “tự do, dân chủ” hay bất cứ mùa Xuân Arập nào như người dân mong muốn. Trong suốt một năm, chính phủ của ông đã không có được những thay đổi tích cực cần thiết.

Nền kinh tế vẫn ngập trong khủng hoảng nặng nề. Tăng trưởng vẫn ở mức chạm đáy như trong suốt 2 thập kỷ qua. Giá cả tăng gấp đôi, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng tới mức báo động 13%.

Vể chính trị, chính quyền Tổng thống Morsi luôn đối mặt với sự bất mãn từ đông đảo người dân trước chính sách thâu tóm quyền lực, nhất là khi ông Morsi kiên quyết áp đặt bản Hiến pháp mới nhuốm màu Hồi giáo và từ chối chia sẻ quyền lực với phe thế tục.

Có lẽ do nhận thấy sự lãnh đạo của ông Morsi và Anh em Hồi giáo sẽ chẳng thể đưa Ai Cập đến với “mùa Xuân” như đã hứa, nên một lần nữa người dân lại đứng lên chống chính quyền Morsi như đã từng chống chính quyền Mubarak cách đây 2 năm.

Và vào ngày 4/7, một năm sau khi vị Tổng thống Hồi giáo lên nắm quyền, quân đội Ai Cập tuyên bố phế truất ông Morsi với lý do là ông đã để xảy ra các cuộc biểu tình lớn và không hóa giải được những khác biệt giữa các phe phái trong nước.

Thế nhưng dường như người dân Ai Cập đã quá ngây thơ khi cho rằng họ có thể lât đổ ông Morsi “suôn sẻ” như đối với ông Mubarak trước đây.

Khác với câu chuyện năm 2012, kịch bản của năm 2013 đã không hội đủ hai yếu tố cơ bản: lực lượng đối lập đủ mạnh và sự ủng hộ của đông đảo người dân trong xã hội. 

Kịch bản của năm 2013 chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ai Cập giữa một bên là quân đội nắm nhiều quyền lực nhất trong xã hội và bên kia là tổ chức Anh em Hồi giáo , lực lượng chính trị có tổ chức nhất tại Ai Cập.

Hai lực lượng lớn mạnh không bên nào chịu lùi bước, kéo theo đó là khủng hoảng ngày một leo thang trầm trọng.

Tổ chức Anh em Hồi giáo kiên quyết phủ nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời cũng như tiến trình chính trị mà quân đội đề xuất, bao gồm sửa đổi Hiến pháp năm 2012, tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống vào đầu năm tới.

Trong khi đó, quân đội thẳng tay bắt giam Tổng thống Morsi và tiến hành xét xử nhiều nhân vật quyền lực của Anh em Hồi giáo.

Căng thẳng còn bị đẩy lên mức cao hơn khi có thêm sự tham gia của những người ủng hộ từ cả hai phía. Hàng loạt cuộc biểu tình, đụng độ lớn nhỏ đã nổ ra trên khắp đất nước. Những người trung thành với ông Morsi còn dựng hai trại biểu tình ngồi trường kỳ tại trung tâm thủ đô Cairo khiến mọi hoạt động bị tê liệt. Kế hoạch chuyển giao tại Ai Cập cũng vì thế rơi vào trạng thái treo.

Trong khi đó, các nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, bao gồm những cuộc điện đàm và các chuyến viếng thăm của nhiều nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu nhằm thúc đẩy hòa giải, đều lần lượt rơi vào ngõ cụt. Ngày 6/8, văn phòng của Tổng thống lâm thời Adli Mansour tuyên bố rằng những nỗ lực nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng tại Ai Cập của các phái viên đến từ Mỹ, EU, Cata và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã thất bại. Cũng từ thời khắc đó, cuộc tìm kiếm mùa Xuân tại đất nước Kim tự tháp chính thức hứng những đòn sét đánh đầu tiên sau nhiều ngày chìm sâu trong bóng đen giông tố.

Ngày 14/8, Ai Cập rung chuyển trước cuộc đụng độ được xem là đẫm máu nhất trong lịch sử, khi lực lượng an ninh cưỡng chế và trục xuất đám đông người biểu tình ủng hộ Tổng thống Morsi ra khỏi hai khu cắm trại, nơi họ đã tiến hành các cuộc biểu tình ngồi trong suốt sáu tuần qua nhằm yêu cầu phục chức cho nhà lãnh đạo dân bầu đầu tiên.

Bước đi của quân đội không phải là một quyết định bất ngờ bởi trước đó chính phủ lâm thời do quân đội dựng lên đã nhiều lần cảnh báo sẽ mạnh tay dẹp các trại biểu tình. Thế nhưng, mức độ tàn khốc của hành động này thì đã thực sự gây sốc không chỉ cho người dân Ai Cập, mà còn đối với cả dư luận thế giới.

Những con số mới nhất từ Bộ Y tế Ai Cập cho biết chỉ trong một ngày đã có hơn 638 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương. Nhưng các con số này sẽ chưa dừng lại ở đó, khi mà quân đội đã quyết định dùng cả xe tăng và đạn thật trấn áp người biểu tình, còn người biểu tình thì tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường cho tới khi Tổng thống Morsi được thả bất chấp lệnh giới nghiêm đã được ban bố.

Câu chuyện thảm khốc ngày 14/8 chắc chắn không phải viễn cảnh mà người dân Ai Cập mong muốn khi họ cắm trại biểu tình tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairô cách đây hai năm để buộc ông Mubarak phải từ chức. Nó cũng nằm ngoài suy đoán của những người biểu tình ủng hộ ông Morsi hiện nay. Vậy là sau hai cuộc biểu tình lật đổ hai vị Tổng thống, một độc tài và một dân bầu, những gì mà đất nước Kim tự tháp có được chỉ là những cơn giông tố với bạo lực, bất ổn và biểu tình kéo dài.

Có thể, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Ai Cập sẽ tìm được con đường thoát khỏi giông bão. Nhưng ở thời điểm hiện tại, rất dễ để thấy rằng nguy cơ về một cuộc nội chiến đang đến rất gần.

Trần Ngọc