1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kho vũ khí huyền thoại của Hezbollah

Hezbollah có bao nhiêu vũ khí chiến lược? Kho vũ khí bí mật của họ nằm ở đâu? Bao nhiêu câu hỏi đã được đặt ra sau khi Hezbollah, trong 5 ngày đầu cuộc xung đột, đã nã 350 quả tên lửa vào các thành phố Israel để trả đũa những vụ không kích của Israel vào cơ sở hạ tầng của Libăng.

Tàu chiến Israel bị máy bay không người lái chứa đầy bom của Hezbollah đánh chìm ở bờ biển Libăng. Lần đầu tiên, 220.000 dân thành phố cảng Haifa của Israel nằm cách biên giới Libăng 40 km phải xuống hầm tránh tên lửa sau khi còi báo động tên lửa Hezbollah nhắm bắn vào thành phố hôm 16/7 .

 

 

10.000 hay 13.000 tên lửa?

 

Nhật báo Yediot Aharonot, xuất bản tại Tel-Aviv, thủ đô Israel, tuần qua cho biết Hezbollah hiện có khoảng 10.000 tên lửa đủ loại, đa số là tên lửa Katyusha tầm ngắn gốc Liên Xô. Trong khi đó tờ L’Orient-Le Jour, nhật báo Pháp ngữ xuất bản tại Beirut, thủ đô Libăng, cho biết Hezbollah có 13.000 tên lửa Katyusha có tầm bắn từ 10 km đến 20 km, chưa tính những loại tên lửa khác có tầm hoạt động rộng hơn, tính sát thương cao hơn.

 

Dẫn lời tướng quân báo Israel Yossi Baidatz phát biểu trước Quốc hội Israel hôm 13/7, tờ Yediot Aharonot cho biết thêm Hezbollah có khoảng 100 tên lửa có thể bắn xa từ 40 km đến 72 km. Đây là tên lửa Fajr 3 và Fajr 5 (Fajr có nghĩa là chiến thắng) do Iran sản xuất. Nguồn tin quân sự Israel cho biết các quả tên lửa bắn vào Haifa trong mấy ngày qua có thể là những tên lửa vừa kể.

 

Tuy nhiên, theo tờ Haaretz (Israel) tên lửa bắn vào Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel, là một loại vũ khí mới của Hezbollah có tên là Raad. Nó được Iran sản xuất đại trà từ tháng giêng năm 2004, có thể bắn xa đến 150 km. Cũng có tin nói thật ra đó là một loại tên lửa có tính năng tương tự như Raad nhưng do Syria sản xuất. Hezbollah cũng có loại tên lửa BM-27 có đường kính 220 ly của Nga do Syria sản xuất với số lượng không rõ bao nhiêu.

 

Nhật báo Ảrập Al-Sharq al Awsat ra ngày 16/7, dẫn lời một sĩ quan cao cấp Iran cho biết từ năm 1992 đến 2005, Hezbollah đã nhận được 11.500 tên lửa tầm ngắn và tầm trung các loại. Viên sĩ quan này còn cho biết thêm Hezbollah có 4 loại tên lửa đất–đối- đất hiện đại bao gồm loại “Fajr” với tầm bắn 100 km, “Iran 130” có tầm bắn 90-110 km, “Shahin” bắn xa 150 km và tên lửa có đường kính 335 ly cũng bắn xa 150 km.

 

Ngoài ra, Hezbollah còn có tên lửa đất-đối-biển hướng dẫn bằng radar do Iran sản xuất. Chính loại tên lửa này đã bắn chìm tàu tuần duyên Hanit của Israel giết chết 4 thủy thủ Israel tuần qua. Có thể đây là loại tên lửa Exocet của Pháp do Iran sản xuất song cũng có thể là tên lửa Con Tằm mà Iran mua của Trung Quốc.

 

Nhưng bất ngờ hơn hết là Hezbollah đã tăng cường cả “sức mạnh trên không” với chiếc máy bay không người lái (AUV) chở đầy bom điều khiển từ xa đánh đắm một tàu chiến Israel ở ngoài khơi Libăng tuần qua. Đây là lần đầu tiên Hezbollah sử dụng vũ khí này. Trước đây, Hezbollah từng cho UAV loại Mirsad (tiếng Ảrập có nghĩa là đài quan sát) do Iran chế tạo xâm nhập không phận Isarel hai lần, một lần vào tháng 11/2004 và lần thứ hai tháng 4/2005 với nhiệm vụ thám thính. Cũng có tin Hezbollah sản xuất riêng cho mình loại “Mirsad 1”.

 

Nỗi lo của Israel

 

Nguồn gốc tên lửa của Hezbollah, như đã nói trên, chủ yếu là từ Iran. Được sự đồng ý của Chính phủ Syria, từ năm 2000-2002 máy bay vận tải Iran đã chở tên lửa loại Fajr-3 và Fajr-5 sang sân bay quốc tế Damascus và từ đây Hezbollah dùng xe tải chở về Libăng. Một số nguồn tin khác cho hay tên lửa cũng được chở thẳng từ Iran đến sân bay quốc tế Beirut.

 

Ngoài những loại tên lửa đã biết nói trên, tạp chí Stratfor cho biết Israel lo nhất là không biết Hezbollah có bao nhiêu loại tên lửa SS-21 Scarab, FROG-7 và Zelzal-2. Các loại này giống như tên lửa Scud, chứa đầu đạn lớn có thể tàn phá những thành phố ở trong sâu nội địa Israel. Lợi hại nhất là Zelzal-2, một loại tên lửa đạn đạo mà theo nhật báo Anh The Times có thể “mang đầu đạn chứa nửa tấn chất hóa học hoặc thuốc nổ thông thường bắn tới Tel Aviv”. Các nguồn tin tình báo Israel tin rằng Iran đã cung cấp cho Hezbollah khoảng 30 quả tên lửa Zelzal-2. Đây là mối đe dọa không nhỏ cho Israel.

 

Một loại vũ khí mới khác cũng làm Israel quan tâm là tên lửa chống tăng hướng dẫn bằng radar mà Hezbollah hình như có cả một kho đáng kể. Loại này hiện đại hơn loại AT-3 Sagger của Liên Xô thịnh hành vào thập niên 1970. Quân đội Israel được cơ giới hóa cao bằng xe bọc thép chở người kiểu APC của Mỹ nhưng do Israel sản xuất dưới tên gọi “Zelda”. Số lượng xe này của Israel rất lớn, bằng tổng số APC của Ai Cập, Jordan và Syria. Trong trường hợp Israel xua quân vào Libăng, tên lửa chống tăng kiểu mới của Hezbollah sẽ là mối đe dọa lớn đối với họ.

 

Răn đe cả Mỹ?

 

Một nguồn tin quân sự Israel cho biết, trong 6 ngày đầu cuộc chiến, không quân Israel đã phá hủy 30% tên lửa có tầm bắn ít nhất 45 km của Hezbollah. Nếu nguồn tin này chính xác, Israel có lẽ đoán biết một vị trí cất giấu tên lửa của Hezbollah.

 

Tuy nhiên, có thể nói Hezbollah, với sự giúp đỡ của khoảng 200 thành viên lực lượng vệ binh cách mạng và lực lượng đặc nhiệm Qods của Iran đang “ăn cùng ở cùng” với chiến binh Hezbollah, có cách bố trí các kho vũ khí quý báu của mình ở những nơi bí mật không dễ bị tấn công.

 

Theo báo Al-Sharq al-Awsat, Iran đã giúp Hezbollah bố trí hàng chục căn cứ phóng tên lửa tầm xa như Fajr hay SA-18, tên lửa đất-đối - không trong thung lũng Beqaa ở Đông Libăng. Mục đích của Iran, theo Israel, sâu xa hơn là đơn thuần giúp Hezbollah có cái để “chơi Israel”. Những căn cứ vừa kể còn có mục đích răn đe Israel và Mỹ (từ Iraq) dùng không quân tấn công những cơ sở hạt nhân của Iran.

 

Theo Văn Anh

Người lao động