1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giáo sư Carl Thayer: "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý

(Dân trí) - "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc là không rõ ràng và gây ra các cách hiểu khác nhau... Các bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế ủng hộ quan điểm rằng đường lưỡi bò là không thể chứng minh được và không có cơ sở pháp lý".

Giáo sư Carl Thayer (Ảnh:
Giáo sư Carl Thayer (Ảnh: Diplomat)
 
Giáo sư Carl Thayer từ Australia, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, đã đưa ra các nhận định của ông về các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tại một cuộc thảo luận báo chí do Trung tâm phóng viên quốc tế (ICFJ) tổ chức hồi tuần trước. Dân Trí xin trích đăng một số câu hỏi của các nhà báo Việt Nam dành cho ông và các câu trả lời của Giáo sư.
 
***
 
Việt Nam đã đưa ra nhiều bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa nhưng Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực và đang nhăm nhe “lấn tới” ở Trường Sa. Giáo sư có quan điểm thế nào về “đường lưỡi bò”?

Theo luật pháp quốc tế đương đại, lợi thế sẽ nghiêng về những tuyên bố lãnh thổ và chủ quyền có bằng chứng thể hiện việc quản lý liên tục. Tuyên bố của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa khá lợi thế vì Đội Hoàng Sa và sự cai quản của người Pháp khi An Nam còn là thuộc địa. Tuyên bố của Việt Nam với một số các hòn đảo và các dải đá ngầm xung quanh còn mạnh hơn vì Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm chúng vào năm 1974. Tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa có cơ sở lịch sử thuyết phục và sự quản lý của Việt Nam đã được tạo dựng. 

"Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là không rõ ràng và gây ra các cách hiểu khác nhau. Trung Quốc cố tình gây mập mờ như vậy để có lợi cho mình. Các bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế ủng hộ quan điểm rằng đường 9 đoạn là không thể chứng minh được và không có cơ sở pháp lý. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chỉnh sửa đường 11 đoạn trong bản đồ gốc Trung Quốc 1947/1948. Trung Quốc cũng đã công bố bản đồ thể hiện đường 9 đoạn không đồng nhất. Ngoài ra, tuyên bố rằng bãi cạn James gần Malaysia là vùng đất xa xôi nhất của Trung Quốc cũng vô lý, vì thực tế bãi cạn James ngập sâu dưới mặt nước hơn 20m. Tuyên bố của Trung Quốc dựa trên một sai sót dịch thuật. 

Hồi cuối năm ngoái ông đã dự đoán rằng căng thẳng trên Biển Đông sẽ dịu bớt đi ít nhất là trong 6 tháng. Ông có nghĩ Trung Quốc đã hài lòng với tình hình ở biển Đông?  

Rõ ràng là Trung Quốc đã đánh giá lại chiến thuật của mình năm ngoái ở Biển Đông. Uy tín của Trung Quốc bị tổn hại và chứng kiến một mối quan ngại gia tăng của các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc hiện đang lặng lẽ củng cố sự hiện diện của mình ở Biển Đông thông qua việc cải tạo đất, tăng cường sự hiện diện của các đội tàu đánh bắt và các đội tàu lớn, các tàu cảnh sát biển lớn và diễn tập quân sự nhiều hơn của hải quân. Đồng thời Trung Quốc đang thúc đẩy một chương trình lớn hơn thông qua các dự án của "Con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển".

Trung Quốc cũng phải "trung hòa" ASEAN, đó là, giữ khu vực này không liên kết với Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với Malaysia, Chủ tịch ASEAN năm nay. Malaysia dường như muốn để tranh chấp Biển Đông diễn ra âm thầm. Điều này sẽ phù hợp với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phản ứng lại khi nhận thấy lợi ích của mình bị đe dọa. Cho đến nay, Philippines đã thông qua một phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng trong tranh chấp với Trung Quốc để không gây nguy hiểm cho yêu sách của mình tại tòa Trọng tài Quốc tế. Điều này cũng phù hợp với Trung Quốc. Điều này khiến tôi phải tin rằng "tất cả sẽ được tiến hành âm thầm trên mặt trận ở Biển Đông" năm nay. 

Ông nhận định động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì?  

Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo đất đai. Nước này sẽ tiếp tục kêu gọi ngư dân của mình tiến xa hơn về phía Nam vào vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển khác. Tàu thực thi hàng hải của Trung Quốc sẽ can thiệp để bảo vệ ngư dân. Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận quân sự thường xuyên hơn và rầm rộ hơn. Nói tóm lại, đó sẽ là việc như cơm bữa đối với Trung Quốc. 

Theo ông, liệu Trung Quốc có khả năng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông hay không? Một động thái như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào tới lợi ích của Mỹ cũng như các nước? 

Trung Quốc chưa có các phương tiện để thực thi một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Nước này có thể nhăm nhe làm vậy đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhưng hiện nay và trong tương lai gần, Trung Quốc không thể thực thi một ADIZ sâu xuống phía nam của Biển Đông, dù Bắc Kinh đang có các hoạt động khai hoang đất đai và xây dựng. Nếu ADIZ của Trung Quốc động chạm tới những tuyến bay quốc tế đã được công nhận, Mỹ sẽ cố tình bay qua khu vực này để duy trì luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã không động đến khi máy bay Mỹ đi qua vùng nhận dạng phòng không của nước này ở Hoa Đông. 

Trong năm nay dưới sự điều hành của Malaysia, liệu có cơ hội nào để khối ASEAN và Trung Quốc đạt được thoả thuận COC để đảm bảo hoà bình, ổn định và tự do hàng hải trên biển Đông?

Việc này không mấy khả thi trong năm nay. Trung Quốc khăng khăng rằng cần phải thực thi Tuyên bố bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trước. Mặc dù một vài nhóm đàm phán đã được lập ra sau DOC và Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn ngân sách cho việc này, không một kế hoạch gây dựng lòng tin nào được thông qua. Cho đến nay, ban cố vấn ASEAN-Trung Quốc đã cơ bản đồng ý về cấu trúc và thoả thuận khung COC. Những nội dung chi tiết vẫn còn chờ thảo luận. Thái Lan, với vai trò là nước điều phối quan hệ ngoại giao của ASEAN, đã tăng cường tổ chức các cuộc họp đàm phán nhiều hơn, trong năm ngoái. Đây là một tiến triển tốt. Tuy nhiên, ASEAN muốn một hiệp định COC có tính ràng buộc. Có vẻ như Trung Quốc sẽ không chấp thuận COC dưới dạng một hiệp ước. 

Có phải tiếng nói của khối ASEAN khá mờ nhạt trước những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về "đường 9 đoạn"?

Năm ngoái, trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương-981, các ngoại trưởng ASEAN đã ra một tuyên bố độc lập bày tỏ mối quan ngại của họ. Mặc dù tuyên bố này đã không đề cập đến Trung Quốc, nhưng đó là lần đầu tiên ASEAN đã bày tỏ quan điểm về những căng thẳng phát sinh từ tranh chấp giữa Trung Quốc-Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh. Trong trường hợp này tuyên bố này có tác động tới Trung Quốc vì hai lý do. Nó cho thấy sự đoàn kết ASEAN và bởi vì nó cung cấp một cơ sở cho Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước khác ủng hộ ASEAN. ASEAN là một thực thể thống nhất không phải là một bên trực tiếp trong các tranh chấp trên Biển Đông. ASEAN có những hạn chế của nó. Tổ chức phải hoạt động dựa trên sự đồng thuận. ASEAN đã đóng vai trò tốt là một cộng đồng ngoại giao và chỉ có thể gây ảnh hưởng chính trị đối với Trung Quốc. Đây là một điều kiện cần thiết để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông nhưng nó không phải là đủ. 

Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông leo thang, ASEAN muốn sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc như một công cụ hiệu quả để duy trì hoà bình, ngăn ngừa xung đột. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tìm mọi cách trì hoãn, ngăn cản việc xây dựng COC, khiến đàm phán bị bế tắc. Vậy theo ông, làm thế nào để khai thông bế tắc về đàm phán COC để các nước sớm đi tới ký kết?  

ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý sẽ tiến tiếp dựa trên cơ sở đồng thuận. Quy định này đã được đưa vào Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Điều này khiến ASEAN rất khó khăn trong việc đẩy nhanh những tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) nếu Trung Quốc không sẵn sàng. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã thể hiện thái độ hợp tác để giải quyết mối quan ngại của ASEAN. ASEAN phải duy trì sự thống nhất và Chủ tịch hiện tại của ASEAN phải liên tục ép Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ của các cuộc đàm phán. Các ngoại trưởng ASEAN và các nhà lãnh đạo chính phủ cũng có thể sử dụng các cuộc họp và hội nghị thượng đỉnh thường niên để tạo thêm áp lực. ASEAN cần thiết lập ra một lộ trình và một danh sách những tiến triển đã đạt được. 

Ông đánh giá thế nào về vai trò và sự thể hiện của các học giả Việt Nam tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế và song phương trong chủ đề tranh chấp Biển Đông? Theo ông, các nghiên cứu mà học giả Việt Nam đưa ra có những điểm mạnh và yếu nào?  

Trong 4 năm qua, tôi đã tham dự trung bình 16 hội nghị quốc tế mỗi năm, chủ yếu là về chủ đề Biển Đông. Các đại biểu từ phía Việt Nam chủ yếu là từ Học viện Ngoại giao Việt Nam. Họ là tinh hoa của tinh hoa. Họ được đào tạo bài bản và rất giỏi tiếng Anh. Họ có các nghiên cứu căn bản và toàn diện. Tôi luôn kính trọng họ. Ngoài ra, còn có các học giả Việt đang học tập ở nước ngoài cũng tham gia. Họ rất tâm huyết với những nghiên cứu pháp lý và lịch sử về vùng Biển Đông và họ thực sự là một nhóm rất ấn tượng. Một điểm mạnh đáng kể của các học giả Việt là sự độc đáo của họ khi viết những bài xã luận trên báo chí nước ngoài. Tôi đánh giá cao phản hồi của họ đối với các cây bút của Trung Quốc. 

Nếu tôi phát hiện điểm yếu nào thì đó là Việt Nam cần nhiều học giả thông thạo tiếng Trung Quốc để có thể tìm hiểu các nguồn thông tin bằng tiếng Trung. Việt Nam cũng nên phát hành Sách trắng toàn diện về Biển Đông đưa ra các lập luận pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của Việt Nam với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

An Bình
(Lược trích)