1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính phủ Ấn Độ chấn động vì scandal vũ khí

(Dân trí) - Ngày 27/2, chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng bào chữa về vụ scandal buôn bán vũ khí từ năm 1986. Vụ việc liên quan đến một doanh nhân nổi tiếng người Italia, có quan hệ gần gũi với đảng Quốc Đại cầm quyền hiện nay.

Thủ tướng Manmohan Singh bác bỏ thông tin cho rằng chính phủ của ông đã chậm yêu cầu dẫn độ Ottavio Quattrocchi bị Interpol bắt ngày 6/2 tại Argentina. Vài ngày sau, ông ta được trả tự do nhờ bảo lãnh.

 

Ông Singh khẳng định trước báo giới rằng chính phủ không làm điều sai trái. Từ ngày 26/2, chính phủ của thủ tướng Singh chịu nhiều áp lực từ phe đối lập tại Quốc hội, sau khi báo chí nước này tiết lộ tin các bộ trưởng đã không yêu cầu dẫn độ Quattrocchi và giữ im lặng trước vụ bắt giữ quan trọng tại Argentina cách đây 3 tuần.

 

Doanh nhân người Italia này bị cáo buộc bỏ túi 7,3 triệu USD khi làm môi giới trọng vụ quân đội Ấn Độ mua 400 khẩu pháo 155 li trị giá 1,4 tỉ USD từ tập đoàn Bofors của Thụy Điển. Tuy nhiên, Quattrocchi luôn phủ nhận cáo buộc này. Tin ông ta được thả tự do ở Argentina mới được công bố rộng rãi tại Ấn Độ tối 26/2 vừa qua. Ngày 27/2, Cơ quan điều tra Liên bang (CBI) tuyên bố sẽ không ngăn cản quá trình dẫn độ ông này từ Argentina về New Delhi.

 

Quattrocchi được biết đến như một người có quan hệ mật thiết với đảng Quốc đại hiện đang nắm quyền tại Ấn Độ. Điều đó cũng khá dễ hiểu vì chủ tịch đảng Quốc Đại hiện nay, bà Sonia Gandhi, là người gốc Italia và là vợ góa của thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi bị sát hại tháng 5/1991.

 

Vụ "scandal Bofors" đã gây chấn động chính trường Ấn Độ kể từ năm 1986.

 

Cuộc bầu cử lập pháp của Ấn Độ sẽ diễn ra từ nay đến năm 2009. Phe đối lập do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lãnh đạo hi vọng vụ việc này sẽ góp phần giúp họ trở lại nắm quyền sau khi thất bại bầu cử năm 2004.

 

Ngọc Nhàn

Theo AFP