1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bom lượn giúp Nga giành lợi thế ra sao?

Minh Phượng

(Dân trí) - Cuộc xung đột vẫn ác liệt, nhưng Nga đã giành lại lợi thế trước Ukraine. Tuy nhiên, mấu chốt không phải do Moscow có sự thay đổi về chiến thuật. Vậy điều gì giúp Quân đội Nga khôi phục quyền chủ động?

Bom lượn giúp Nga giành lợi thế ra sao? - 1

Máy bay chiến đấu Su-34 của Nga (Ảnh: Telegram).

Không quân chiến thuật Nga từng khủng hoảng nghiêm trọng

Ngay từ khi xung đột bùng phát vào năm 2022, các chuyên gia đã phân tích lý do tại sao lực lượng không quân chiến thuật Nga lại bị "ám ảnh" bởi việc sử dụng bom phá thông thường (FAB) để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ trên không.

Lý do là Nga có rất ít bom có điều khiển (KAB), những loại KAB của Nga được sản xuất hoàn chỉnh với những cơ cấu dẫn đường phức tạp, do vậy có giá cao và không thể sản xuất với số lượng lớn.

Do không có nhiều KAB, nên những chiếc máy bay hiện đại thế hệ 4+ của Nga như Su-34 hay Su-35, phải sử dụng FAB, bay thấp trên đầu mục tiêu để thả bom hoặc bổ nhào cắt bom, khiến nhiều máy bay hiện đại của Nga dễ bị phòng không đối phương bắn hạ.

Ở giai đoạn sau, để giảm tổn thất, Không quân Nga đã phải giảm số lượng nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất, thậm chí có giai đoạn vào cuối năm 2022, họ còn hầu như không xuất kích.

Việc hỗ trợ hỏa lực từ trên không kém hiệu quả, làm vai trò của không quân chiến thuật Nga ngày càng giảm đi khiến giới quan sát bất ngờ.

Mặc dù họ đã đạt được lợi thế tuyệt đối trong không chiến, nhưng lại rất yếu kém trong hỗ trợ mặt đất và không thể chế áp được hỏa lực phòng không Ukraine.

Điều này cũng khiến các hoạt động chiến đấu trên bộ của Nga chỉ có thể dựa vào pháo binh yểm trợ và kết quả là lợi thế về trang bị không thể phát huy một cách hiệu quả. Thậm chí đây đó có lúc họ còn để đánh mất lợi thế, khi thường xuyên bị đối phương phản công.

Bom lượn giúp Nga giành lợi thế ra sao? - 2

Một máy bay tiêm kích bom đa năng Su-34 Nga bị phòng không Ukraine bắn hạ (Ảnh: Getty Images).

Sự "hồi sinh" 

Bắt đầu từ cuối năm 2023, lực lượng Moscow bắt đầu giành lại lợi thế. Họ không chỉ ngăn chặn hiệu quả cuộc phản công lớn của đối phương phát động vào mùa hè năm 2023, mà còn mở một cuộc tấn công ác liệt vào Avdiivka, nhanh chóng chiếm giữ vị trí quan trọng này và tiến nhanh về phía tây.

Lúc này tình hình trên mặt trận đột ngột thay đổi, lực lượng Kiev rơi vào tình trạng hỗn loạn và khủng hoảng lớn.

"Gió đổi chiều" không phải do binh sĩ Nga đột nhiên trở nên dũng cảm, cũng không phải là sự thay đổi lớn về cách đánh mà là hai năm sau khi xung đột nổ ra, Không quân Nga cuối cùng đã có thể hỗ trợ hiệu quả cho các lực lượng mặt đất.

Vậy nhờ đâu Không quân Nga lại "hồi sinh" kỳ diệu như vậy? Đó chính là dựa vào mô-đun dẫn đường UMPK, thứ đã biến những quả bom thường thành loại có điều khiển, có thể thả từ xa với giá rất rẻ.

Với sự phổ biến của UMPK, máy bay Nga có thể sử dụng một số lượng lớn FAB còn nhiều trong kho, để chi viện cho lực lượng chiến đấu mặt đất đang gặp khó khăn trước những pháo đài phòng thủ của đối phương.

Mặc dù hỏa lực pháo binh của Moscow áp đảo hoàn toàn so với Kiev, nhưng  uy lực hạn chế của những quả đạn pháo không khiến các công sự kiên cố của đối phương bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy, muốn đánh sập chúng, phải dùng bom phá hạng nặng, hoặc bom xuyên.

"Cơn ác mộng" của Ukraine bắt đầu?

Trong bối cảnh này, mô-đun cánh lượn UMPK đã xuất hiện vào đầu năm 2023 và được sử dụng đầu tiên trên FAB-500 M62 nặng 500kg. Những bức ảnh đầu tiên cho thấy mô-đun UMPK công nghệ cực kỳ thô sơ, hoàn toàn không mang tính mỹ thuật công nghiệp, giống như được làm thủ công bởi những người thợ ở một xưởng gia công cơ khí.

Tuy nhiên, thiết kế của mô-đun UMPK có rất nhiều tính sáng tạo. Do cánh bom của Nga không thể tháo rời, nên toàn bộ mô-đun UMPK được gắn ở bên ngoài bằng những đai giữ. Để duy trì sự ổn định khi bay, một cặp cánh đuôi hình chữ V đã được bổ sung thêm trên đuôi hình vòng tròn của quả bom.

Bởi vì công nghệ này còn thô sơ, nên giới truyền thông phương Tây "đeo kính màu" lúc đầu đã cho rằng, đây chỉ là một bộ cánh lượn, giúp cho bom bay xa theo kiểu tàu lượn, chứ không có chức năng dẫn đường như JDAM của Mỹ và được Nga sử dụng cho "tấn công tầm xa bừa bãi quy mô lớn".

Nhưng trên thực tế, mô-đun UMPK không chỉ có chức năng biến FAB thành một tàu lượn, mà còn sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để điều khiển cánh lái, đưa nó đến chính xác mục tiêu. Cũng vì nó dùng tín hiệu vệ tinh GLONASS của Nga, nên các nước phương Tây khó có thể can thiệp, đánh chặn hiệu quả.

Máy bay chiến đấu Su-34 Nga ném bom mục tiêu Ukraine (Nguồn: BQP Nga).

Mô-đun UMPK giúp tầm bay cho FAB 500kg lên tới khoảng 70km và sử dụng cũng rất đơn giản. Máy bay chỉ cần cơ động đến địa điểm được chỉ định ở độ cao 10.000m rồi thả bom. Lúc này các cánh lượn được bung ra, biến toàn bộ quả bom thành một tàu lượn có sải cánh khoảng 3-4m, lướt về phía mục tiêu nhờ tốc độ và lực nâng ban đầu của máy bay.

Lúc này việc điều khiển hướng dựa vào những cánh lái hoa thị phía sau, được điều khiển nhờ bộ vi sai. Theo thông tin của Nga, độ chính xác của bom lượn sử dụng mô-đun UMPK có thể đạt tới 5-10m, cộng với sức công phá lớn hơn nhiều so với đạn pháo, cơn ác mộng của lực lượng Kiev cuối cùng đã bắt đầu.

Tuy nhiên những hạn chế của bộ dẫn đường UMPK này của Nga cũng có thể quan sát rõ, đó là bộ mô-đun được bố trí "ôm" bên ngoài bom thành một khối tách biệt, phá hủy hình dạng khí động học ban đầu của nó và làm tăng đáng kể lực cản, điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu suất bay của máy bay.

Khác với JDAM của Mỹ, mô-đun dẫn đường được lắp ráp sẵn tại nhà máy, còn bom lượn UMPK của Nga được lắp ráp ngay tại sân bay. Công đoạn đầu tiên là bom được lắp lên máy bay, sau đó mô-đun UMPK mới được lắp vào quả bom và do thợ kỹ thuật sân bay đảm nhiệm. Việc này dẫn đến thời gian chuẩn bị kéo dài.

Bom sử dụng mô-đun UMPK lúc đầu không có sự kết nối, trao đổi dữ liệu giữa mô-đun UMPK với máy bay mang bom nên chỉ có thể tấn công mục tiêu theo tọa độ được nạp sẵn vào mô-đun UMPK, trước khi máy bay cất cánh.

Đến cuối năm 2023, bộ UMPK dần hoàn thiện và bắt đầu được sử dụng rộng rãi, lúc này việc nạp tọa độ cho bom có thể thực hiện từ phi công sử dụng vũ khí trên Su-34 và tọa độ mục tiêu có thể thay đổi được trong quá trình máy bay đang thực hiện nhiệm vụ.

Bom lượn giúp Nga giành lợi thế ra sao?

Không quân chiến thuật Nga cuối cùng cũng có thể tiến hành các hoạt động hỗ trợ chiến trường quy mô lớn và cán cân chiến trường nhanh chóng nghiêng về phía Nga.

Trong chiến dịch Avdiivka, vào những ngày đầu tháng 2/2024, có ngày máy bay Nga thả tới 100 quả bom dẫn đường bằng mô-đun UMPK xuống các vị trí của Ukraine, gây thiệt hại nặng nề cho đối phương.

So với chiến thắng của chiến dịch Bakhmut, Quân đội Nga hầu như hoàn toàn sử dụng hỏa lực pháo binh, thì chiến dịch Avdiivka dễ dàng hơn nhiều, với ít thương vong hơn mặc dù thành phố này có công sự kiên cố không kém.

Không chỉ dùng bom 250kg và 500kg, Nga gần đây còn sử dụng loại bom tấn 1.500kg cũng được trang bị mô-đun UMPK, thậm chí các loại bom nhiệt áp, bom chùm của Nga cũng sử dụng loại mô-đun dẫn đường, khiến đối phương chịu nhiều thiệt hại.

Bom lượn giúp Nga giành lợi thế ra sao? - 3

Chiến đấu cơ Su-34 và một số loại bom lượn lắp mô-đun UMPK (Ảnh: Telegram).

Những quả bom tấn thực sự là cơn ác mộng đối với lực lượng mặt đất Ukraine do nó có thể tiêu diệt sinh lực trong vòng bán kính 200m hay phá hủy một tòa nhà bê tông cốt thép vững chắc chỉ bằng một đòn đánh trúng. Nhờ vậy, chiến thuật phòng ngự pháo đài vững chắc mà quân đội Ukraine dựa vào trước đó dần dần mất đi tính hiệu quả.

Việc sử dụng quy mô lớn các mô-đun UMPK cho phép các máy bay chiến đấu của Nga thả bom ở cách xa tiền tuyến. Để bắn hạ những máy bay chiến đấu này, các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Ukraine bắt đầu triển khai dần dần về phía trước nhưng chúng lại lọt vào tầm trinh sát của UAV trinh sát của Nga ở tiền tuyến.

Kết quả là, một số hệ thống tên lửa phòng không tầm xa có giá trị của Kiev đã bị phá hủy trong các loạt tên lửa tầm xa ác liệt, điều này càng làm suy giảm khả năng phòng không của họ và cho phép các máy bay chiến đấu của Nga hoạt động tự do và an toàn hơn.

Tuy nhiên, có lẽ nhu cầu trên chiến trường quá cao dẫn đến nguồn cung không đủ. Các bộ dụng cụ UMPK được nhà máy sản xuất hàng loạt vẫn duy trì quy trình cực kỳ đơn giản và vẫn sử dụng những vật liệu thông dụng nhất, mà không qua bất kỳ biện pháp xử lý chống ăn mòn và đánh bóng nào.

Thiết bị cực kỳ rẻ và đơn giản này đang thay đổi cục diện chiến trường Nga - Ukraine. Điều này cũng khẳng định một sự thật rằng, trên chiến trường không bao giờ có vũ khí tốt nhất, chỉ có vũ khí phù hợp nhất. "Bộ tự chế" đơn giản này, đang trở thành chìa khóa chiến thắng trên chiến trường Ukraine của Quân đội Nga.