Tâm điểm
Trịnh Minh Tuấn

Trường quốc tế, thị trường giáo dục và quyền lợi trẻ em

Những vụ việc đáng buồn xảy ra liên tục trong thời gian qua tại Trường Quốc tế Mỹ - Việt Nam (AISVN), tại các cơ sở giáo dục của Tập đoàn Egroup như Apax Leaders, Trường quốc tế Greenshoots ở Hội An… không chỉ đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các cơ quan hữu quan mà còn bộc lộ những lỗ hổng pháp luật cần phải "vá" kịp thời để đảm bảo quyền, lợi ích của người học và sự phát triển lành mạnh của thị trường giáo dục.

Trước hết cần khẳng định rằng trường tư thục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục và thị trường giáo dục mỗi quốc gia. Nó đảm bảo sự tự do lựa chọn trường của phụ huynh và cả sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình trường học: trường công, trường tư thục, trường dân lập trong một thị trường giáo dục.

Đề cập khái niệm thị trường giáo dục, nghĩa là, ta thừa nhận dịch vụ giáo dục là một loại hàng hóa. Nhưng nó là loại hàng hóa đặc biệt. Nó đặc biệt bởi trường học cung cấp cho người học cơ hội để trở nên có học thức; cơ hội để người học lĩnh hội kiến thức, thái độ và kỹ năng. Nó đặc biệt bởi bên cung cấp dịch vụ giáo dục (trường), bên trả tiền cho dịch vụ (phụ huynh) và bên thụ hưởng dịch vụ giáo dục (học sinh) là ba chủ thể với quyền, lợi ích và trách nhiệm rất khác nhau.

Trường quốc tế, thị trường giáo dục và quyền lợi trẻ em - 1

Khuôn viên trường quốc tế Mỹ - Việt nam (AISVN).

Trong tương quan giữa ba chủ thể này, thì bên cung cấp dịch vụ giáo dục (trường học) có quyền lực lớn hơn bên trả tiền cho dịch vụ (phụ huynh) bởi trường học cung cấp một loại hàng hóa đặc biệt như đã phân tích phía trên; bên trả tiền cho dịch vụ giáo dục không phải là người thụ hưởng nhưng thường là người lựa chọn trường, người trả tiền. Như vậy, trường và phụ huynh đã tham gia một hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba (học sinh).

Người thứ ba là chủ thể đặc biệt trong mối quan hệ này vì người học ở cấp mầm non và phổ thông là trẻ em. Do vậy, không chỉ trường học, phụ huynh mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước mỗi vụ việc phát sinh tranh chấp, đều phải hành động vì lợi ích lớn nhất của trẻ. Nghĩa vụ này được quy định cụ thể trong các bộ luật: Luật giáo dục, Luật trẻ em, Luật đầu tư… và các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Ví dụ, trong vụ việc Trường quốc tế Mỹ - Việt Nam (AISVN), nhà chức trách địa phương có đủ căn cứ để đình chỉ hoạt động giáo dục với nhà trường. Cơ sở pháp lý là điểm d, khoản 2 Điều 49 Luật giáo dục: Trường AISVN không đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo duy trì hoạt động giáo dục. Nhưng tại sao cơ quan quản lý không đình chỉ Trường AISVN, bởi việc đình chỉ chỉ tiến hành khi bên liên quan có biện pháp đảm bảo quyền và lợi ích của người học. Quyền và lợi ích của người học là học đúng chương trình, được cấp văn bằng, chứng chỉ, xác nhận sau khi tốt nghiệp cấp học… Như vậy, theo tôi quyết định của cơ quan quản lý trong vụ việc này (chưa đình chỉ) là đúng đắn.

Tuy nhiên câu hỏi cần đặt ra trong vụ việc này là liệu cơ quan quản lý có thể ngăn ngừa được khủng hoảng này, qua đó đảm bảo quyền, lợi ích của học sinh không? Căn cứ khoản 12 Điều 104 Luật Giáo dục thì cơ quan quản lý có thẩm quyền "thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo… trong giáo dục"; nghĩa vụ này cũng được quy định cụ thể tại điểm a, khoản 5 Điều 105 Luật Giáo dục. Trong khi, chúng ta biết rằng, từ quý 4/2023, không ít phụ huynh đã gửi đơn thư tố cáo Trường AISVN; và Trường AISVN đã nợ tiền bảo hiểm xã hội kéo dài. Không lẽ các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn TPHCM không biết?

Qua các vụ việc đáng buồn xảy ra liên tục, tôi xin nêu một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, để phát triển bền vững thì giáo dục cần sự ổn định về tài chính, vì vậy, cần đưa ra điều kiện cao hơn về tài chính khi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Ví dụ, yêu cầu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài: suất đầu tư/học sinh là 50 triệu đồng; tổng số vốn đầu tư tối thiểu bằng 50 tỷ đồng. Vậy, tư nhân và pháp nhân trong nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục thì có thể đặt ra yêu cầu về mỗi suất đầu tư/học sinh và tổng số vốn bao nhiêu là phù hợp để đảm bảo sự ổn định tương ứng với từng quy mô trường học?

Thứ hai, cơ sở giáo dục phải công khai, minh bạch về cơ sở vật chất và tài chính. Ví dụ, vụ việc tại Trường quốc tế Greenshoots ở Hội An, chủ đầu tư ôm tiền học phí về nước mà phụ huynh không biết. Phụ huynh chỉ biết khi đến trường thì trường đóng cửa vì hết thời hạn thuê. Trường cần công khai cơ sở vật chất là trường đầu tư, là chủ sở hữu hay đi thuê? Và nếu thuê thì thuê bao nhiêu năm? Bao giờ hết thời hạn thuê?

Thứ ba, về việc trường huy động vốn thông qua Hợp đồng vay tiền, hợp đồng đầu tư. Ở góc độ pháp luật dân sự, luật không cấm trường vay tiền hoặc huy động vốn từ phụ huynh. Như trường hợp Trường AISVN làm hợp đồng vay phụ huynh. Trong trường hợp này, phụ huynh đóng hai vai: vai phụ huynh học sinh và vai chủ nợ; nếu là hợp đồng đầu tư thì phụ huynh cũng đóng hai vai: vai phụ huynh và vai nhà đầu tư. Nhưng ta cần lưu ý, quyền lợi và nghĩa vụ của chủ nợ và nhà đầu tư là không giống nhau.

Ngoài ra, như đã phân tích ở phía trên, trong mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh tồn tại sự bất cân xứng về quyền lực; và cả sự bất cân xứng về thông tin. Rõ ràng nhà trường có nhiều thông tin về tình hình tài chính của trường, của công ty sở hữu trường hơn là phụ huynh. Vì vậy, khi tham gia giao kết hợp đồng với trường, phụ huynh có thể có nhiều rủi ro hơn.

Để giải đáp bất cập thứ ba, trong cuốn sách "Triết lý và chính sách giáo dục", hai giáo sư Christopher Winch và John Gingel đã đưa ra nhóm giải pháp: ngoài sự công khai, minh bạch thì nhà trường có nghĩa vụ giải trình. Ví dụ, trong vụ việc Trường AISVN, Trường phải giải trình vay hoặc huy động vốn của phụ huynh để làm gì?

Cuối cùng, giáo dục là một thị trường đặc biệt, bởi sản phẩm của thị trường này là người học có cơ hội để trở nên có học thức thông qua việc thu nhận kiến thức, thái độ và kỹ năng. Những giá trị thu nhận được từ trường học sẽ góp phần hình thành lực lượng lao động trong tương lai. Và lực lượng lao động này sẽ đóng góp vào sự phát triển nhanh hay chậm, bền vững hoặc thiếu bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Do tầm quan trọng như vậy, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính và kiểm soát phù hợp. Ví dụ, dù là trường tư thục nhưng nhà nước vẫn có thể là một cổ đông trong ngôi trường đó. Cơ chế này khá phổ biến trên thế giới. Hoặc việc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đề xuất UBND TP HCM hỗ trợ tài chính cho Trường AISVN nhằm duy trì hoạt động giáo dục trong một khoảng thời gian để đảm bảo quyền và lợi ích học sinh là giải pháp phù hợp trong tình cảnh hiện tại.

Trong bất kỳ quốc gia nào, vai trò quan trọng của trường tư là không thể phủ nhận. Đặc biệt là ở Việt Nam, khi nhà nước còn thiếu nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và tỉ lệ trường tư so với trường công còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, qua những vụ việc đáng tiếc kể trên, các cơ quan quản lý giáo dục cần làm đúng, đủ và kịp thời trách nhiệm được trao; đồng thời, ở khía cạnh lập pháp, nhà nước cần bổ sung và kịp thời vá những lỗ hổng pháp lý để thúc đẩy giáo dục tư phát triển lành mạnh bởi, chỉ khi giáo dục tư nhân phát triển thì mới thúc đẩy sự tự do, bình đẳng và cạnh tranh trong giáo dục.

Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!