Tâm điểm
Trịnh Minh Tuấn

Nhà trường có quyền "từ chối công tác giáo dục" với học sinh?

Trong diễn biến mới nhất sự việc một học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn - bị yêu cầu nghỉ học do "lỗi" nhắn tin "xúc phạm" nhà trường của bố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có chỉ đạo khẩn, yêu cầu nhà trường cho học sinh đi học trở lại.

Câu hỏi đặt ra từ sự việc này là một nhà trường nào đó có quyền "từ chối công tác giáo dục" đối với học sinh hay không, hay nói nôm na là không tiếp nhận học sinh đó nữa, trong khi vấn đề không phải do bản thân học sinh vi phạm kỷ luật mà phát sinh từ phụ huynh.

Gần 10 năm trước, khi thảo luận sửa đổi Luật trẻ em 2016, một trong số những nội dung được các đại biểu quan tâm nhất là câu hỏi: Làm thế nào để "bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em". Sau đó, nội dung này được luật hóa cụ thể tại khoản 3, Điều 5 Luật Trẻ em hiện hành.

"Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em" là nguyên tắc nền tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt Luật Trẻ em 2016. Các cụm từ "vì lợi ích tốt nhất của trẻ em", "lợi ích chính đáng của trẻ em" được lặp lại liên tục trong cả bộ luật với 104 điều và dài 42 trang.

Nguyên tắc này được Luật giáo dục 2019 kế thừa. Nó được cụ thể hóa thành trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ sở giáo dục, của thầy cô là "bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của học sinh" (Điều 69, Luật giáo dục 2019).

Vậy, việc nhà trường "từ chối công tác giáo dục đối với học sinh" như trong thông báo số 296 ngày 25/9/2023 của Trường THPT Lạc Long Quân có đảm bảo nguyên tắc cốt yếu: "Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em" được minh thị trong Luật trẻ em và Luật giáo dục hay không?

Chưa kể, lý do để ra thông báo này là bởi "không nhận được sự hợp tác" của phụ huynh. Sự "không hợp tác" này liên quan đến phản ánh của phụ huynh về các khoản thu - chi đầu năm của nhà trường.

Nhà trường có quyền từ chối công tác giáo dục với học sinh? - 1

Một hoạt động ngoại khóa tại Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: THPT Lạc Long Quân).

Từ phía người sử dụng "dịch vụ giáo dục", phụ huynh có quyền được biết về các khoản thu - chi. Về phía nhà trường, người đứng đầu cơ sở giáo dục (hiệu trưởng) có trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 11 Thông tư 32/2020 Điều lệ Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 15/9/2020. Nghĩa là, đòi hỏi công khai, minh bạch thu - chi của phụ huynh là chính đáng, hợp pháp. Còn trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng là bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Từ đòi hỏi chính đáng của phụ huynh mà nhà trường chưa giải đáp thỏa đáng cho đến việc nhà trường đơn phương "từ chối công tác giáo dục đối với học sinh" vừa là một hành vi thiếu nhân văn, phản giáo dục vừa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi, theo Thông tư 32/2020, nhà trường chỉ có thể "tạm dừng học ở trường có thời hạn" (điểm c, khoản 2 Điều 38) nếu học sinh vi phạm các hành vi bị cấm quy định tại Điều 37, Thông tư 32.

Hơn nữa, trong thông báo số 296 của Trường THPT Lạc Long Quân, không chỉ ra học sinh bị "từ chối công tác giáo dục" do vi phạm quy định tại Điều 37 Thông tư 32.

Và lưu ý rằng, "tạm dừng học ở trường có thời hạn" là biện pháp kỷ luật chứ không phải "từ chối công tác giáo dục đối với học sinh" theo nghĩa đuổi học hoặc chấm dứt giao dịch dân sự. Vậy nhà trường chỉ có "quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày nếu học sinh có lý do chính đáng" (mục d, khoản 2, Điều 29 Thông tư 32). Do đó, nhìn từ góc độ luật chuyên ngành (Luật giáo dục 2019, Thông tư 32), Trường THPT Lạc Long Quân không có cơ sở pháp lý để "từ chối công tác giáo dục đối với học sinh".

Tuy nhiên, "dịch vụ giáo dục" giữa nhà trường - phụ huynh và học sinh còn được điều chỉnh từ góc độ luật hợp đồng.

Khoản 4 Điều 402 Bộ Luật Dân sự 2015 coi giao dịch giữa phụ huynh và nhà trường là dạng hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Trong hợp đồng này, các bên giao kết hợp đồng (nhà trường, phụ huynh) đều phải thực hiện nghĩa vụ; và người thứ ba (học sinh) được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.

Vậy, câu hỏi đặt ra, nhà trường đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình chưa khi đơn phương "từ chối công tác giáo dục đối với học sinh"?

Điều 415 Bộ Luật Dân sự 2015 minh thị: "Khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba (học sinh) có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình". Quyền của học sinh là gì? Là quyền được học; quyền được tôn trọng và bảo vệ; quyền được khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình (Điều 35, Thông tư 32).

Để bảo vệ quyền của người thứ ba, Điều 417 quy định rõ ràng: "Không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba". Vì vậy, có thể cho rằng, hành vi đơn phương "từ chối công tác giáo dục đối với học sinh" của Trường THPT Lạc Long Quân là không có căn cứ, nếu hành vi đó gây thiệt hại cho phụ huynh, học sinh thì nhà trường phải bồi thường.

Hợp đồng dịch vụ giáo dục giữa nhà trường - phụ huynh và học sinh, về lý thuyết, là dựa trên sự bình đẳng, tự nguyện, tự do ý chí của các bên.

Nhưng, dịch vụ giáo dục là một lĩnh vực mà phụ huynh và học sinh là bên yếu thế. Hay nói cách khác, cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía nhà trường, bởi, khi phụ huynh - học sinh nộp hồ sơ vào học thì đó là sự cam kết dài hạn với ngôi trường; và không một phụ huynh nào muốn con mình thay đổi trường học giữa chừng vì sự thay đổi đó sẽ làm gián đoạn quá trình giáo dục.

Vì cán cân quyền lực nghiêng về phía nhà trường, cho nên, khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp hoặc xung đột giữa nhà trường và phụ huynh, một số nhà trường lấy học sinh làm "con tin". Và như vậy, nhà trường - một cơ sở giáo dục - đã không hành động dựa trên nguyên tắc "bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em".

Do đó, cần một cơ chế đảm bảo cân bằng quyền lực giữa một bên là nhà trường và một bên là phụ huynh - học sinh; một cơ chế bắt buộc nhà trường luôn và phải hành động dựa trên nguyên tắc "vì lợi ích tốt nhất của trẻ em". Cơ chế cân bằng quyền lực đó, trước hết, cần dựa trên sự độc lập của Ban đại diện cha mẹ học sinh; sự công khai, minh bạch của nhà trường; sự giám sát của báo chí, của các cơ quan lập pháp và tư pháp.

Mối quan hệ giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh không đơn giản, khô khan như quy định trong các điều luật. Và "dịch vụ giáo dục" giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh cũng không thể nhìn thuần túy dưới lăng kính thương mại, hàng hóa hay dịch vụ thuần túy mua bán.

Bởi giáo dục chính là "sự chuẩn bị cho cuộc sống" thông qua việc nhà trường "cung cấp các cơ hội giáo dục". Nghĩa là, trường học cung cấp các "cơ hội để người học sinh có thể trở nên có học thức". Và một xã hội chỉ có thể thu được những lợi ích của giáo dục nếu có một số lượng tới hạn những người có học thức, có giáo dục thông qua dịch vụ cung cấp các cơ hội giáo dục của nhà trường.

Vậy, trong những ngày qua, một số nhà trường, một số thầy cô đã thực sự "cung cấp các cơ hội giáo dục" cho học sinh, cho xã hội dựa trên nguyên tắc: "bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em" hay chưa?

Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!