Tâm điểm
Đỗ Cao Bảo

Ghế Đồng Kỵ trong nhà hát: Không phải chuyện đẹp hay xấu!

"Ghế ngồi ở nhà hát Quan họ Bắc Ninh thì kiểu ghế, bàn trà phải dùng sản phẩm ghế Đồng Kỵ, một làng nghề đồ gỗ nổi tiếng của chính quê hương Quan họ Bắc Ninh chứ".

Đấy là lý lẽ của những người thiết kế, thi công, chủ đầu tư nhà hát Quan họ Bắc Ninh trước những tranh cãi về hàng ghế gỗ trong nhà hát này.

Chuyện đẹp, xấu hay có hợp với không gian nhà hát Quan họ hay không là vấn đề thuộc thẩm mỹ của cá nhân, rất khó và không nên tranh luận. Chuyện đáng quan tâm là dòng gỗ làm ra các bộ ghế, bàn trà và nội thất khác trong nhà hát Quan họ.

Theo đại diện chủ đầu tư Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, toàn bộ ghế trong nhà hát được đóng bằng gỗ gõ đỏ (nhập từ Nam Phi). Tôi vào thử mấy trang web bán bàn ghế, trường kỷ của Đồng Kỵ thì thấy hầu hết sản phẩm được làm từ gỗ gõ đỏ, hương đá, hương vân, gụ, trắc, mun, cẩm lai. Đây là dòng gỗ nhóm 1, nhóm 2, gỗ rừng già, bị cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán theo luật pháp Việt Nam.

Tất nhiên, gỗ gõ đỏ nhập từ Nam Phi có thể hợp pháp, nhưng cần lưu ý rằng với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đó là gỗ cấm khai thác, bởi nó thuộc dòng gỗ rừng tự nhiên, quý hiếm.

Để làm rõ hơn chỗ này, tôi xin giải thích là thế giới có quy định khai thác gỗ bền vững. Một nước nào đó có thể không tuân thủ nguyên tắc này và cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên, đơn cử như gỗ gõ đỏ, và Việt Nam cũng cho nhập gỗ ấy về dù cấm khai thác trong nước. Nhưng gỗ ấy thì chắc chắn không thể làm đồ xuất khẩu sang Mỹ và EU được.

Vì vậy, ứng xử sao với gỗ rừng tự nhiên và nhìn nhận xu hướng tiêu dùng là điều đáng bàn. 

Ghế Đồng Kỵ trong nhà hát: Không phải chuyện đẹp hay xấu! - 1

Hàng ghế gỗ trong Nhà hát Quan họ Bắc Ninh gây tranh cãi trên mạng xã hội (Ảnh: C.TV).

Vừa rồi khi làm ngôi nhà mới của mình, tôi đã đặt đầu bài cho kiến trúc sư và nhà thầu thi công nội thất như sau: cửa làm bằng nhôm kính cách âm, cách nhiệt; cửa ra vào các phòng, cầu thang, sàn gỗ, tủ, consol, đôn, giường, bàn ghế, sofa nhất định không dùng gỗ cấm (lim, gõ đỏ, hương, gụ, mun, trắc…), chỉ dùng gỗ công nghiệp, gỗ sồi, óc chó - walnut, gỗ tần bì - những loại gỗ được phép khai thác, vận chuyển, buôn bán, xuất nhập khẩu và sử dụng cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi, rất tiếc rằng hiện tại số người Việt Nam vẫn đang sử dụng gỗ lim, gõ đỏ, mun, trắc, gụ làm cột nhà, làm nội thất còn khá đông, rất nhiều người còn sung sướng, mãn nguyện, thích thú với ngôi nhà nội thất toàn gỗ gõ đỏ, với những bộ bàn ghế chạm khắc được làm bằng gỗ mun, gỗ gụ, trị giá hàng chục tỷ đồng. Chưa hết những ngôi nhà, những bộ bàn ghế gỗ ấy còn được ca ngợi trên truyền thông, trên các đoạn video "nhà đẹp" nữa chứ.

Nếu nhìn vào các số liệu (báo cáo thường niên của Bộ Công Thương; kết quả khảo sát của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và hiệp hội gỗ tại các làng nghề), chúng ta sẽ thấy rằng nghề làm đồ gỗ bằng gỗ quý chạm khắc tinh vi của Đồng Kỵ và các làng nghề khác của Việt Nam đang dần hết thời, mà nguyên nhân không phải do đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng kinh tế, bởi việc lao dốc đã bắt đầu từ cách đây 5-6 năm (2017-2018).

Đây là số liệu minh chứng:

Mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 6,89 tỷ USD năm 2016 lên 16,01 tỷ năm 2022 (tăng 130%), trong khi đó sản phẩm gỗ của Đồng Kỵ bán ra lại giảm 80-90%, số lao động làm nghề giảm cả nghìn người.

Điều ấy nói lên rằng: nghề gỗ, đồ nội thất, ngoại thất bằng gỗ ở Việt Nam đã chuyển mạnh sang hướng làm đồ nội ngoại thất từ gỗ công nghiệp, gỗ thịt thuộc nhóm gỗ trồng, gỗ khai thác bền vững được khách hàng quốc tế ủng hộ.

Khách hàng lớn nhất của đồ gỗ Đồng Kỵ (và các làng nghề Vân Hà, Vạn Điểm, La Xuyên, Chàng Sơn) trước đây là Trung Quốc, nhưng giờ đây Trung Quốc không mua nhiều như trước nữa, các nước Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc từ trước đến nay không mua. Như vậy đồ gỗ từ gỗ quý chạm khắc chỉ còn trông chờ vào thị trường nội địa thôi, nhưng nhu cầu cũng đang giảm dần theo thời gian.

Vậy Trung Quốc và các nước phát triển họ dùng đồ nội thất gì? Hãy quan sát Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất thế giới: Năm 2021, thị trường đồ nội thất (furniture) Trung Quốc là 200 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 77 tỷ USD, tiêu dùng nội địa 125 tỷ USD. Một thị trường khổng lồ như thế lại rất gần gũi về văn hóa, thế mà người ta không mua đồ gỗ làm từ gỗ quý, chạm khắc tinh vi, bền hàng trăm năm như chúng ta nghĩ. Chúng ta hãy đặt câu hỏi tại sao?

Năm 2019, tôi đi Phật Sơn - thủ phủ đồ nội thất của Trung Quốc và thế giới, cả Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Trung Đông đều đến đấy mua đồ nội thất. Xu thế là không ai còn dùng đồ nội thất thuần gỗ quý nữa, họ dùng khung gỗ hoặc kim loại, đệm lò xo và mút, bọc vải và da, mặt bàn bằng gỗ hoặc bằng đá, trong đó khung bàn ghế đều từ gỗ trồng, khai thác bền vững.

Một quy luật không thể đảo ngược là khi xã hội giàu lên, văn minh lên, người ta không dùng bàn ghế thuần gỗ quý chạm khắc nữa, nguyên do có cả xu thế tiêu dùng của xã hội văn minh, có cả gu thẩm mỹ thay đổi, có cả sự tiện nghi và tiện dụng trong quá trình sử dụng (bộ sofa bọc da, bọc vải, đệm lò xò hay mút có thể nằm xem tivi khi nhà không có khách, hay có thể kê cái giá để máy tính ngồi làm việc với lớp trẻ là một tiện nghi).

Các nước kinh tế phát triển đã theo xu hướng này từ lâu, Trung Quốc đã chuyển từ những năm 2016-2017, Việt Nam chúng ta cũng thế không thể khác.

Chính người dân Đồng Kỵ đã nhận ra rằng "khách hàng đã buộc làng nghề gỗ phải thay đổi, phải chuyển hướng sản xuất từ gỗ tự nhiên sang sản xuất bằng gỗ rừng trồng, cùng với đó là phải thay đổi về mẫu mã sản phẩm nhằm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại" (ông chủ tịch hội làng nghề Đồng Kỵ phát biểu trên báo chí).

Người dân Đồng Kỵ đã nhận ra, họ đang thay đổi, thế thì chúng ta có nên tư duy rằng "gỗ gõ đỏ, gỗ hương, gỗ gụ, gỗ lim" của Đồng Kỵ là nhập khẩu hợp pháp, đấy là làng nghề truyền thống cần giới thiệu cho du khách quốc tế?

Tóm lại, nếu muốn giúp người dân Đồng Kỵ thì chúng ta nên giúp họ thay đổi khi mà xu hướng tiêu dùng của cả thế giới đã đổi thay, chứ không nên ủng hộ một hướng đi không có tương lai, đang chết dần dần.

Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!