Tâm điểm
Phạm Sỹ Thành

Điểm nhấn trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12 và 13/12 đã thành công tốt đẹp.

Đây là lần thăm Việt Nam chính thức đầu tiên sau 6 năm của ông Tập Cận Bình, nhưng số lượng văn bản ký kết giữa hai nước với 36 văn bản thỏa thuận đã đạt mức kỷ lục. Điều này vừa là kết quả của quá trình xúc tiến, chuẩn bị trước chuyến thăm vừa phản ánh kết quả tích lũy của việc thúc đẩy quan hệ cấp cao Việt - Trung trong suốt thời gian qua.

Là năm kỷ niệm tròn 15 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình đã đạt được nhiều kết quả về mặt ngoại giao, chính trị, quốc phòng, an ninh…, đồng thời lĩnh vực hợp tác kinh tế tiếp tục khẳng định lại và làm sâu sắc hơn những nội dung đã đạt được trong "Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" năm 2022.

Những kết quả về mặt chính trị, ngoại giao

Thứ nhất, những kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm lần này đã được thể hiện rõ nét trong thông tin về các cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao và tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, hai bên đã nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại".

Đây là năm thứ 10 kể từ khi ông Tập Cận Bình đề xuất khái niệm "cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại". Sự khẳng định phía Việt Nam ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại và Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu, Sáng kiến Văn minh toàn cầu, đã mở ra những tiềm năng hợp tác mới đối với Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Điểm nhấn trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Mạnh Quân).

Thứ hai, chuyến thăm tiếp tục củng cố và thúc đẩy chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Sau khi dỡ bỏ chính sách zero-Covid, đây mới là chuyến thăm cấp nhà nước thứ bảy trong số các chuyến công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình. Bốn trong bảy chuyến thăm cấp nhà nước là đến các nước láng giềng, trong đó ba chuyến thăm đến Trung Á và Nga, chỉ có chuyến thăm Việt Nam là chuyến thăm cấp nhà nước đến nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Riêng trong năm 2023, ông Tập Cận Bình cũng chỉ có bốn lần công du nước ngoài (tới Nga, Nam Phi và Hoa Kỳ) trong đó chuyến đi đến Nam Phi và Hoa Kỳ để tham dự các sự kiện đa phương (BRICS và APEC 2023).

Những con số này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong nhận định của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân ngay trước chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình đã viết "Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng". Đây là lần đầu tiên cụm từ "phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao" được nhắc đến trong chính sách của Trung Quốc với Việt Nam. Ở phía ngược lại, Việt Nam cũng "coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược".

Thứ ba, quan sát cách tiếp cận của Trung Quốc với Việt Nam, có thể nhận thấy một điểm đặc biệt là mối quan hệ này được định hình và định hướng trước hết bởi mối quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản. Điều này giúp tăng cường thêm các kênh đối thoại và - như nhận xét của các nhà nghiên cứu nước ngoài - tạo nên "ngôn ngữ riêng" cho quan hệ Việt - Trung. Đây là điều mà các quốc gia khác khi tiến hành các hoạt động ngoại giao cấp cao với hai quốc gia này khó có thể có được hoặc cảm nhận được đầy đủ.

Không chỉ có vậy, trong bài viết trên báo Nhân Dân, ông Tập Cận Bình đã nhắc đến việc mỗi lần thăm Việt Nam ông đều cảm thấy "giống như đến thăm họ hàng, láng giềng". Cách diễn đạt này có tác dụng trong việc đưa mối quan hệ hai nước vượt qua những trở ngại về khác biệt, bởi nó đã viện dẫn đến "bản chất tự nhiên" của mối quan hệ.

Thứ tư, tiệc trà và dấu ấn cá nhân trong các hoạt động ngoại giao chính thức. Một trong những hoạt động tạo ra nhiều chú ý trong các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước là tiệc trà.

Hoạt động này đã bổ sung thêm hình thức ngoại giao cá nhân vào cùng ngoại giao chính đảng và ngoại giao nhà nước. Sự xuất hiện thường xuyên của các hoạt động ngoại giao cá nhân góp phần khiến ngoại giao chính đảng và ngoại giao nhà nước đi vào nhiều hoạt động mang tính thực chất hơn, nó cũng mở ra một kênh liên lạc quan trọng để xử lý các bất đồng "với các giải pháp hai bên đều chấp nhận được".

Thứ năm, điểm nhấn về "bốn kiên trì". Trước chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình đã lần đầu tiên nhắc đến bốn lĩnh vực mà hai bên cần kiên trì thực hiện.

Trên thực tế, những nội dung này đã được đề cập trong "Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc năm 2022. Nhưng đây mới là lần đầu tiên các nội dung này được nhắc đến cũng trong bài viết trên báo Nhân Dân của ông Tập Cận Bình.  "Bốn kiên trì" bao gồm: (i) kiên trì tin cậy lẫn nhau; (ii) kiên trì hài hòa lợi ích; (iii) kiên trì hữu nghị, thân thiết; (iv) kiên trì đối xử chân thành.

Như vậy, ưu tiên hàng đầu trong bốn trụ cột trên cũng như trong định hướng đối ngoại giữa hai nước tiếp tục là tăng cường niềm tin chính trị để đưa các thỏa thuận và hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, tăng tính khả thi, đi vào thực chất.

Những kết quả về mặt kinh tế

Trong 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, số lượng các văn bản hợp tác thực chất chiếm số lượng lớn nhất. Đây đều là những khung khổ triển khai lớn thay vì những dự án cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là hai Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác đường sắt biên giới và hai Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 về thương mại, kinh tế.

Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu. Tăng cường thuận lợi hóa hải quan và tăng lượng xuất nhập khẩu chính ngạch có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và thu hẹp khoảng cách nhập siêu.

Trong những điểm sáng của thương mại Việt - Trung, xuất khẩu nông sản đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dân và doanh nghiệp nội địa.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu nông sản Việt sang đây tăng gần gấp đôi 10 năm qua, từ 3,8 tỷ USD năm 2013 lên 6,8 tỷ USD vào năm 2022. Hiện nay, có 14 loại nông sản, trong đó, 9 mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch (thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng) và hơn 2.940 mã sản phẩm làm thực phẩm chế biến cũng được Tổng cục Hải quan phê duyệt để xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Trong bốn tỉnh có chung đường biên giới với Quảng Tây (Trung Quốc), Lạng Sơn có vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại. Số liệu thống kê Quảng Tây cho thấy quy mô thương mại hai chiều đã tăng từ khoảng 7,6 tỷ USD năm 2011 lên tới 31,1 tỷ USD vào năm 2021 (tăng 4 lần). Với quy mô như vậy, tỷ trọng thương mại hai chiều với Việt Nam chiếm 36,1% tổng thương mại của Khu tự trị Quảng Tây vào năm 2021 sau khi đã tăng đột biến lên 50% vào năm 2016.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư, quy mô thương mại qua Quảng Tây qua các cửa khẩu của Lạng Sơn chiếm khoảng 55% tổng quy mô thương mại bốn tỉnh biên giới. Tính chung, cả bốn tỉnh biên giới phía Bắc đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước. Như vậy, Lạng Sơn - Quảng Tây chiếm khoảng 10,8% tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung.

Đặt trong bối cảnh với các nước ASEAN, vị thế quan trọng của Việt Nam so với Quảng Tây tiếp tục được thể hiện rõ hơn nữa khi Việt Nam chiếm từ 85 - 90% xuất khẩu của Quảng Tây sang ASEAN và gần một nửa nhập khẩu của Quảng Tây từ ASEAN. Với tầm quan trọng như vậy, việc đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng cứng (như đường cao tốc) và cơ sở hạ tầng mềm (như cửa khẩu thông minh), tăng cường kết nối và giảm chi phí logistics sẽ đưa quan hệ thương mại giữa hai nước lên một quy mô mới.

Tác giả: Ông Phạm Sỹ Thành nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại Học viện Kinh tế, Đại học Nam Khai (Thiên Tân - Trung Quốc) và từng là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!