Tâm điểm
Bích Diệp

Chuyện hồi hương ấn vàng và ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", hãng Millon đã thông báo chính thức hủy bỏ phiên đấu giá cổ vật này và cho hay "Nhà nước Việt Nam và những người đã đạt được một thỏa thuận chuyển giao kim ấn, qua đó sẽ giúp ấn vàng của Hoàng đế Minh Mạng an toàn hồi hương".

Trước đó, Cục Di sản Văn hóa cũng cho biết kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp về việc hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã thành công tốt đẹp, đảm bảo đúng các bước trong lộ trình thực hiện phương án hồi hương cổ vật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với hãng đấu giá Millon thực hiện lộ trình thủ tục hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Đây là tin vui không chỉ riêng với ngành Văn hóa mà còn đáp ứng sự mong mỏi, trông đợi của những người yêu chuộng cổ vật, yêu chuộng lịch sử và những giá trị tinh thần Việt. Được công bố ngay trước thềm kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), thông tin này lại càng thêm ý nghĩa.

Chuyện hồi hương ấn vàng và ngày Di sản Văn hóa Việt Nam - 1

Hình ảnh ấn vàng triều Nguyễn được giới thiệu trên trang web chính thức của nhà đấu giá Millon (Ảnh: Millon).

Bởi như phân tích của nhà sử học Dương Trung Quốc, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" không chỉ có giá trị về mặt hiện kim và một cổ vật đơn thuần, mà quan trọng hơn chiếc ấn còn là biểu trưng cho một nhà nước, một thể chế, một triều đại trong quá khứ của Việt Nam; là bằng chứng cho thời điểm lịch sử ngày 30/8/1945, Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giao quyền lực cho một chính thể mới.

Hồi hương được ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, mà còn khẳng định sự đúng đắn của quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân… Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Quan điểm về việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam đã được xác lập ngay từ những ngày đầu của Chính quyền cách mạng. 77 năm về trước, vào ngày 23/11/ 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL "Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện" - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn Di sản Văn hóa dân tộc.

Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích "là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam"; Đông Phương Bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước luôn được quan tâm từ chủ trương cho đến triển khai trong thực tế. Có thể nói nỗ lực hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là một kết quả trong quá trình thực hiện chủ trương đó.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, cần nhìn thẳng vào sự thật rằng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa còn nhiều tồn tại, hạn chế và bất cập. Đơn cử, ở nhiều nơi khi điều kiện kinh tế tốt hơn, địa phương quan tâm dành ngân sách cho việc trùng tu, tôn tạo di tích thì có những di tích đã bị trùng tu quá đà, làm biến đổi tới mức diện mạo mới gần như không còn giữ được những giá trị đặc sắc truyền thống của mình.

Ngay cả việc ứng xử với những bảo vật quốc gia cũng có trường hợp cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Chúng ta từng tham gia đấu giá và hồi hương thành công bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí. Kiệt tác này được UBND TPHCM mua lại với giá 100.000 USD trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và đến năm 2012, tác phẩm chính thức được công nhận là "bảo vật quốc gia".

Thế nhưng, đáng buồn thay, trong quá trình trưng bày sau đó, việc vệ sinh không đúng cách đã khiến bức tranh hư hại nặng nề tới độ gần như không thể khắc phục. Đây trở thành một sự kiện rúng động giới chuyên môn 3 năm về trước, khiến tất thảy những ai yêu quý, trân trọng nghệ thuật đều không khỏi xót xa, đau lòng.

Do hoàn cảnh lịch sử và một số lý do khác, nhiều cổ vật giá trị của người Việt đã bị lưu lạc ở nước ngoài. Để có thể hồi hương những bảo vật của đất nước là điều không hề dễ dàng, các tổ chức và cá nhân phải hao tâm khổ tứ và bằng nhiều "kênh" tác động khác nhau, vậy nhưng quá trình giữ gìn và phát huy giá trị cổ vật sao cho xứng với tầm vóc "quốc bảo" cũng là vấn đề cần quan tâm đúng mức. Sự cố đầy hổ thẹn với bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" là bài học đắt giá.

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam sắp tới và nỗ lực hồi hương thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" mong rằng sẽ có tác động tích cực vào nhận thức chung cũng như các nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của người Việt, để chúng ta luôn có thể tự hào về nền văn hiến nước nhà.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!