Ngân hàng trong “cuộc đua” ngân hàng điện tử

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và mang lại những tiện ích tối đa cho khách hàng, trong vài năm trở lại đây, các dịch vụ ngân hàng điện tử (bao gồm Internet Banking và Mobile Banking) đã được các ngân hàng bỏ nhiều nguồn lực cũng như tâm huyết để đầu tư.

Tuần qua, một giải thưởng nhằm tôn vinh những ngân hàng có dịch vụ ngân hàng điện tử được yêu thích nhất do báo VnExpress dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước và Cố vấn chuyên môn của Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink đã được trao cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). 

Với hơn 2 triệu lượt bạn đọc tham gia bình chọn, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một giải thưởng uy tín, tôn vinh các ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Qua đó cũng có thể thấy một hướng “cạnh tranh” mới trong cuộc đua vốn đã vô cùng khắc nghiệt giữa các ngân hàng.

Ngân hàng trong “cuộc đua” ngân hàng điện tử
Ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ trao giải thưởng Ngân hàng điện tử được yêu thích nhất Việt Nam – My Ebank 2014 cho ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT Sacombank.


Cuộc đua mới của các “nhà băng”

Chỉ trong vài năm trở lại đây, người tiêu dùng đã khá quen với thanh toán điện tử, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nơi mà mạng lưới chấp nhận thanh toán điện tử đã trở lên phổ biến. Kết quả một cuộc thăm dò cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều tin rằng, trong tương lai không xa mọi khách hàng của mình sẽ sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và ngân hàng điện tử thậm chí có thể thay thế cả một phòng giao dịch!

Cuộc cạnh tranh về dịch vụ ngân hàng điện tử cũng ngày một nóng dần khi nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao các dịch vụ tài chính – ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Theo đó, đòi hỏi các ngân hàng phải có đầu tư, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử đa năng.

Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, nhiều ngân hàng hiện nay đã đầu tư xây dựng được nền tảng và chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt để sẵn sàng đem đến dịch vụ ngân hàng điện tử tốt nhất cho khách hàng. Vị này cho biết, điểm qua một lượt các ngân hàng “đình đám” có thể thấy, các ngân hàng đã bắt kịp xu hướng này và có sự đầu tư kỹ lưỡng từ rất sớm. 

Có ngân hàng còn liên tiếp có sự cải tiến nền tảng công nghệ để tăng thêm tiện ích của dịch vụ. Đơn cử có thể kể tới như, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), năm 2005 dịch vụ ngân hàng điện tử chính thức được cung cấp đến khách hàng. Sau chưa đầy 8 năm, gần đây nhất là 2013, Sacombank lại tiếp tục đầu tư hơn 100 tỷ đồng để đưa ra phiên bản ngân hàng điện tử mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, cung cấp đa kênh giao dịch đến khách hàng. 

Phát biểu tại một sự kiện mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhìn nhận, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã dùng nguồn lực lớn để đầu tư hệ thống ngân hàng điện tử, nhằm bắt kịp nhu cầu người dùng, tiết kiệm chi phí. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng điện tử góp phần phát triển kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển nền kinh tế.

Đâu là lợi thế và lợi ích?

Với đặc điểm là dân số trẻ và cởi mở với công nghệ, Việt Nam là nước có tỷ lệ sử dụng Internet và điện thoại di động thuộc hàng cao trong khu vực. Từ năm 2010 đến nay Việt Nam luôn nằm trong Top 20 quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất của thế giới. Tỷ lệ người sử dụng mạng máy tính và điện thoại thông minh lần lượt là 39% và 20%. Đây là điểm thuận lợi cho các ngân hàng dễ dàng triển khai các dịch vụ ngân hang điện tử.

Bên cạnh đó, xu hướng không dùng tiền mặt cũng ngày càng phổ biến. Số liệu nghiên cứu cho thấy, có tới 60% khách hàng sử dụng smartphone để mua hàng và thanh toán. Điều này cho thấy xu hướng không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến. Ở Việt Nam, hiện có hơn 70% các đơn vị chi lương qua thẻ. Đây là một lợi thế để các ngân hàng đẩy mạnh thanh toán điện tử. 

Thanh toán không dùng tiền mặt được sự ủng hộ và hỗ trợ lớn từ Chính phủ. Với thực tế ngân hàng điện tử là xu hướng chung toàn cầu, lãnh đạo NHNN từng nhiều lần khẳng định sẽ luôn tạo điều kiện cho các ngân hàng, trung gian thanh toán phát triển, nâng cao tiện ích của dịch vụ.

Có rất nhiều thuận lợi để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, nhưng công một mặt ngân hàng điện tử cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng khi chi phí cho một giao dịch trực tuyến chỉ bằng 1/3 so với giao dịch tại quầy, giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Ông Phan Huy Khang, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết, doanh thu mảng này của Sacombank chiếm 15% doanh thu dịch vụ cá nhân. Tính đến nay, tăng trưởng dịch vụ Internet Banking của Sacombank trên 100% và tăng trưởng Mobile Banking 400% so với cùng kỳ 2013. 

 “Để mảng dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh hơn và có thể góp phần mang về lợi nhuận đáng kể cho Ngân hàng, Sacombank cũng có chính sách đưa ngân hàng điện tử đến gần người dân hơn thông qua việc tạo lòng tin cho người dân và cách phát triển dịch vụ theo hướng đơn giản, dễ sử dụng…”, ông Khang chia sẻ.

P.D