Ước mơ đem kỹ thuật ghép tim "phủ sóng" khu vực phía Nam

Nam Phương

(Dân trí) - Ca ghép tim thành công từ người cho chết não vào năm 2017 đã đánh dấu sự khởi đầu cho lĩnh vực ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là đơn vị đầu tiên ở phía Nam thực hiện kỹ thuật hiện đại này.

Chiều 15/4, lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong, TP Hà Nội. Giải nhất lĩnh vực Y Dược năm nay được trao cho công trình "Ứng dụng kỹ thuật ghép tim từ người cho đa tạng chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM". 

Đại diện nhóm tác giả là PGS.TS Trần Quyết Tiến, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh Viện Chợ Rẫy, Phó Trưởng Khoa Y, Đại học Quốc Gia TPHCM. 

Ghép tim từ người cho chết não là phương pháp điều trị triệt để nhất cho các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Kỹ thuật này, đã thực hiện thành công tại các bệnh viện khu vực phía Bắc và miền Trung. Và Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ sở y tế đầu tiên tại khu vực phía Nam triển khai ghép tim sau khi nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Việt Đức. 

Bắt đầu từ năm 2010, khi lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ca ghép thận từ người cho chết não theo đúng quy trình, tập thể bệnh viện đã có một ước mơ đó là thực hiện các kỹ năng ghép tạng khác như ghép gan, ghép tim… Năm 2014, giấc mơ ghép gan từ người cho chết não đã thành hiện thực. Sau đó, bệnh viện tiếp tục ấp ủ giấc mơ có thể ghép tim. 

Ước mơ đem kỹ thuật ghép tim phủ sóng khu vực phía Nam - 1

Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao giải cho đại diện nhóm tác giả, PGS.TS Trần Quyết Tiến.

Năm 2016, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã chuyển giao kỹ thuật "Ghép tim từ người cho chết não" cho Bệnh viện Chợ Rẫy, giúp cho những người bệnh mắc bệnh tim tưởng chừng không thể cứu chữa được hồi sinh lại cuộc đời một cách diệu kỳ. Ca ghép tim đầu từ người cho chết não được Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện vào ngày 29/5/2017. Ca ghép có sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật từ ê-kíp ghép tim của Bệnh viện Việt Đức.

Người cho tạng là một cô gái 18 tuổi bị chết não sau tai nạn giao thông tại Đồng Nai. Ngày 29/5/2017, các ê-kíp ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành ghép tạng cho 4 bệnh nhân, trong đó có một ca ghép tim. Bệnh nhân được ghép tim là anh Đ.T.Đ (27 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông). Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ. Bệnh nhân được rút nội khí quản vào 10 giờ sáng hôm sau. 

Ca ghép tim thành công này đã đánh dấu sự khởi đầu cho lĩnh vực ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ đó, các trường hợp ghép tim ở khu vực phía Nam sẽ được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tiết kiệm được chi phí cho bệnh nhân và người nhà trong việc đi lại và ăn ở, không phải chuyển bệnh nhân đi khu vực khác. Đồng thời giúp điều trị cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối không còn đáp ứng với điều trị nội khoa.

PGS.TS Trần Quyết Tiến chia sẻ ghép tim là ước mơ của cá nhân ông và của cả tập thể Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ những năm 1992-1995, khi sang Pháp học ông cũng đã ấp ủ ước mơ này. 

"Tuy nhiên, lúc đó cũng chỉ nghĩ ước mơ là để ước mơ. Vì thời điểm đó, chúng ta còn chưa mổ tim mở. Đến những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 mổ tim mở mới phát triển tại Việt Nam", PGS Tiến chia sẻ. 

Đầu những năm 2000, PGS Tiến và các đồng nghiệp bắt đầu suy nghĩ về việc ghép tim, đặc biệt là sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận thành công trên 400 ca. Vấn đề lúc này là lựa chọn chuyển giao trong nước hay nước ngoài. Khi đó, Bệnh viện Việt Đức đã có kinh nghiệm, ghép trên 20 ca. 

Ước mơ đem kỹ thuật ghép tim phủ sóng khu vực phía Nam - 2
Ước mơ đem kỹ thuật ghép tim phủ sóng khu vực phía Nam - 3

Ca ghép tim đầu tiên từ người cho chết não được Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện vào ngày 29/5/2017.

"Việc chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Việt Đức đã rất thuận lợi, thành công. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Trung tâm tim mạch Việt Đức đã giúp đỡ Chợ Rẫy ghép tim thành công", PGS Tiến chia sẻ. 

Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên tại phía Nam thực hiện kỹ thuật hiện đại và mới này. Sau khi được đào tạo, thực hành và thực hiện thực tế, nhóm nghiên cứu đã chủ động được kỹ thuật, đưa ra các quy trình ghép tim áp dụng cho Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Theo ông việc phát triển kỹ thuật ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy là điều rất yếu, cũng là yêu cầu của nghề nghiệp khi miền Bắc, miền Trung đều đã làm chủ được kỹ thuật này. 

"Bên cạnh đó, một điều hết sức quan trọng là chúng ta đã thực hiện và điều phối tốt việc ghép tạng quốc gia. Bản thân Bệnh viện Chợ Rẫy, khi chưa ghép tim được chúng tôi đã vận chuyển trái tim, phổi ra Huế, ra Hà Nội, sau đó các bệnh viện cũng đã đáp lại điều này. Việc điều phối tạng giữa các bệnh viện đã trở thành việc thường quy của đất nước. Đây là việc rất có ý nghĩa", PGS Tiến nhấn mạnh. 

Đặc biệt, theo ông một vấn đề hết sức quan trọng là tính minh bạch. Khi chúng ta ghép nhiều thì vấn đề công khai minh bạch rất quan trọng. Người cần được ghép rất nhiều, ai sẽ là người được ghép, ai sẽ là người được sống vì ghép sẽ là sống, sống 10 năm, 20 năm. 

Tiếp nối những thành công của thế hệ đi trước, các thế hệ bác sĩ trẻ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế đã học và làm rất tốt những công việc mà thế hệ đi trước đã và đang làm trong lĩnh vực ghép tạng.