Những "cú hích" giúp cai thuốc lá thành công

(Dân trí) - Và việc cai thuốc lá, vốn rất có lợi cho sức khỏe, lại vô cùng khó khăn, nhiều người năm lần bảy lượt cũng không dứt bỏ được. Trong khi đó, có rất nhiều thuốc cai thuốc lá với những lời giới thiệu có cánh… nhưng thực tế bỏ được thuốc lại do những tác động sau.

Những "cú hích" giúp cai thuốc lá thành công - 1

Con người bị nghiện thuốc lá thế nào?

Thông thường người hút thuốc lá sẽ nghiện qua ba ba giai đoạn:

(1) Nghiện tâm lý: bắt đầu có những quan điểm lệch lạc về thuốc lá, như nhận định thuốc lá là một biểu tượng của sự “trưởng thành”, “nam tính”, “sành điệu”…;

(2) nghiện hành vi: hút thuốc lá trở nên một thói quen, một phản xạ có điều kiện được củng cố bằng hình thức lập đi lập lại qua nhiều năm tháng, ví dụ hút thuốc khi uống cà phê, sau bữa ăn, khi gặp gỡ bạn bè, khi viết lách, làm việc căng thẳng…lâu dần thành thói quen khó bỏ

(3) Nghiện thực thể khi chất nicotine đã có tác động lên quá trình hoạt động của hệ thống thần kinh khiến người hút thuốc lá có cảm giác hưng phấn, giảm lo lắng, tăng khả năng tập trung, và khi cai bỏ thuốc lá, người nghiện hút thuốc lá cảm thấy buồn bã, lo lắng, bứt rứt, mất ngủ, khó tập trung, vật vã vì hệ thần kinh của họ đã quen với sự hiện diện của nicotine trong máu. Đây là hội chứng cai thuốc lá, nguyên nhân hàng đầu khiến việc cai nghiện thất bại.

Tác hại của khói thuốc lá
Tác hại của khói thuốc lá

Cách cai thuốc lá khoa học

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ba biện pháp cai nghiện thuốc lá hiệu quả là “đánh” vào ba quá trình nghiện thuốc lá:

Điều trị nhân thức, thay đổi hành vi: Là bước đầu tiên và rất quan trọng.

Người tư vấn cần chỉ ra lý do, hoàn cảnh, môi trường thúc đẩy việc hút thuốc lá, và lý do cần ngừng bỏ hút. Cũng cần củng cố lý do và quyết tâm muốn cai thuốc lá, ít lắm cũng chuyển đổi việc hút thuốc lá thành một động thái khác có lợi cho sức khỏe hơn.

Dùng chế phẩm nicotine thay thế: Biện pháp được khuyên dùng cho những trường hợp bị lệ thuộc thực thể nặng.

Nicotine thay thể có thể được cung cấp qua nhiều dạng khác nhau như: viên thuốc nhai, viên thuốc ngậm dưới lưỡi, nicotine hít (thuốc lá điện tử) và phổ biến nhất là miếng dán trên da.

Về nguyên lý, đây là một cách “hút thuốc không khói”, cơ thể được cung cấp trực tiếp nicotine không từ điếu thuốc lá. Điểm khác biệt duy nhất là nicotine trong chế phẩm thay thế thấm vào máu ổn định, đồng đều hơn, khiến cơ thể không xuât hiện hội chứng cai thuốc do quá thiếu nicotine, nhưng cũng không tăng cao đạt đỉnh sảng khoái nên không gây nghiện.

Cũng cần lưu ý, nicotine là một trong 7.000 hóa chất, trong 4.000 chất độc hại có trong khói thuốc lá. Do đó chế phẩm nicotine thay thế giúp loại bỏ các chất độc này.

Tùy theo cá nhân và mức độ nghiện thuốc, thời gian dùng nicotine thay thế thường kéo dài 1-2 tháng, cá biệt có thể kéo dài đến nửa năm.

Điều trị bằng buprobion và varenicline: Cũng được khuyên dùng cho trường hợp lệ thuộc thực thể nặng. Buprobion và varenicline tác động lên hệ thống thần kinh làm người nghiện hút thuốc lá giảm hẳn ham muốn hút thuốc lá.

Ban đầu, với cơ chế tác động như vậy, bupropion và varenicline được hy vọng là giải pháp “đúng gốc” để cai thuốc lá. Tiếc rằng, trong thực tế khá nhiều người cai thuốc không đáp ứng với hai thuốc này, hơn nữa bupropion và varenciline là hai vị thuốc nên đều có chỉ định, chống chỉ định về tác dụng phụ khó dùng đại trà không cần kê toa.

Thực hư những “thần dược” cai thuốc lá

Hiện trên nhiều trang mạng có rao bán một số loại thuốc để cai thuốc lá, đặc biệt là các loại dung dịch nước súc miệng, với những tiếp thị có cánh: thành công 100%, thành công chỉ trong 5-7 ngày….

Tìm hiểu kỹ thành phần, các loại “thánh dược” này gồm 2 dạng: (1) các chế phẩm nicotine và (2) các thảo dược tạo mùi thơm như bồ công anh, kim ngân hoa, cúc hoa, bạch nhân sâm, ngủ diệp sâm, thổ sâm, đinh lăng, đại hồi, quế chi….

Cho đến nay, ngoài ba loại thuốc có thể giúp cai thuốc lá được WHO khuyến cáo sử dụng, Nicotin thay thế, Bupropion và Vareniciline, các loại thuốc súc miệng, ngậm, nhai không được công nhận trong điều trị cai nghiện thuốc lá, mà chỉ là những mách miệng, chỉ nhau. Những loại “thuốc” này thực chất chỉ là những dung dịch chất mùi thơm để vệ sinh miệng và làm quên cảm giác thèm thuốc lá.

Ngay cả thuốc lá điện tử, cũng là một dạng nicotine thay thế. Thuốc lá điện tử cũng sẽ cung cấp một lượng nicotin nhất định dạng hơi phù hợp với nhu cầu của người nghiện như các dạng nicotine khác mà thôi.

Đôi điều bàn luận

Bốn “lý do, lý trấu”

Người hút thuốc thường có bốn cớ để ngụy biện:

(1) Thuốc lá không thể thiếu khi uống cà phê, ăn nhậu... đặc biệt là khi dùng những thực phẩm nặng mùi, tanh, béo...

(2) Hút thuốc để tiêu sầu. Thật ra, buồn rầu có nhiều lý do, nếu buồn lo vì kinh tế kém lại hút thuốc nữa thì càng bế tắc hơn…

(3) Hút thuốc để “giết” thời gian, ví dụ thân nhân đang nhập viện, vợ đang chờ đẻ, chờ tàu xe...

(4) Hút thuốc để lấy cảm hứng sáng tác. Điều này không hẳn đúng, nhiều văn nghệ sĩ không hút thuốc vẫn sáng tác nhiều tác phẩm nổi danh, như nhà văn Nguyên Ngọc và điêu khắc gia Phạm Văn Hạng.

Theo ông Phạm Văn Hạng, người tạo dựng tượng Mẹ dũng sĩ, Đất lành chim đậu, cầu Rồng Đà Nẵng, cho rằng “nghệ sĩ thường hay hút thuốc chứ không phải hút thuốc mới thành nghệ sĩ”.

Bốn tình huống bỏ thuốc

Nhiều người nghiện nặng đến độ nằm hút thuốc trong màn, thiếu thuốc lá đi lượm tàn để tận thu hút lại, hay dám tuyên bố (vui) là “bỏ vợ còn hơn bỏ thuốc lá” nhưng sau đó lại cai được thuốc lá.

Tổng hợp lại có những tình huống lý thú như sau:

(1) Đi thăm một người thân bệnh hô hấp về, đặc biệt là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc ung thư phổi...

(2) Bản thân bị mắc bệnh, không nhất thiết là bệnh phổi, phải nằm viện điều trị và mục sở thị những trường hợp mắc bệnh điển hình do thuốc lá

(3) Bị vợ con, đặc biệt là bạn gái, chê hôi miệng và hơi thở nặng mùi khó ưa. Nhiều cô gái ra yêu sách chọn một trong hai “bồ hoặc thuốc”, thế là cánh đàn ông phải đành bỏ hút và (4) có công việc làm say mê, phải lao vào giải quyết. Làm ngành y, tôi thấy rất nhiều bác sĩ, trong đó có tôi, lãnh đạo tôi, em ruột tôi... đã bỏ thuốc lá vì lý do “bận việc” này, đúng câu cách ngôn xa xưa: “Nhàn cư vi bất thiện”.

Bốn tấm gương bỏ thuốc lá

* Theo Telegraph, TT Barack Obama cuối cùng đã bỏ hút thuốc lá sau hơn 30 năm nghiện thuốc lá hút và thường xuyên nhai kẹo có chứa nicotin thay cho hút thuốc. Theo Michelle Obama, Tổng thống đã nhìn thẳng vào mắt các con và nói rằng “ba không hút thuốc lá nữa”.

* Theo Huffington Post, theo gương Obama, một số nhân viên Nhà Trắng bao gồm giám đốc phụ trách công du nhà Trắng Marvin Nicholson đã bỏ hút thuốc lá.

* Theo Daily Mail, công nương xứ Cornwall, Camilla Parker Bowles, vợ của tử Anh Charles, từ bỏ thuốc lá như món quà tặng thái tử nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 của ông bởi thái tử Charles là người phản đối mạnh mẽ thuốc lá. Thái tử Charles từng tiết lộ trong một chuyến thăm các học sinh tiểu học tại Slovenia rằng ông đã bỏ hút thuốc ở tuổi 11.

* Theo London Evening Standard, diễn viên Hollywood Brad Pitt, để làm gương cho con, đã quyết định bỏ hút thuốc sau khi bị hai con nhỏ là Zahara và Shiloh bắt gặp ông hút thuốc sau vườn nhà. Để giảm thèm, ông thường xuyên dùng kẹo bạc hà và kẹo có chứa nicotin.

Kinh nghiệm bản thân

Tôi vào trường y trước năm 1975, thời đó sinh viên, đặc biệt học y khoa, chẳng ai hút thuốc. Sau năm 1975, với chế độ tem phiếu “công nghệ phẩm” bậc E, mỗi tháng được cấp 4-6 gói thuốc lá Điện Biên, Sông Cầu hay Tam Đảo. Đem công nghệ phẩm này đi bán sẽ mắc tội “phe phẩy”, rất nặng thời bao cấp lúc đó, và cũng để chứng tỏ mình “đã lớn”, tôi đã tập tò hút thuốc và nghiện lúc nào chẳng hay.

Năm 1977 ra Hà Nội tu nghiệp, trời lạnh và cảm giác hút thuốc sẽ ấm người, chúng tôi thi nhau hút thuốc lá. Thuốc tiêu chuẩn tem phiếu không đủ chúng tôi mua thêm thuốc Lạng Sơn, dạng thuốc lá sợi tẩm lưu huỳnh vàng rơm thấy rất bắt mắt. Không chỉ phì phèo trong quán cà phê mà ngay cả ở khuôn viên bệnh viện, nhiều đêm thiếu thuốc chúng tôi không ngần ngại lượm “dế” (tàn thuốc) để tái sử dụng. Tôi hút nhiều đến nỗi được tặng biệt danh là “ống khói” khóa 13.

Cai thuốc nhiều lần không thành, may mắn cho tôi khi được điều chuyển về khoa hồi sức nhi Bệnh viện Đà Nẵng, đơn vị anh hùng của ngành y tế thời đó, tôi bỏ hẳn thuốc lá. Suy nghiệm lại, bỏ thuốc lá cũng không quá khó, không thể không thực hiện được, thậm chí có thể là đơn giản. Có quyết tâm cao, có ý chí vững, đặc biệt có công việc để “lu bu” và không cho thời gian thư thả để phì phèo.

Thay lời kết

Việc cai thuốc lá thành công hay không, trước tiên là tùy thuộc vào sự quyết tâm của con người. Đã có rất nhiều người nghiện thật nặng nhưng cũng đã tự cai thành công.

Đa số người nghiện hút ở giai đoạn tâm lý và hành vi là chính. Do đó, chỉ cần điều trị nhân thức và thay đổi hành vi, đặc biệt thay đổi môi trường công tác, việc cai bỏ thuốc lá thường thành công. Riêng một ít người nghiện lệ thuộc “thực thể” mới cần dùng liệu pháp nicotine thay thế mà thôi.

Những “thần dược” không cơ sở chỉ là cách lừa bịp kiếm tiền mà thôi.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam