Mô hình trồng dược liệu của bà con dân tộc ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Cặm cụi đào từng gốc cây cát cánh lấy củ, anh Phùng Sảnh Khuân (Nà Mùng, Phan Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng) hồ hởi khoe thành quả sau gần 1 năm trồng thử. Đó là gần 140kg củ cát cánh, được thu mua với giá 25.000 đồng/kg.

Trái ngọt bước đầu từ mô hình trồng dược liệu

Trên thửa đất khoảng 200m2, hai vợ chồng anh Phùng Sảnh Khuân (dân tộc Dao), cẩn thận đào từng gốc cây cát cánh lấy củ. Trong khi đó, hai cô con gái phụ giúp bố mẹ xếp các củ đã thu hoạch vào bao để cân, thành phẩm đóng đầy 5 bao.

Với gần 140kg củ cát cánh, vợ chồng anh Khuân thu được 3,5 triệu đồng. Đây là thành quả sau gần 1 năm gia đình anh trồng thử loại cây dược liệu mới thay vì trồng ngô như trước. 

Mô hình trồng dược liệu của bà con dân tộc ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng - 1

Vợ chồng anh Khuân thu hoạch củ cắt cánh (Ảnh: CT).

"Số tiền này nhiều hơn những gì gia đình mong muốn. Để trồng cây dược liệu, chúng tôi được hỗ trợ giống, phân bón, kể cả nilon phủ đến bao đựng thành phẩm, được hướng dẫn kỹ thuật vì thế gia đình chỉ bỏ công sức", anh Khuân nói. 

Anh cũng cho biết, gia đình anh sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu này. 

Mô hình trồng dược liệu của bà con dân tộc ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng - 2

Hai cô con gái nhà anh Khuân phụ giúp thu hoạch cây dược liệu (Ảnh: CT).

Không chỉ anh Khuân mà nhiều hộ dân khác cùng chuyển đổi sang trồng dược liệu trong năm 2023 đều vui mừng khi mùa thu hoạch năm nay có nguồn thu nhập cao hơn mọi năm. Mừng hơn nữa là sau khi thu hoạch xong, hợp tác xã sẽ thu mua, không phải mang đi bán.

Trong năm đầu tiên thử trồng với diện tích 400m2 đất, anh Hoàng Chàn Vảng (xóm Tổng Sơ, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nhận được gần 3 triệu đồng tiền bán 95kg củ cắt cánh và 19kg đương quy. Đây là năm đầu tiên bà con trong xóm anh trồng thử 2 cây dược liệu này. 

Mô hình trồng dược liệu của bà con dân tộc ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng - 3

Trong năm đầu tiên trồng thử nghiệm dược liệu, anh Vảng nhận được gần 3 triệu đồng (Ảnh: CT).

"Cây dược liệu cho năng suất khá tốt. Trồng dược liệu được nhiều tiền hơn. Năm nay bà con chúng tôi sẽ tiếp tục trồng", anh Vảng nói. 

Hiện trong xóm có 10 hộ, trung bình mỗi hộ trồng thử khoảng 400m2. Đây là những hộ dân đầu tiên tham gia trồng thử nghiệm dược liệu với sự song hành hỗ trợ của Công ty Cổ phần Dược liệu Nguyên Bình.

Ấp ủ phát triển nguồn dược liệu sạch

Nhằm tạo nguồn dược liệu tự nhiên sạch, đảm bảo dược chất và chủ động cho sản xuất dược phẩm trong nước, xuất khẩu, cũng như góp phần cải thiện kinh tế cho người đồng bào dân tộc, những năm gần đây, chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm. Hình thức là dự án liên kết chuỗi giá trị theo chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ.

Trong khi đó, nhu cầu về nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu thiên nhiên trong nước cũng như xuất khẩu tăng cao. Huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng là một huyện nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây cũng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây dược liệu. Nhằm phát triển vùng nguyên liệu mới tại huyện Nguyên Bình, Công ty Cổ phần Dược liệu Nguyên Bình được thành lập. 

Mô hình trồng dược liệu của bà con dân tộc ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng - 4

Trong năm đầu tiên trồng thử nghiệm, củ cát cánh to, ít sâu bệnh hại, hình thái củ đẹp năng suất cao, hàm lượng dược tính đảm bảo (Ảnh: CT).

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Nguyên Bình, cho biết, để đồng bào sẵn sàng chuyển đổi sang trồng dược liệu, công ty đã lên kế hoạch cùng với địa phương, xây dựng chuỗi liên kết hợp tác xã, đưa cán bộ thôn xã và các hộ có nhu cầu trồng dược liệu tham quan học tập tại các vùng trồng đã ổn định tại Lào Cai, Yên Bái. 

Sau đó, công ty tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư giống, vật tư, phân bón để người dân trồng thử nghiệm. Có 4 hợp tác xã và 1 trung tâm được kết nối vào trong liên kết chuỗi của công ty, hình thành trọn vẹn chuỗi liên kết giá trị dược liệu nông dân - hợp tác xã - công ty để hoàn thiện chuỗi nuôi trồng - chăm sóc - thu hoạch - tiêu thụ dược liệu. 

Từ những ý tưởng khởi đầu bắt tay với bà con dân tộc vùng cao xây dựng vùng dược liệu, công ty đã song hành cùng bà con phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Mô hình trồng dược liệu của bà con dân tộc ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng - 5

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Nguyên Bình (Ảnh: CT).

"Sau 1 năm triển khai, tổng diện tích trồng dược liệu đã lên tới gần 15ha với các loại như đương quy, cát cánh, khôi nhung và quế, cho thu nhập gấp 2, 3 lần so với nhiều loại cây trồng khác. Đến tháng 1/2024, chúng tôi bắt đầu cho thu hoạch đương quy và cát cánh, dự kiến sản lượng đạt 8-12 tấn tươi/ha. Doanh thu trung bình 250 triệu đồng/ha", ông Đức nhấn mạnh.

Điều này đã mở ra một hướng đi mới cho người dân tại Nguyên Bình khi việc mở rộng vùng trồng dược liệu. Để phát triển vùng dược liệu bền vững, đưa Nguyên Bình có tên trong bản đồ dược trong nước, ông Đức khẳng định, công ty đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng hơn nữa diện tích trồng dược liệu này không chỉ gói gọn trong xã Phan Thanh còn ở nhiều xã khác trong huyện Nguyên Bình.