1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Không nên lạm dụng thuốc tiêm

Từ lâu đã có một quan niệm khá phổ biến cho là dùng thuốc tiêm tốt hơn dùng thuốc uống. Do đó khi đến phòng khám, một số bệnh nhân nài nỉ thầy thuốc cho thuốc tiêm, thậm chí còn đòi được tiêm truyền “nước biển”!

Ưu điểm của thuốc tiêm

 

- Do được tiêm vào cơ thể, thuốc được hấp thu trực tiếp và trọn vẹn vào máu nên có tác dụng nhanh và hiệu quả cao.

 

- Thuốc không qua hệ tiêu hóa nên không bị dịch tiêu hóa hoặc gan chuyển hóa. Một số thuốc có bản chất peptid như hormon (progesteron, insulin...) hay một số enzym, nếu dùng đường uống sẽ bị dịch vị thủy giải hoặc bị gan biến đổi thành những chất không có tác dụng.

 

- Tiêm thuốc sẽ tránh được các tác dụng phụ của thuốc trên hệ tiêu hóa. Emetin, thuốc trị lỵ a-míp, nếu uống sẽ gây nôn mửa.

 

- Tiêm truyền tĩnh mạch cho phép thay thế nhanh chóng lượng nước, điện giải, tế bào, sinh chất bị mất đi do phẫu thuật hay tai nạn gây mất máu chẳng hạn.

 

Nhược điểm

 

- Thuốc tiêm đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp như ống tiêm, kim tiêm, truyền dịch thì phải có bộ dây truyền và phải tuyệt đối vô trùng, nếu không sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng (như áp xe, nhiễm siêu vi viêm gan B, C).

 

Người tiêm thuốc không thông thạo cách tiêm có thể gây ra tai biến như tiêm tĩnh mạch canxi clorua phải tiêm thật chậm, tiêm thuốc ở mông nếu không đúng sẽ làm thương tổn dây thần kinh.

 

- Thuốc tiêm có tác dụng nhanh và hấp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì thật tai hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính.

 

- Thuốc tiêm dễ gây phản ứng toàn thân hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Như tiêm penicillin, vitamin B1 có khi gây sốc phản vệ trầm trọng, tiêm thuốc dầu nhiều lần thường để lại nốt cứng gây đau đớn, cho nên nhiều khi người ta phải chuyển từ thuốc tiêm sang dạng uống mặc dù hiệu quả có thể kém hơn.

 

Do có những nhược điểm như trên nên người ta chỉ dùng thuốc tiêm thay cho thuốc uống trong những trường hợp sau:

 

- Cấp cứu.

 

- Bệnh nhiễm trùng nặng.

 

- Người bệnh không thể hợp tác uống thuốc.

 

- Khi dược chất cần sử dụng không có dạng thuốc uống.

 

- Khi phải dùng dạng thuốc tiêm mới đưa đến hiệu quả điều trị mong muốn như magne sulfat chỉ có tác dụng trị phù não khi tiêm, nếu uống chỉ có tác dụng nhuận trường, streptomycin tiêm mới trị được lao.

 

Trên nguyên tắc, khi thầy thuốc kê toa dạng thuốc tiêm là đã có sự cân nhắc cần thiết (vì vậy, không năn nỉ thầy thuốc cho thuốc tiêm khi không cần thiết) bởi vì: Tiêm thuốc nguy hiểm hơn uống thuốc.

 

Hơn nữa, người dùng thuốc không thể tự tiêm thuốc mà phải có nhân viên chuyên môn thông thạo kỹ thuật thực hiện và thuốc tiêm thường đắt tiền hơn thuốc uống rất nhiều.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống