Giám đốc Sở Y tế TPHCM tiết lộ về mạng lưới "ung thư vùng"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, có những bệnh lý đòi hỏi phải đầu tư công nghệ cao, như bệnh lý ung thư. Sắp tới, ngành y tế nhiều tỉnh thành sẽ xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới ung thư vùng.

Ngày 15/4, Trung tâm Ung bướu Xuyên Á chính thức hoạt động tại vùng ven TPHCM (huyện Củ Chi).

Đây là một trong số hiếm các trung tâm ung thư trên cả nước có đầy đủ đa mô thức để điều trị các mặt bệnh ung bướu, như hóa trị, xạ trị, phẫu trị và cả y học hạt nhân (dưới sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy). Trung tâm có quy mô 300 giường bệnh, tổng chi phí xây dựng khoảng 550 tỷ đồng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, để thành lập được trung tâm ung bướu là sự nỗ lực rất lớn, vì ung thư hiện nay dù có nhiều tiến bộ kỹ thuật nhưng vẫn là một bệnh lý rất khó và tốn nhiều công sức điều trị.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM tiết lộ về mạng lưới ung thư vùng - 1

Nguyên lãnh đạo ngành y tế TPHCM cùng các khách mời tham quan khu vực hóa trị tại trung tâm ung bướu vừa hoạt động ở huyện Củ Chi (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài phương tiện điều trị hiện đại là tiền đề cho sự phát triển, vấn đề nguồn nhân lực cũng hết sức quan trọng với trung tâm ung bướu. Bệnh viện Ung bướu TPHCM sẽ hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho trung tâm trên. "Mục tiêu chung của sự hợp tác là phục vụ tốt nhất cho người dân và bệnh nhân ung thư", bác sĩ Dũng nói.

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, có những bệnh lý không chỉ cần công nghệ tích hợp mà còn đòi hỏi phải có công nghệ cao, như bệnh lý ung thư. Do đó, việc đầu tư trung tâm ung bướu chuyên sâu được lãnh đạo Sở rất hoan nghênh.

Ông Thượng tiết lộ, trong tuần này, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội ung thư Việt Nam sẽ tham gia hội thảo góp ý đề án phát triển mạng lưới chăm sóc ung thư quy mô vùng với ngành y tế.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM tiết lộ về mạng lưới ung thư vùng - 2

Máy chụp CT mô phỏng tại trung tâm ung bướu (Ảnh: Hoàng Lê).

Mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện ung thư cho đến giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ, chăm sóc ở tuyến cuối cho đến cộng đồng, không chỉ khu trú ở TPHCM mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Căn cứ vào kế hoạch này, các Giám đốc Sở Y tế sẽ tham mưu cho lãnh đạo từng địa phương, để có sự đầu tư phù hợp theo quy mô vùng.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế hy vọng, trung tâm ung bướu vừa thành lập sẽ thực hiện phát hiện sớm, sàng lọc và chẩn đoán tốt, điều trị ung thư hiệu quả cao. Ngoài ra, bà mong đơn vị vận hành trung tâm sẽ phát triển thêm các kỹ thuật ghép mô tạng, giúp cứu được nhiều người từ những nguồn tạng hiến.