Điều trị bệnh vảy nến bằng phương pháp "nhắm trúng đích"

Yến Lê Tiến Thịnh

(Dân trí) - Rất nhiều bệnh nhân tìm đến bệnh viện FV với tình trạng bệnh vảy nến nặng, mụn mủ khắp người, đã được chuyên gia người Pháp - bác sĩ Orieux Guillaume chữa lành sau một đợt điều trị bằng liệu pháp sinh học, hay còn gọi "phương pháp trúng đích".

Với kinh nghiệm 35 năm trong lĩnh vực da liễu tại nhiều phòng khám, bệnh viện ở Pháp và Anh, bác sĩ Orieux Guillaume, Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện FV đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân Việt Nam mắc các bệnh về da, đặc biệt là bệnh vảy nến. Đây là căn bệnh khiến nhiều bệnh nhân mặc cảm, tự ti vì không được tư vấn và điều trị đúng phương pháp trong suốt một thời gian dài.

Đam mê nghiên cứu da liễu từ thời niên thiếu

Bác sĩ Orieux Guillaume kể, ông yêu thích môn sinh học từ nhỏ. Sống trong gia đình có ông nội là giáo sư khoa học tự nhiên còn bố là bác sĩ, Orieux Guillaume sớm có cơ hội tiếp xúc với các tạp chí y khoa từ khi còn là cậu bé. "Hồi đó, những bài báo viết về các căn bệnh về da đặc biệt cuốn hút tôi. Từ đó, tôi yêu thích và để ý tới chuyên ngành này", bác sĩ Orieux nhớ lại. 

Điều trị bệnh vảy nến bằng phương pháp nhắm trúng đích - 1
Bác sĩ Orieux Guillaume - Trưởng khoa Da Liễu, Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Khi học trường y, ông có cơ hội tiếp cận nhiều chuyên khoa. Tuy vậy, bác sĩ Orieux vẫn thấy mình thích nhất khoa da liễu. Sau đợt thực tập ở một bệnh viện quân đội, từ niềm hứng thú được điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh về da, ông quyết định theo đuổi chuyên ngành da liễu.

Từng đảm trách vai trò bác sĩ cấp cao khoa da liễu ở các bệnh viện tại Pháp, ông còn là bác sĩ luân phiên làm việc tại Anh và Việt Nam từ năm 2002. Sau một thời gian, tình yêu với con người và đất nước Việt Nam đã khiến ông chọn bệnh viện FV làm nơi gắn bó sự nghiệp của mình, kể từ năm 2008 đến nay. 

Trong suốt thời gian công tác tại FV, bác sĩ Orieux Guillaume đã tiếp nhận điều trị hơn 300 loại bệnh ngoài da khác nhau cho hàng chục nghìn bệnh nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, để lại ấn tượng cho ông nhiều nhất là ca bệnh u thượng bì bóng nước bẩm sinh của một cậu bé 10 tuổi đến khám vào năm 2010. Đây là một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới.

"Tôi vẫn còn nhớ điều dưỡng đặt bệnh nhân nhỏ xíu lên cái cân trong phòng để cân. Cậu bé còn không đi lại được và bị tổn thương khắp người, với những mảng da bị trầy và nổi bọng nước toàn thân, thậm chí các tổn thương có cả trong mũi, trong mắt, trong thực quản", bác sĩ Orieux Guillaume nhớ lại.

U thượng bì bóng nước thời đó là một bệnh hiếm gặp trên thế giới, không có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị theo triệu chứng, bằng cách băng bó các tổn thương cho bệnh nhân. Việc băng bó cũng đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Dù được các bác sĩ khoa Nhi và khoa Da Liễu bệnh viện FV hết lòng điều trị, em bé vẫn không qua khỏi được.

Với bác sĩ Orieux, đó là một kỷ niệm buồn và khiến ông trăn trở. Song kể từ sau ca bệnh này, ông cùng một nhóm người, bao gồm các bác sĩ trong và ngoài nước, thành lập một hiệp hội điều trị bệnh u thượng bì bóng nước, kêu gọi những mạnh thường quân chung tay trong việc chữa trị đồng thời thành lập mối quan hệ với DEBRA- một hiệp hội quốc tế giúp các bệnh nhân mắc chứng bệnh này cùng với gia đình của họ.

Chuyên gia dày dạn kinh nghiệm điều trị bệnh vảy nến 

Trong số hơn 300 căn bệnh về da mà bác sĩ Orieux Guillaume điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam, vảy nến là một bệnh rất thường gặp nhưng hầu hết các bệnh nhân đều hiểu sai về căn bệnh cũng như cách điều trị.

Bệnh biểu hiện bằng các tổn thương sần sùi trên da màu đỏ, có vảy trắng bạc, khu trú ở một số nơi (thường gặp ở đầu, ngón tay, bàn tay, bàn chân, đầu gối, khủyu tay, mông, cẳng chân) hoặc khắp cơ thể. Căn bệnh không nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân khiến họ tự ti về ngoại hình, có thể dẫn đến trầm cảm. Do đó, hầu hết bệnh nhân hy vọng tìm được cách điều trị dứt điểm.

Bác sĩ Orieux Guillaume từng chứng kiến nỗi tuyệt vọng của bệnh nhân khi phải đi từ bệnh viện này tới phòng khám khác, với hy vọng thoát khỏi căn bệnh này hoàn toàn. Do đó, với bất kỳ ca bệnh vảy nến nào, việc đầu tiên là ông giải thích rõ cho bệnh nhân: Đây là bệnh mạn tính, không có thuốc điều trị triệt để, bệnh có thể tái phát sau một thời gian nếu không được tiếp tục theo dõi và kiểm soát. Việc đi tìm phương pháp điều trị triệt để chỉ gây tốn kém, thậm chí nguy hiểm nếu được điều trị bằng cortisol liều cao - cách này có thể khiến bệnh nhân hết triệu chứng, song thực chất lại làm bệnh nặng hơn khi tái phát. Việc điều trị bệnh vảy nến bằng các loại thuốc dân gian cũng khá phổ biến, đôi khi sẽ gây nguy hiểm nếu thuốc chứa chất thạch tín và cortisol tiềm ẩn. 

"Bản chất bệnh vảy nến là sự phản ứng viêm của da, mục đích của điều trị là làm giảm sự hoạt động của phản ứng viêm đó", bác sĩ Orieux giải thích.

Điều trị bệnh vảy nến bằng phương pháp nhắm trúng đích - 2
Bác sĩ Guillaume Orieux điều trị bệnh vảy nến bằng liệu pháp quang trị liệu (Ảnh: FV).

Tại Bệnh viện FV, bệnh nhân mắc bệnh vảy nến được điều trị dựa trên hiện trạng tổn thương da. Nếu các tổn thương ít, bệnh nhân chỉ cần dùng kem bôi. Nếu các tổn thương trên khắp cơ thể thì sẽ dùng liệu pháp quang trị liệu - chiếu tia UV - hoặc dùng thuốc dạng uống. Vài năm gần đây, nhờ sự phát triển của y học, phương pháp trúng đích ra đời giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn trong việc kiểm soát hiệu quả bệnh vảy nến.

Phương pháp "nhắm trúng đích" - bước tiến trong điều trị bệnh vảy nến

Đây là liệu pháp sử dụng thuốc sinh học có tác động ở mức tế bào giúp kiểm soát bệnh không bùng phát. Bệnh nhân sẽ được tiêm theo phác đồ với thời gian giãn dần tùy theo đáp ứng và tình trạng bệnh. Thuốc sẽ tác động đến các tế bào gây bệnh, làm thay đổi phản ứng miễn dịch, không để chúng biểu hiện thành các tổn thương da.

"Phương pháp điều trị miễn dịch trước đây qua đường uống sẽ làm giảm hệ miễn dịch, giảm hoạt động của phản ứng da trên toàn bộ cơ thể. Còn với phương pháp điều trị sinh học dạng thuốc tiêm sẽ làm giảm hệ miễn dịch nhưng chỉ khu trú ở một số nơi cần giảm", bác sĩ Orieux giải thích. Với liệu pháp này, bệnh nhân không cần uống hoặc bôi thuốc thường xuyên.

Tuy vậy đây là phương pháp tốn kém, cần duy trì dài lâu. Bệnh nhân có thể được tiêm 1 liều/tuần trong 5 tuần liên tiếp, sau đó tiêm nhắc lại mỗi tháng 1 lần. Bệnh nhân ở xa có thể chọn phác đồ điều trị: Tiêm 2 mũi trong 2 tháng đầu sau đó duy trì 3 tháng 1 lần. Bác sĩ sẽ giãn cách thời gian tiêm duy trì ra xa nhất có thể để giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân.

Bác sĩ Orieux cũng lưu ý tác dụng phụ của liệu pháp tiêm: Có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể; nếu trong cơ thể tiềm ẩn bệnh lao, viêm gan do virus thì khi tiêm thuốc có thể làm các virus đang tiềm ẩn có cơ hội gây bệnh. Do đó bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm trước khi quyết định dùng thuốc và theo dõi định kỳ trong quá trình sử dụng. 

Khoa Da liễu FV đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị vảy nến nặng, các mảng vảy nến nổi toàn thân, thậm chí các tổn thương dưới dạng mụn mủ; bệnh nhân bị sốt, đau ngứa vô cùng khó chịu. Sau một đợt điều trị tại Bệnh viện FV, bệnh nhân vui mừng khi da sạch bong. Bác sĩ Orieux cho biết, việc chữa sạch triệu chứng vảy nến ở bệnh nhân giờ đây là chuyện rất bình thường tại FV. Tuy vậy, bác sĩ không quên tư vấn rằng bệnh có thể tái phát bất kỳ lúc nào, quan trọng là cần thích ứng và chung sống hòa bình với căn bệnh này. 

Bác sĩ Orieux Guillaume giải thích thêm: "Tại FV, các bác sĩ rất quan tâm trao đổi và cung cấp đầy đủ thông tin cho bệnh nhân, khám kỹ lưỡng. Việc này giúp đưa ra chẩn đoán chính xác, từ đó có hướng điều trị hiệu quả". 

Điều trị bệnh vảy nến bằng phương pháp nhắm trúng đích - 3
Khoa Da liễu Bệnh viện FV được trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: FV).

Là một bệnh viện đa chuyên khoa, FV có đội ngũ các bác sĩ chuyên ngành khác nhau. Khi bệnh nhân tới khám tại khoa Da Liễu, nếu có các vấn đề sức khỏe khác, các bác sĩ sẽ dễ dàng hội chẩn và gửi bệnh nhân sang các khoa để phối hợp điều trị, giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả tại cùng một điểm.

Có thể đặt lịch khám các bệnh da liễu với bác sĩ Orieux Guillaume qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.

Đang được quan tâm