Bị ghẻ nhưng bác sĩ chẩn đoán nhầm thành sùi mào gà

Hà An

(Dân trí) - Đi khám tại một phòng khám tư ở Bắc Giang, người đàn ông 42 tuổi được chẩn đoán bị sùi mào gà. Điều trị 10 ngày không thấy đỡ, anh quyết định lên tuyến trên khám thì bất ngờ biết mình chỉ bị ghẻ.

Theo lời bệnh nhân kể, bệnh diễn biến một tháng nay. Ban đầu anh thấy xuất hiện sẩn đỏ ở vùng da bao quy đầu kèm theo ngứa nhiều về đêm. Đi khám ở phòng khám tư tại Bắc Giang, anh được chẩn đoán bị sùi mào gà, chỉ định điều trị đốt tổn thương, phẫu thuật cắt bao quy đầu và sử dụng thuốc kháng sinh tiêm, bôi tại chỗ. 

Sau 10 ngày điều trị, tổn thương không đỡ, anh còn thấy xuất hiện thêm các sẩn mới ở thân dương vật kèm sẩn đỏ rải rác ở tay, chân, thân mình, ngứa nhiều tại tổn thương. Vì thế, anh quyết định đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám (Hà Nội).

Bị ghẻ nhưng bác sĩ chẩn đoán nhầm thành sùi mào gà - 1

Hình ảnh ký sinh trùng ghẻ trên Dermoscopy (Ảnh: B.V).

BSCKI Dương Thị Thúy Quỳnh, Khoa Điều trị bệnh da Nam giới, cho biết, qua thăm khám, các bác sĩ đã phát hiện tổn thương điển hình của bệnh ghẻ. Xét nghiệm chụp da bằng máy Dermoscopy cũng phát hiện ký sinh trùng ghẻ ở vùng sinh dục, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục âm tính.

Ngoài ra, trong gia đình bệnh nhân có vợ và con cũng có triệu chứng tương tự. Bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ ghẻ, tổn thương cải thiện và được tư vấn khám và điều trị cho cả gia đình.

BSCKII Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, cho biết thêm, bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei hominis gây ra. Đường lây truyền thường qua tiếp xúc với da bị bệnh hoặc qua tiếp xúc với vật mang ký sinh trùng như quần áo, đồ dùng và đồ nội thất. 

Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không được điều trị bệnh sẽ gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp…

Triệu chứng chính ban đầu của ghẻ là ngứa dữ dội, điển hình ngứa nhiều vào ban đêm, mặc dù thời gian không đặc hiệu với ghẻ.

Tổn thương cơ bản của bệnh là các mụn nước trên nền da lành, sắp xếp rải rác, riêng rẽ từng cái, thường ở vùng da mỏng như vùng kẽ giữa các ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. 

Ở vùng sinh dục thương tổn thường tròn, đường kính 5-7mm, ở giữa trợt da khá đặc biệt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.

Thường các tổn thương mụn nước, đường hầm ghẻ sẽ hết sau 1 tuần. Một số trường hợp sẩn ngứa dai dẳng có thể thêm 1-2 tuần nữa. Tuy nhiên nếu ghẻ vẫn ngứa dai dẳng trên 4 tuần, bệnh nhân cần phải khám lại để loại trừ trường hợp tái nhiễm hoặc có bệnh lý khác. 

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi nghi bị tổn thương ở vùng sinh dục cần đi khám các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng, kịp thời, tránh các hậu quả, tai biến do điều trị không đúng cách.

Sùi mào gà bắt đầu với các tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn hay còn được gọi tổn thương dạng súp lơ.

Vì thế, khi có biểu hiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời theo từng giai đoạn của bệnh.