Bệnh nhân tử vong do xuất huyết não:

Bệnh nhân xuất huyết não tử vong do bác sĩ tắc trách?

(Dân trí) - Người nhà bệnh nhân xuất huyết não cho rằng các bác sĩ đã tắc trách, vô trách nhiệm, không cứu chữa kịp thời khiến con gái họ chết oan uổng. Bệnh viện khẳng định, các bác sĩ đã làm việc rất khẩn trương, quy trình rõ ràng, chính xác nhưng do bệnh tình của bệnh nhân quá nặng nên không qua khỏi.

Sáng 20/8, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (trú nhà số 8 đường Phó Đức Chính, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, gia đình đã có đơn gửi cơ quan chức năng khiếu nại về việc các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tắc trách, vô trách nhiệm, không cứu chữa kịp thời khiến con gái ông là chị Nguyễn Thị Phương Vy (28 tuổi) chết oan uổng.

dsc-0139-d49b2
Ông Tuấn buồn bã trình bày sự việc với phóng viên

Theo ông Tuấn, chị Vy từ trước tới giờ luôn khỏe mạnh, không có bệnh gì. Sáng ngày 14/8, chị Vy thức dậy khoảng 7h sáng và vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đi làm. Sau đó, chị Vy bắt đầu có triệu chứng đau đầu, nôn mửa, chân tay lạnh. Nghĩ là chị Vy bị trúng gió nên vợ ông Tuấn đã bôi dầu và đánh gió cho con nhưng chị Vy vẫn không khỏe mà mệt hơn. Vợ ông Tuấn đã gọi điện cho ông Tuấn ở chỗ làm về.

anh-1-1bb16
Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng trả lời báo chí về vụ việc

Ông Tuấn về đến là 8h30, thấy tình trạng của con gái như vậy nên đã gọi xe cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường Phó Đức Chính, ngoài nhà ông Tuấn có một nhà khác cũng là nhà số 8. Xe cấp cứu đến nhà số 8 kia hỏi không thấy ai cần gọi xe cấp cứu cả nên mới gọi về tổng đài, hỏi qua hỏi lại nên cũng mất nhiều thời gian. Từ lúc gia đình ông gọi xe cấp cứu đến khi đưa chị Vy qua Bệnh viện Đà Nẵng là gần 1 tiếng đồng hồ.

Lúc 9h57 phút, khi bác sĩ thông báo với gia đình về tình trạng của chị Vy là xuất huyết não thì chị Vy vẫn còn cảm giác, biết đau đầu, giật tóc, đạp chân tay.

Sau đó, chị Vy được chuyển qua khoa Hồi sức cấp cứu. “Ở đây, người ta bảo chúng tôi về lấy chứng minh nhân dân của cháu để làm thủ tục, nộp tiền viện phí, nộp tiền chụp CT, rồi mới tiến hành. Em của cháu chạy về nhà cách bệnh viện 5-6 cây số tìm chứng minh nhân dân của chị, sang xếp hàng dài dằng dặc nộp tiền viện phí...mất thêm 2 tiếng đồng hồ nữa, con gái tôi mới được đẩy đi chụp CT não. Sau 2 tiếng đồng hồ chờ đợi bác sĩ vào cuộc, chụp CT xong, họ thông báo con gái tôi bị xuất huyết tràn não rồi, hôn mê sâu, không cứu được nữa”, ông Tuấn kể.

anh-2-8e3b7
TS.BS Lê Đức Nhân – Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chỉ thời gian chụp CTA thể hiện trên phim cho thấy các bác sĩ luôn làm việc khẩn trương

Ông Tuấn cho rằng, trong 2 tiếng đồng hồ đó, các bác sĩ đã không can thiệp gì cả mặc dù biết bệnh tình của chị Vy là rất nguy kịch.

Trao đổi với báo chí, TS.BS Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Vy nhập viện vào lúc 9h20 ngày 14/8, với lý do đột ngột bị hôn mê sâu. Sau đó bệnh nhân được bác sĩ khám, làm xét nghiệm, chụp CTA, mời bác sĩ ngoại thần kinh hội chẩn, đặt ống thở... Đến 10h25, bệnh nhân được chuyển vào khoa hồi sức cấp cứu. Khi vào Hồi sức cấp cứu, vào lúc 10h30, bệnh nhân được khám. Khi khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân bị suy hô hấp nên cho bệnh nhân thở máy, sau đó điều trị một số thuốc liên quan đến phù não do tình trạng xuất huyết não. Đến lúc 11h, bệnh nhân được đưa sang phòng CTA để chụp CTA, hình ảnh đã cắt được cho thấy chụp vào lúc 11h13. 12h bệnh nhân được đưa trở về và bác sĩ nhanh chóng đọc CTA. 12h30, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn lại và không có chỉ định phẫu thuật vì bệnh nhân đã rơi vào hôn mê sâu, tụt huyết áp.

 

anh-3-04da2
Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Vy thể hiện bệnh nhân đã được chụp CT mặc dù gia đình còn nợ viện phí

Qua hồ sơ bệnh án, tôi thấy diễn tiến thời gian rất khẩn trương, các quy trình rõ ràng, chính xác chứ không nghi ngờ gì cả. Từ đầu đến đuôi, chuyên môn không có gì sai sót cả.

Về việc người nhà bệnh nhân phản ánh bệnh viện yêu cầu gia đình phải bổ sung chứng minh nhân dân, nộp viện phí rồi mời tiến hành các xét nghiệm. TS.BS Nhân khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó. Việc bổ sung chứng minh nhân dân, nộp viện phí chỉ là thủ tục hành chính. Còn bên trong, các bác sĩ vẫn tiến hành cấp cứu bình thường. Tuy nhiên, có thể do nhân viên hành chính hướng dẫn người nhà bệnh nhân theo mô típ cứng nhắc khiến người nhà hiểu lầm. Về bệnh viện cũng rất thông cảm với những mất mất người nhà bệnh nhân.

BSCK2 Nguyễn Ngọc Bá, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết, đây là trường hợp đột quỵ não do xuất huyết não nên nó rất nặng, rất nhanh. Ở đâu cũng thế, Hà Nội, TPHCM hay ngay cả nước ngoài cũng khó có thể cứu chữa được. Với bệnh này, có khoảng 50% là chưa kịp đưa tới bệnh viện, 25% là chết tại bệnh viện và 25% còn lại di chứng rất nặng nề. Có những trường hợp, ngay cả những nước tiên tiến cũng không cứu được. Giờ bệnh nhân cũng đã mất rồi, chúng tôi cũng rất đau lòng.

Khánh Hồng