Bảng nhắc 5 đúng: Khuyến khích bà mẹ giám sát an toàn tiêm chủng

(Dân trí) - Bên cạnh việc tăng cường giám sát, kiểm tra công tác tiêm chủng, mới đây Cục Y tế dự phòng đã triển khai hơn 10.000 bảng nhắc 3 đúng dành cho nhân viên y tế và phụ huynh đưa con đi tiêm nhằm nâng cao biện pháp an toàn tiêm chủng hơn nữa.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh vai trò giám sát của bà mẹ giúp đảm bảo an toàn tiêm chủng
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh vai trò giám sát của bà mẹ giúp đảm bảo an toàn tiêm chủng

Hơn 10.000 bảng nhắc 5 đúng tại từng bàn tiêm phòng

Từ tháng 4-5/2015, hơn 10.000 bảng nhắc 5 đúng đã được chuyển tới các bàn tiêm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đã đặt thêm bảng nhắc 5 đúng, nội dung in trên 2 mặt bảng, trong đó 1 mặt dành cho người đưa trẻ đi tiêm với lời nhắn: “Đề nghị các bà mẹ trẻ hỏi và xem loại vắc xin nào được sử dụng trong lần tiêm này” và mặt còn lại dành cho nhân viên y tế với nội dung trước mỗi mũi tiêm, cán bộ y tế phải kiểm tra đúng đối tượng, đúng lịch tiêm, đúng vắc xin (về loại và hạn dùng), đúng liều lượng và đường sử dụng.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trước đây hướng dẫn an toàn tiêm chủng được đưa vào các pano treo hoặc dán tường, không “sát sườn” với cả người tiêm lẫn cha mẹ trẻ. Và hình thức pano nhỏ đặt trên bàn tiêm chủng sẽ thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh, và nhắc nhở các yếu tố cần đối chiếu, kiểm tra trước khi cán bộ y tế chuẩn bị thực hiện mũi tiêm như quyền theo dõi con mình được tiêm vắc xin gì, nắm được lịch tiêm chủng của con. Đặc biệt, trước khi tiêm, các bà mẹ hỏi nhân viên y tế rằng hôm nay con tôi được tiêm vắc xin gì và trực tiếp kiểm tra vắc xin thì sẽ giúp nhân viên y tế tránh sai sót, không tiêm nhầm vắc xi.

Và sự hiện diện của bảng nhắc “5 đúng” ngay trên bàn tiêm sẽ nhắc cán bộ tiêm chủng những bước kiểm tra này trước khi tiêm ngừa cho trẻ.

TS Nguyễn Đắc Phu cũng cho biết: “Việc đặt bảng nhắc này là 1 trong các biện pháp nâng cao an toàn tiêm chủng đang được thực hiện liên tục trong 2 năm qua”.

Mặt bảng dành cho nhân viên y tế
Mặt bảng dành cho nhân viên y tế

Để con tiêm chủng an toàn…

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cần biết những việc cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng và biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng.

Cụ thể, cha mẹ cần giữ gìn phiếu/ sổ tiêm chủng để theo dõi quá trình tiêm chủng của trẻ, mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc xin trong lần tiêm chủng trước; đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng; chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể gặp; bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế .

Đặc biệt, sau tiêm chủng cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra, tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ.

Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường như co giật, tím tái, lừ đừ, mệt mỏi, quấy khóc bất thường, sốt cao, khó thở, nổi ban, nhiễm trùng vết tiêm… để đưa trẻ đến viện kịp thời.

Khi chăm sóc trẻ sau tiêm, cần lưu ý hạ sốt đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguyễn Hồng